Ngũ động Thi Sơn ở Hà Nam với chuyện ly kỳ về giấc mơ thắng giặc xâm lăng của Lý Thường Kiệt
Ngũ động Thi Sơn ở Hà Nam (Bài 1): Ngôi đền cổ với chuyện về giấc mơ đại thắng của Lý Thường Kiệt
Mai Chiến
Thứ tư, ngày 02/08/2023 18:30 PM (GMT+7)
Đền Trúc nằm trong quần thể di tích đền Trúc-Ngũ Ðộng Thi Sơn (xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam). Đền Trúc là ngôi đền cổ linh thiêng, được xây dựng cách đây khoảng 1.000 năm; đền thờ Lý Thường Kiệt, mẹ con Mẫu hậu và Công chúa.
CLIP: Đền Trúc-một ngôi đền cổ linh thiêng gắn với truyền thuyết về giấc mơ đại thắng quân xâm lược của Lý Thường Kiệt tọa lạc tại xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, (tỉnh Hà Nam) được xây dựng cách đây khoảng 1.000 năm.
Đền Trúc được xây dựng theo kiểu chữ "Đinh"
Đền Trúc nằm ngay dưới chân núi Cuốn Sơn (hay còn gọi là núi Cấm), đền hướng ra sông Đáy hiền hòa. Con đường dẫn vào đền Trúc được lát đá xanh dày, chắc chắn và sạch sẽ. Hai bên đường là những khóm trúc xanh mướt; cây trúc cao, che ánh nắng, tạo thành bóng râm cho du khách tham quan dừng chân nghỉ ngơi.
Sở dĩ có tên là đền Trúc bởi vì xưa kia xung quanh đền là rừng trúc rậm rạp, rộng bát ngát. Trải qua gần 1.000 năm, đến nay rừng trúc không còn nữa, nhưng hiện tại bao quanh đền vẫn còn một lớp trúc khá dày.
Đền Trúc được thiết kế theo kiểu chữ "Đinh", gồm nhà Tiền đường và Hậu cung. Nhà Tiền đường 5 gian, làm bằng gỗ lim, trong đó 3 gian giữa là hệ thống cửa gỗ, được làm sát vào hàng cột quân, các cột quân được kê trên chân tảng đá; gian chính giữa có 6 cánh, 2 gian còn lại có 4 cánh. Cửa được chạm trổ theo các đề tài tứ linh, tứ quý, hình những chiếc lá lật, những cụm mây tỏa... mang giá trị nghệ thuật cao.
Hai gian ngoài cùng nhà Tiền đường tường xây gạch, chính giữa để một cửa sổ hình chữ Thọ. Bậc thềm nhà Tiền đường có 5 cấp, được xây ghép bằng những tảng đá xanh nguyên khối.
Con đường dẫn vào đền Trúc được lát đá xanh dày, chắc chắn và sạch sẽ. Hai bên đường là những khóm trúc xanh mướt. Ảnh: Mai Chiến.
Ngăn cách giữa Tiền đường với Hậu cung là một khoảng sân hẹp có tường nối, nhà bán mái. Ở khoảng sân trước Hậu cung có bể non bộ bằng đá và đôi rồng đá có hình dáng khác nhau. Một con rồng thời nhà Lý, một con rồng thời nhà Trần.
Ba gian Hậu cung cũng được xây dựng cùng phong cách với nhà Tiền đường, khung nhà gỗ lim. Cả 2 gian nhà Tiền đường và Hậu cung đều lợp ngói nam; theo thời gian, mái ngói nam đã và đang ngả màu rêu phong.
Giữa sân đền Trúc có 2 cột đồng trụ vuông, cao 6 m, được trang trí các gờ chỉ, hoa văn, họa tiết giống như 2 cột đồng trụ vuông ở ngoài cổng đền. Ngoài ra, giữa sân đền còn có 2 cây cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm.
Phía ngoài cổng đền Trúc có 2 lối vào, đều hướng ra sông Đáy. Hệ thống cổng gồm 4 cột đồng trụ vuông, hai cột chính ở giữa, hai cột nhỏ ở hai bên ngoài cùng. Trong đó, hai cột chính cao trên 6m, chia thành 4 phần.
Phần dưới cùng là chân đế cột, tiếp đến là một khối chữ nhật, các mặt đều có đường gờ chỉ tạo thành những khung cân đối. Trên phần khối chữ nhật là một khối vuông, bốn mặt nổi hình tứ linh và trên cùng là một đôi nghê đắp cân đối, dáng đẹp, quay mặt vào nhau.
Ở giữa 2 cột chính là bức bình phong. Chính giữa bức bình phong là biểu tượng hình chữ Thọ, hai bên bức bình phong là hình con voi đắp nổi đang vươn mình, hướng mặt quay vào nhau.
