Sáng ngày 22.6, tiếp xúc với phóng viên báo điện tử Dân Việt, ngư dân Nguyễn Anh Tuấn, ở thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An, T.P Quảng Ngãi phản ánh: "Vào tháng 9.2015, sau khi được UBND tỉnh phê duyệt (đợt 4) đủ điều kiện tham gia chính sách tín dụng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 7.7.2014 của Chính Phủ (gọi tắt là NĐ 67), tôi đã chọn Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam-Chi nhánh Quảng Ngãi (gọi tắt là Vietcombank Quảng Ngãi) để làm hồ sơ vay vốn đóng tàu cá vỏ thép, hành nghề lưới rê".
Văn bản mà Vietcombank Quảng Ngãi đã gửi cho ông Tuấn nêu lý do từ chối cho vay. Ảnh Công Xuân
Sau đó qua tìm hiểu, ông Tuấn chọn Công ty Cổ phần đóng tàu thủy Đức Việt (Nam Định) để đóng tàu cá vỏ thép cho mình, với tổng dự toán thiết kế gồm cả tàu và ngư lưới cụ gần 14,5 tỷ đồng. "Với lý do là dự toán đóng tại đây, cao hơn so với chiếc tàu vỏ thép đánh bắt cùng hình thức mà ngân hàng này đã cho ngư dân khác vay đóng trước đó tại Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng (Hải Phòng), nên ngân hàng không đồng ý và yêu cầu tôi chọn đóng ở nơi khác mới cho vay", ông Tuấn cho biết.
Trước yêu cầu trên, ngư dân Tuấn đi vào các tỉnh phía nam tìm hiểu và chọn nơi có giá thấp nhất là Công ty Công nghiệp tàu thủy Nha Trang (C.ty Nha Trang), tỉnh Khánh Hòa để đóng, với tổng dự toán là 15,4 tỷ đồng.Tuy nhiên với lý do công ty này đã từng bị ngư dân đóng tàu vỏ thép trước đó trả lại phương tiện do không đảm bảo, nên Vietcombank Quảng Ngãi từ chối và gợi ý ra đóng tại Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng.
"Cũng một mẫu thiết kế, thế nhưng nhận thấy giá mà Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng đưa ra đến 16,5 tỷ đồng, cao hơn C.ty Nha Trang khoảng 1,1 tỷ đồng nên tôi không đồng ý và đề nghị, nếu chịu đóng với giá bằng C.ty Nha Trang (15,4 tỉ đồng) thì sẽ đóng tại đây. Thế nhưng doanh nghiệp này từ chối", ông Tuấn kể.
Ngư dân Tuấn với hồ sơ bị trả sau gần 2 năm ngược xuôi nam bắc để hoàn tất thủ tục. Ảnh Công Xuân
Vì vậy ông Tuấn tiếp tục tìm và chọn Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất-KKT Dung Quất, Quảng Ngãi để đóng, với dự toán đưa ra chỉ 15,2 tỷ đồng và Vietcombank Quảng Ngãi cũng đã chấp thuận; đồng thời yêu cầu phải hoàn tất hồ sơ trong vòng 30 ngày.
Đến ngày 5.4.2016, ông Tuấn đã hoàn tất, nộp hồ sơ (trước thời hạn theo yêu cầu 10 ngày) và được Vietcombank Quảng Ngãi yêu cầu chờ. Tuy nhiên hơn 1 tháng sau vẫn chưa nghe Vietcombank Quảng Ngãi nói gì, cho nên ngày 25.5.2016, ông Tuấn đã làm đơn gửi UBND tỉnh nhờ can thiệp để Vietcombank Quảng Ngãi sớm giải ngân.
"Để hoàn tất hồ sơ, suốt gần 2 năm qua tôi phải nghỉ ở nhà để ra bắc, vào nam tìm nơi đóng tàu phù hợp, rồi thuê làm bản vẽ, thiết kế...với tổng chi phí ước trên 500 triệu đồng. Nếu nói rằng tôi không đủ khả năng để được vay thì nói ngay từ đầu, đằng này họ (Vietcombank Quảng Ngãi) hết yêu cầu bổ sung, lại bắt điều chỉnh rồi chờ đợi... và cuối cùng thì thông báo không cho vay".
Ngư dân Nguyễn Anh Tuấn
|
Bất ngờ ngày 16.6.2016, Vietcombank Quảng Ngãi có văn bản gửi từ chối không cho ông Tuấn vay, với nội dung khách hàng (ông Tuấn) không có kinh nghiệm đối với nghề lưới rê, dự án được đánh giá không khả thi và không có hiệu quả, không có khả năng trả nợ vay cho ngân hàng...
"Để hoàn tất hồ sơ, suốt gần 2 năm qua tôi phải nghỉ ở nhà để ra bắc, vào nam tìm nơi đóng tàu phù hợp, rồi thuê làm bản vẽ, thiết kế... với tổng chi phí ước trên 500 triệu đồng. Nếu nói rằng tôi không đủ khả năng để được vay thì nói ngay từ đầu, đằng này họ (Vietcombank Quảng Ngãi) hết yêu cầu bổ sung, lại bắt điều chỉnh rồi chờ đợi... và cuối cùng thì thông báo không cho vay", ông Tuấn than thở.
Tại buổi làm việc vào trưa ngày 22.6, cùng với xác nhận đã từ chối cho vay đối với ngư dân Tuấn; bà Phạm Thị Thúy Kiều, Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi cho biết: "Đã có văn bản gửi cho UBND tỉnh và các đơn vị liên quan về sự việc này".
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin sự việc trên đến bạn đọc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.