Ngôi làng ở ngoại thành Hà Nội biến cỏ dại thành sản phẩm "cực chất" xuất khẩu đi khắp châu Á
Ngôi làng ở ngoại thành Hà Nội biến cỏ dại thành sản phẩm "cực chất" xuất khẩu đi khắp châu Á
Song Phúc
Thứ bảy, ngày 02/09/2023 11:00 AM (GMT+7)
Từ một loại cây cỏ mọc hoang dại trên rừng, người dân Phú Túc đã làm ra những sản phẩm thủ công mang tính nghệ thuật cao, xuất khẩu ra nhiều nước, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập của người dân.
Video nghề đan cỏ tế ở Phú Túc. Thực hiện: Song Phúc.
Nghề đan cỏ tế tồn tại gần 400 năm
Xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội có 8 thôn thì cả 8 thôn đều làm nghề đan cỏ tế nhưng nổi bật cũng như lâu đời hơn cả là thôn Lưu Thượng. Từ người cao tuổi đến trẻ em, từ con gái đến con trai trong làng, ai ai cũng biết và say mê với nghề đan cỏ tế của cha ông để lại.
Theo ngọc phả còn tại đình làng, vào năm 1683, dân cư ở Phú Túc còn thưa thớt, đất đai hoang hóa, mọc đầy cỏ dại. Lúc đó, bà Nguyễn Thảo Lâm đến Phú Túc an cư, lập nghiệp và đã phát hiện ra loại cỏ có thể đan lát thành các vật dụng dùng trong gia đình. Bà đã truyền nghề cho dân trong vùng, cứ thế đời này qua đời khác những người dân Phú Túc tiếp nối và phát triển nghề đan cỏ tế cho đến ngày hôm nay.
Thấy vậy, dân trong vùng học làm theo rồi tiếp tục truyền nghề từ đời này sang đời khác. Để ghi ơn người có công phát hiện ra cỏ tế, người dân đã tôn vinh bà là tổ nghề và thờ phụng tại đình làng Lưu Thượng.
Các nghệ nhân làng Lưu Thượng cho biết cây cỏ tế thuộc họ dương xỉ, thường mọc hoang ở các khu rừng miền núi phía Bắc và một số tỉnh miền Trung từ Quảng Bình trở ra.
Cây có tế có độ dai và bền rất cao ví như lớp mái nhà có sức chịu lực chả kém gì bê tông. Hơn nữa, cỏ tế rất mềm mại, dẻo dai nên dễ cho việc tạo dáng.
Ban đầu, người dân làm nghề chẻ cỏ tế ở Phú Túc chỉ sản xuất để phục vụ cho các địa phương và một số huyện lân cận, phục vụ cho nghề đan cỏ tế và làm nguyên liệu cho một số mặt hàng như nón, các loại rổ, rá, giỏ đựng cua, cá. Nhưng khi nhu cầu ngày càng lớn và tiếng thơm về những sản phẩm ngày một lan xa thì nhiều hộ gia đình trong xã đã đẩy mạnh sản xuất và đưa ra nhiều hơn những mặt hàng với mẫu mã đẹp và sáng tạo.
Ông Nguyễn Văn Viễn, Trưởng thôn Lưu Thượng cho biết, trước đây, người dân trong làng tuyệt đối giữ bí quyết nghề, nhưng về sau chính do yêu cầu cấp bách cũng như quy luật của sự phát triển từ mô hình cá thể, sang tập thể mà điều này bị xóa bỏ, nghề được nhân rộng ra toàn xã. Tuy nhiên, riêng chuyện chẻ cây cỏ tế thì bí quyết vẫn được giữ. Đến nay, mặc dù nghề đã phát triển ra cả xã Phú Túc, nhưng chỉ những người dân có kinh nghiệm ở thôn Lưu Thượng mới có thể chẻ được loại cỏ này.
Triệu phú biến "cỏ" thành "đô"
Đến nay, sau gần 400 năm phát triển, Phú Túc có trên 1.000 mẫu sản phẩm chủ yếu từ cỏ tế và các nguyên liệu khác như bẹ ngô, bẹ chuối, bèo. Sản phẩm giá trị của của làng nghề Phú Túc hiện nay vẫn là từ cỏ tế, bởi người dân ở đây có bí quyết sơ chế nguyên liệu từ bao đời nay.
Ông Nguyễn Văn Ngãi - nghệ nhân đan cỏ tế thuộc thế hệ đầu tiên của làng nghề, người đã từng mở nhiều lớp học ở trong thôn, trong xã và cả ở các huyện lân cận cho hay, các loại cỏ tế sau khi mua về sẽ được phân loại rồi phải phơi ít nhất 3 nắng to liên tục, khi đó mới đạt chất lượng cả về độ bền và màu sắc. Tiếp theo, người thợ để nguyên hoặc chẻ cây cỏ tế ra làm 2, 3 hay 4 phần tùy thuộc vào việc dùng để sản xuất loại hàng hóa nào.
Sau đó, cỏ tế được dùng để đan và tạo hình cho sản phẩm. Các loại cỏ tế được đan phải có cùng màu sắc, độ dẻo dai để tạo sự đồng đều. Sản phẩm sau khi tạo hình được hun qua diêm sinh, rồi nhúng qua dầu keo để màu sắc được bền và tươi tắn hơn. Nhúng dầu keo xong, người thợ sẽ phơi hoặc sấy khô sản phẩm, rồi tiếp tục nhúng dầu lần thứ hai, hoặc lần thứ 3 tùy theo yêu cầu đối với từng loại sản phẩm.
Các mặt hàng hiện nay chủ yếu được sản xuất theo các mẫu mã đã có. Hầu hết các hộ gia đình trong xã đều có lao động làm nghề. Đặc điểm của nghề đan cỏ tế là mọi lứa tuổi, giới tính đều có thể tham gia.
Theo ông Nguyễn Văn May, Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu Phú Tuấn, hiện nay ngoài việc bán các sản phẩm cho người tiêu dùng trong nước, các sản phẩm từ cỏ tế còn xuất khẩu đi thị trường châu Á, trong đó chủ yếu là các nước Nhật Bản, Trung Quốc... Các sản phẩm được bán với giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/1 sản phẩm.
Ngoài ra, thu nhập từ nghề đan cỏ tế của bà con hiện nay bình quân cũng từ 200.000 - 300.000 đồng/người/ngày. Hiện nay, các hộ sản xuất chủ yếu làm theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong xã, theo hình thức nhận nguyên liệu về làm tại gia đình.
"Nghề đan cỏ tế đã thực sự mang lại cho Phú Túc một diện mạo mới, nâng cao mức sống của người dân trong xã. Về Phú Túc ngày nay, đường làng ngõ xóm đều được bê tông hóa, các hộ dân đều có được cơ ngơi khang trang, tiện nghi", ông May chia sẻ.
Cây cỏ tế đưa bước các em học sinh đến trường, cây cỏ tế nâng cánh những ước mơ, và cây cỏ tế - với lịch sử hàng trăm năm thăng trầm cùng Phú Túc đang biến một vùng quê nghèo, thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế của Thủ đô.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.