Theo lịch sử để lại, đền Trúc được khởi dựng cách đây khoảng 1.000 năm, ban đầu là một ngôi miếu nhỏ nằm bên sông Đáy. Trong miếu thờ Mẫu hậu và Công chúa; đây là hai vị thần cai quản vùng đất này.
Đền Trúc ở Hà Nam đang thờ ai?
Chị Phạm Thị Hiền, hướng dẫn viên Khu di tích đền Trúc - Ngũ động Thi Sơn cho biết, vào năm 1069, Lý Thường Kiệt đem quân đi đánh giặc Chiêm Thành, chinh phục phương Nam bằng đường thủy. Khi tới khúc sông Đáy, gần ngọn núi Cuốn Sơn thì gặp trận gió lớn.
Trận cuồng phong này đã bẻ gãy cột buồm và cuốn lá cờ đại lên đỉnh núi Cuốn Sơn. Thấy điều lạ, Lý Thường Kiệt ra lệnh cho quân sĩ hạ trại, qua đêm ở dưới chân ngọn núi Cuốn Sơn.
Nửa đêm, trong giấc ngủ, Lý Thường Kiệt mơ thấy có 2 vị thần xin trợ giúp ông đánh giặc. Hai vị thần không đòi hỏi nhiều, chỉ đề nghị Lý Thường Kiệt nếu đánh thắng giặc ngoại xâm thì sau này quay trở về dưới chân núi làm lễ khao tạ dân làng và mời họ cùng chung vui.
Giật mình tỉnh giấc, Lý Thường Kiệt mới biết đó là giấc mơ. Đến sáng sớm hôm sau, ông đi bộ lên đỉnh núi trên chỗ lá cờ đại thì phát hiện có cỏ thi thảo - một loại thảo dược quý hiếm. Nhờ có cỏ thi thảo mà chữa được dịch bệnh tả ở người đang bùng phát thời điểm đó.
Xuống chân núi, Lý Thường Kiệt hỏi những người có chức sắc và người dân làng Quyển Sơn về tên ngọn núi này. Tuy nhiên, những người trong làng đều nói đây là ngọn núi không có tên.
"Lý Thường Kiệt đã đặt tên cho ngọn núi này là núi Cuốn Sơn, tức núi cuốn cờ. Ông nhận thấy, đây là ngọn núi rất linh thiêng và ra lệnh cho quân sĩ và dân làng cấm không được lên núi chặt phá cây rừng. Từ đó, tên gọi núi Cấm cũng xuất phát từ đây, và trở thành tên gọi quen thuộc cho đến ngày nay", chị Hiền chia sẻ.
Trước khi rời vùng đất này, Lý Thường Kiệt đã sáng tác 2 câu thơ bằng chữ Hán và án ngữ trên đỉnh núi:
"Núi Quyển Sơn có cây thi thảo
Mà Nguyệt đế Vương ban tặng rõ ràng".
"Nghĩa là trời đất đã ban tặng và giúp đỡ ông khi ông và quân sĩ hạ trại ở vùng đất này", chị Phạm Thị Hiền, hướng dẫn viên Khu di tích đền Trúc - Ngũ động Thi Sơn giải thích thêm.
Lần ra quân ấy, Lý Thường Kiệt đã chỉ huy đại quân thắng lớn. Sau chiến thắng, trên đường về kinh đô, khi gần đến núi Cuốn Sơn, nhớ lời của 2 vị thần, Lý Thường Kiệt cho dừng quân, hạ trại bên rừng trúc, làm lễ tạ 2 vị thần, trời đất và mời dân làng xuống cùng tham dự cuộc vui với quân sĩ, mở hội mừng chiến thắng và sửa sang lại ngôi miếu nhỏ bên rừng trúc.
Những ngày dựng trại bên rừng trúc, Lý Thường Kiệt cho tuyển chọn những cô gái trẻ chưa chồng, có giọng hát hay để dạy múa hát dậm, chọn trai tráng khoẻ mạnh để tổ chức đua thuyền. Chưa dừng lại, Lý Thường Kiệt còn dạy người dân trồng dâu nuôi tằm và dệt vải…
Để tưởng nhớ công ơn của Lý Thường Kiệt, năm 1117 nhân dân trong làng đã lập đền để thờ ông. Trải qua gần 1.000 năm, sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, ngày nay đền Trúc đẹp và uy nghiêm hơn.
Hằng năm cứ vào dịp đầu xuân, nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội, tổ chức hát dậm để tưởng nhớ người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt.
Cụ Trịnh Thị Phương Lâm, thủ từ đền Trúc chia sẻ, hiện nay trong Hậu cung đền Trúc đang thờ Lý Thường Kiệt, hai mẹ con Mẫu hậu và Công chúa. Trong Hậu cung đang lưu giữ hơn 30 sắc phong. Cửa Hậu cung chỉ mở khi có dịp lễ lớn.
Năm 1994, đền Trúc và Ngũ động Thi Sơn được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.