Nhạc ngũ âm chỉ được phép “ra mắt” vào các ngày lễ lớn như Chôl – Chnăm – Thmây, Sendolta và Oóc – Oom – Bóc trong chùa là thành tố cơ bản để tạo ra lễ hội. Nên nhạc ngũ âm là “linh hồn” trong đời sống văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer.
Độc đáo của dàn nhạc ngũ âm
Xét về mặt hình thức, nhạc ngũ âm được thiết kế đẹp và tinh xảo, mỗi nhạc khí được định âm một cách chính xác, đảm bảo các yếu tố hoà âm cho cả dàn. Theo nhà nghiên cứu văn hoá Khmer Nam bộ Trần Văn Bổn: Ngũ âm là 5 loại chất liệu tạo thành âm thanh của nhạc. Thông thường là đồng, sắt, gỗ, da và hơi, thể hiện bằng 7 đến 9 loại nhạc khí khác nhau.
Trong đó, nhóm âm thanh bằng tre, gỗ có Rô – Niết – ek (đàn thuyền), Rô – Niết – thung, bộ trống Sakhô – somphô, Sakhô – thôm, đàn Cò và bộ trống Sa – dăm. Các chất liệu bằng sắt hoặc đồng, gang như: bộ cồng lớn & nhỏ Pét – Kuông – Thôn; Rô – Niết – đek cho đến cây đàn Tà – khê, đàn Khưm. Loại nhạc khí thổi hơi với kèn Srô – Lây (2 loại Srô – Lây – Tôck (kèn nhỏ) và Srô – Lây – Thung (kèn lớn)...cần từ 8 – 9 người biểu diễn.
Lớp học dạy nhạc ngũ âm của nghệ nhân Danh Thiên.
Trống Sakhô – somphô là loại trống có hai mặt được bịt bằng da bò. Mặt lớn có âm trầm, mặt nhỏ có âm bổng, được đặt trên một giá cao 30cm. Khi sử dụng, nhạc công dùng cả hai tay vỗ vào mặt trống để tạo ra âm thanh. (Hai trống lớn hơn có hai mặt bịt bằng da trâu, kết kề nhau. Một cái âm trầm, cái còn lại là âm bổng).
Còn nhạc khí Rô – Niết – ek gồm có 26 thanh gỗ hoặc bằng tre hình chữ nhật, dài khoảng 20cm, rộng chừng 5cm, được ghép lại với nhau thành một xâu dài. Hai đầu được máng vào một thùng gỗ có hình thức như chiếc thuyền nhỏ, chỉ có một chân đỡ. Khi sử dụng, nhạc công dùng hai cây dùi gỗ gõ nhẹ trên các thanh tre để tạo ra âm thanh.
Nhạc cụ Rô – Niết – thung là loại nhạc cụ có âm trầm được cấu tạo như Rô – Niết – ek, nhưng chỉ có 16 thanh và giá đỡ có 4 chân. Khi sử dụng, nhạc công cũng dùng 2 dùi như Rô – Niết – ek. Nhạc cụ Chhling của đồng bào Khmer được cấu tạo gần giống với thanh la của người Kinh. Kèn Srô – Lây là loại dàn kèn được làm bằng tre, riêng ống kèn phải làm bằng gỗ quý.
Khi sử dụng, người ta đặt dàn kèn thẳng đứng, cắt ngang với lưỡi để tạo ra âm thanh. Dàn nhạc ngũ âm còn có dàn 2 cồng Pét – Kuông – Thôn, bao gồm 16 quả nhỏ có núm, được làm bằng đồng. Dàn cồng này được xâu lại và đặt trên một giá đỡ bằng mây, hình bán nguyệt. Người đánh cồng ngồi trong vòng cong đó, dùng 2 dùi có bọc da để gõ. Tuỳ theo độ dài, mỏng, lớn hay nhỏ của từng quả mà phát ra âm thanh khác nhau.
Dàn nhạc ngũ âm biễu diễn trong lễ hội Oóc – Oom – Bóc Sóc Trăng.
