Vừa tới sân nhà, cũng là lúc anh bạn tôi mang từ suối về cái giỏ tôm tươi nhảy tanh tách. Anh bảo ở đây chẳng có món gì gọi là đặc sản đâu, nhưng thức ăn từ thiên nhiên thì luôn ngon và sạch. Thế là trên mâm cơm, ngoài rau rừng, cá suối có thêm món tôm suối rang.
Con tôm ở đây cũng lạ, hẳn vì sống giữa những dòng suối hiếm hoi từ khe núi, mà mình tôm cứng cáp, rang lên, con nào cũng đỏ au và ngọt. So với những con tôm nuôi trong các bữa tiệc, tuy chẳng ngon mắt bằng nhưng lại đậm đà hơn rất nhiều. Vừa thưởng thức món ăn, vừa tâm sự với chủ nhà, lại thấy nhớ về kỷ niệm một thời với dòng suối rừng và những chú tôm nhỏ.
Ngọt ngào vị tôm suối (ảnh: Bùi Hiển)
Ngày đó, đường xá miền Tây Bắc đi lại còn rất khó khăn, đồng bào thường tự tìm kiếm những thứ có sẵn trên rừng, dưới suối để cải thiện bữa ăn. Lũ trẻ chúng tôi kéo nhau ra suối, nào có vó hay lưới bủa vây, đành chặt mấy cành tre nhỏ, giữ lấy phần tay tre lòa xòa xuống suối đập túi bụi vào đám tôm. Bị choáng, lũ tôm bơi lập lờ, mấy đứa em nhỏ hơn bèn lấy rổ ra vớt đem về nướng trên trảo.
Cảm động nhất là một hôm vớt được rất ít tôm, có một em nhà có em bé, lại chẳng có món gì ăn, em xin ít tôm về cho mẹ ăn để có sữa nuôi em. Tất cả lũ trẻ chẳng ai bảo ai đều nhường lại phần tôm đó rồi vui vẻ ra về. Giờ nhìn những con tôm đó, sao thấy nhớ một thời đến thế. Cái thời mà người ta sẵn sàng sẻ chia từ những điều bé nhỏ nhất ở nơi thôn bản hoang sơ.
Dường như, mỗi khi gặp lại món tôm suối quê mùa này, không những tươi ngon mà lại gợi nhớ bao kỷ niệm của một thời, với những điều giản dị mà xúc động. Một vị ngọt ngào theo ta suốt cuộc đời này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.