Nghèo vì thiếu đất, đông miệng ănVụ lúa mùa vừa qua do hạn hán, sâu bệnh nên cả thôn 13 (Động Quan) bị mất mùa. Ai cũng lo lắng khi còn tới 6-7 tháng nữa mới được thu hoạch lúa chiêm, không biết sẽ lấy cái gì mà ăn! Bà Nguyễn Thị Xăm, một người dân trong thôn cho hay: Bà lấy chồng từ 18 tuổi, cũng như nhiều bà mẹ trong bản Dao này, bà đẻ tới 14 đứa con thì 2 đứa bị chết do bệnh tật. Nhà đông con, quanh năm đói nghèo, không có điều kiện cho các con ăn học nên mấy đứa đi làm công nhân, ở các tỉnh, thành phố lớn, rồi lập gia đình riêng ở đó.
Chiếc xe cà tàng này là tài sản duy nhất của gia đình chị Lý Thị Thành.
Nhưng hiện nay gia đình bà vẫn còn tới 8 khẩu. Đông miệng ăn, nhưng cả gia đình chỉ có hơn sào ruộng, vụ nào được mùa thì thu về 2 tạ thóc, cả nhà ăn vèo trong một tháng là hết. Không ít năm vừa gặt lúa về, rơm chưa kịp khô bà đã phải đong gạo ăn. Căn nhà sàn dựng bằng gỗ tạp đã gần 2 chục năm mưa nắng, không có tiền để tu sửa nên ngày càng dột nát và xiêu vẹo, ngày mưa to trong nhà như trút nước, đông về gió lùa tứ phía cả nhà phải co ro trong lạnh giá. Hỏi bà, gia đình vào hộ nghèo từ năm nào? “Lúc tôi còn nhỏ ở với bố mẹ đói ăn quanh năm, độn sắn, độn khoai là chuyện thường. Khi lấy chồng và ra ở riêng đã thấy xã bình xét cho là hộ nghèo. Nay tôi cũng đã gần 70 tuổi, các con cháu tôi cũng đã lớn nhưng vẫn trong số hộ nghèo”- bà cho hay.
Đòi ở lại hộ nghèoCàng buồn hơn khi đến thăm ngôi nhà đã hàng chục năm nay gắn bó với gia đình chị Lý Thị Thành, đó chỉ là một túp lều dột nát làm bằng tre nứa. Cả nhà 5 miệng ăn (2 vợ chồng và 3 đứa con nhỏ), chỉ trông vào nửa sào ruộng nên đói ăn triền miên. Thời gian chạy vạy, làm thuê kiếm miếng ăn qua ngày chiếm gần trọn con số 365 ngày của năm. Theo như cách nói của chị thì nghèo có gì mà sợ, đời ông bà mình nghèo nhưng vẫn sống được, thì đến đời mình cũng phải cố mà sống thôi. “Đời làm thuê làm mướn cực nhọc lắm, nhiều lúc 2 vợ chồng đi hàng trăm cây số sang Văn Yên (Yên Bái) phát rẫy thuê, may mắn thì mang về được 2-3 trăm nghìn đồng mua gạo cho con. Nhưng nhiều lần đi nửa đường xe hỏng còn không đủ xăng chạy về nhà”- chị Thành bày tỏ.
Để giải quyết bài toán giảm nghèo, ngoài việc đầu tư vốn, tiến bộ kỹ thuật, xã Động Quan cần tuyên truyền người dân thôn 13 thay đổi phong tục tập quán lạc hậu, cùng thói quen đẻ nhiều con của người Dao.
|
Trong năm 2013, nhờ nỗ lực giảm nghèo, qua bình xét, cả thôn 13 có 65 hộ mà chỉ có được 3 hộ thoát nghèo, còn lại 60 hộ vẫn nằm trong hộ nghèo. Tìm hiểu nguyên nhân thì được biết, cả thôn chỉ có 6,5 ha đất lúa, bình quân mỗi hộ chỉ có hơn sào ruộng, trong khi đó có tới 5-6 miệng ăn; trình độ dân trí thấp; phong tục tập quán lạc hậu, muốn đẻ nhiều con và khi con cái lập gia đình, sinh cháu là bố mẹ lên chức ông, chức bà, không tham gia lao động sản xuất nữa, chỉ ngồi nhà hút thuốc, rượu chè, cờ bạc, mặc kệ công việc làm ăn cho con, cháu…, nên đã nghèo lại càng nghèo.
Ngoài ra, nhiều gia đình chỉ trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước, không chịu lao động, chỉ mong được là hộ nghèo. Và có một thực tế như ông Hoàng Đình Lực– Bí thư chi bộ thôn 13, ngán ngẩm nói: “Ngay trong đợt bình xét hộ nghèo vừa qua, nhiều hộ được hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, kinh tế đã có chuyển biến tích cực, nhưng khi xét ra khỏi hộ nghèo thì lại không đồng ý, kiên quyết đòi ở lại hộ nghèo”.
Triệu Huấn (Triệu Huấn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.