Trong dàn nhạc ngũ âm, nhạc khí Rô – Niết – ek được xem là loại nhạc khí chủ đạo, nó còn có vai trò dồn bè. Phlang – Pưn – Piết (nhạc ngũ âm) có thể nói là dàn nhạc đạt đến mức độ hoàn chỉnh và ổn định nhất về âm thanh. Ngoài ra, nhạc ngũ âm còn phối hợp hài hoà với các nhạc cụ khác như đàn cò, đàn A dây hoặc có thể tách ra thành những nhạc cụ riêng lẻ để dễ thực hiện cho các điệu múa Sa dzăm, Rom Vong, Lam thone, múa Dzù kê…
Trong lễ hội, mặc dù quy tụ được nhiều nhạc cụ khác nhau nhưng âm thanh của nhạc ngũ âm vang lên luôn chiếm một vai trò chủ đạo làm thay đổi hẳn không khí và lôi cuốn mời gọi những đôi nam nữ nắm tay nhau, thể hiện các điệu múa duyên dáng làm say đắm lòng viễn khách.
Bảo tồn nhạc ngũ âm đồng bào Khmer
Trải qua thời gian, nhạc ngũ âm (Phlang Pưn Piết) được chế tác hoàn chỉnh với nhiều nhạc cụ khác nhau, tuy có một số chi tiết đã thay đổi, cả nhạc cụ cũng như tiết tấu âm nhạc, nhưng về cơ bản các nhạc cụ cổ vẫn giữ nguyên dạng.
Theo nghệ nhân Danh Thiên người có khoảng 60 năm gắn bó với nhạc ngũ âm ở chùa Sóc Bà Mai, ấp 8, xã Vị Thủy (Vị Thủy – Hậu Giang): Để sử dụng thành thạo các nhạc cụ của dàn nhạc ngũ âm, đòi hỏi người sử dụng phải sành điệu, hiểu được cách thức hoà âm, thật sự yêu nghề và phải có sáng tạo mới có thể thể hiện được một cách chuyên nghiệp.
"Hiện nay, ở các đội văn nghệ Khmer Nam Bộ các nhạc công chỉ truyền nghề lại cho nhau bằng cách học lóm, chưa được đào tạo một cách chuyên nghiệp, nên không thể hiện được hết độc đáo của loại hình nhạc cụ này” - nghệ nhân Danh Thiên nói.
Được biết, nghệ nhân Danh Thiên cũng vừa mượn bộ ngũ âm của văn hóa nhà chùa Khmer Sóc Bà Mai về chỉ dạy cho con cháu và những người trong phum sóc với mong muốn để góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ước nguyện lớn nhất của ông Thiên là truyền đạt những gì đã biết cho thế hệ trẻ mai sau.
Cồng lớn Pét – Kuông – Thôn
Còn nghệ nhân Thạch Suôl ở ấp Ba Se, xã Lương Hòa (Châu Thành – Trà Vinh) cũng là người có trên 30 năm tuổi nghề trong sự nghiệp gìn giữ và bảo tồn giá trị truyền thống dàn nhạc ngũ âm của người Khmer Nam bộ. Theo ông Thạch Suôl cho biết: “Chế tạo nhạc cụ không khó, mà cái khó là chọn được cây tốt, có vậy, âm phát ra mới hay”.
Sản phẩm của ông làm ra được đánh giá rất cao, bởi được làm rất cẩn thận, mà âm thanh lại hay. Tiếng lành đồn xa, nhiều người đã tìm đến mua về sử dụng. Vậy nên, ông làm xong cái nào là hết cái nấy, riết rồi phải đặt trước mới có. Không chỉ có ông say mê nhạc cụ dân tộc Khmer mình, mà các con ông cũng thích và trở thành trợ thủ đắc lực của ông.
Dàn nhạc ngũ âm.
Dàn nhạc ngũ âm biễu diễn tại Festival đua ghe ngo đồng bào Khmer ĐBSCL – Sóc Trăng lần thứ 1 năm 2013.
Dấu ấn truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer rất đặc sắc, mà trong đó dàn nhạc ngũ âm luôn là biểu tượng không gian văn hóa sinh động, là linh hồn trong đời sống văn hóa của người Khmer ở Nam Bộ.
Vì thế, tính tâm linh ở các Lễ hội trong đời sống văn hóa tinh thần của người Khmer qua âm thanh ngũ âm vang lên luôn được đồng bào gìn giữ và phát huy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.