Chậm trễ triển khai nghị định 67: Tắc do ngư dân chưa hiểu đúng

Mai Hương Thứ tư, ngày 05/11/2014 14:08 PM (GMT+7)
“Người dân phải được hiểu rõ vốn của Nghị định 67 (về phát triển thủy sản) là “có vay có trả”, Nhà nước chỉ hỗ trợ phần lãi suất mà thôi do vậy họ phải tính toán làm ăn hiệu quả mới nên vay vốn. Ngư dân có được hiểu đúng và đầy đủ về chính sách thì nghị định này mới có thể sớm đi được vào cuộc sống…”. 
Bình luận 0

Đó là ý kiến chung của đại diện các cơ quan chức năng tại cuộc tọa đàm trực tuyến về triển khai Nghị định 67, do Cổng điện tử Chính phủ tổ chức hôm qua (4.11).

Không phải là quan hệ “xin-cho”…

Ông Phạm Ngọc Tuấn- Phó Cục trưởng Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, sau hơn 2 tháng Nghị định 67 có hiệu lực, đến nay chưa có đồng vốn nào của chính sách này đến được tay ngư dân. Bởi ngư dân được vay vốn phải nằm trong danh sách phê duyệt của địa phương mà đến giờ chưa có địa phương nào ban hành được danh sách này.

img Ngư dân xã Tam Quang, huyện Núi  Thành đóng mới tàu có công suất lớn.

Ông Lê Trung Thành- Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cho hay, ngay khi Nghị định 67 ra đời, BIDV đã ban hành ngay chỉ thị, cẩm nang, mẫu khai vay vốn đơn giản và phù hợp nhất với ngư dân nhưng cũng do chưa có danh sách ngư dân vay vốn được duyệt từ địa phương nên vốn vẫn chưa thể giải ngân.

Nguyên nhân của việc chậm trễ phê duyệt danh sách này, theo ông Trần Văn Lĩnh-Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá TP.Đà Nẵng, là do hiện ở địa phương ngư dân đang ồ ạt đăng ký xin vay vốn. “Chúng tôi phải giải thích Nghị định 67 không phải là chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo hay cho không tiền mà là vốn nhà nước hỗ trợ lãi suất cho dân vay đánh bắt xa bờ, và dân phải trả nợ để ngư dân “tỉnh táo”, không hiểu sai chính sách” - ông Lĩnh nói.

Ông Phạm Ngọc Tuấn cũng nêu một thực tế: Các địa phương tuyên truyền chưa rõ chính sách cho dân nên dân không biết như thế nào là đáp ứng đủ điều kiện để được vay vốn, dẫn tới tình trạng ai cũng thấy cần vay, đăng ký dồn lên quá lớn khiến địa phương quyết định lấy ai, bỏ ai quá khó. “Tắc ở đây là tắc ở cơ sở, tại nhiều địa phương cán bộ cơ sở chuyên trách thủy sản còn không có hoặc ít, kiêm nhiệm nên không nắm được hết chính sách để tuyên truyền cho dân”-ông Tuấn nói.

Qua tìm hiểu tại các địa phương, ông Lê Trung Thành cũng phản ánh, ngân hàng cũng phải phổ biến cho địa phương, ngư dân rằng, mối quan hệ trong chính sách lần này là quan hệ “vay-trả”, chứ không phải “xin-cho”, Nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất nên địa phương phải lựa chọn đối tượng cho sát, đúng. Nếu địa phương lựa chọn tốt thì khi có danh sách, ngân hàng sẽ không phải mất công thẩm định lại để tránh nhiêu khê, chậm trễ trong việc đưa vốn đến ngư dân.

Vẫn phải vừa làm vừa gỡ

Có một thực tế là đến nay, địa phương nào cũng “kêu” được Trung ương phân bổ chỉ tiêu vay vốn đóng tàu ít quá mà nhu cầu của dân thì quá lớn khiến họ lúng túng khi phê duyệt danh sách. Về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Tuấn thẳng thắn nói:

“Khả năng cho phép của nguồn lợi khai thác chỉ có hạn nên theo quy hoạch chúng ta chỉ có thể đóng mới 2.079 tàu, vượt số này thì hiệu quả khai thác sẽ không đáp ứng. Chúng tôi đã căn cứ trên sản xuất xa bờ, nghề đánh bắt, trình độ phát triển thủy sản của các địa phương để quyết định về chỉ tiêu phân bổ.

Địa phương nào có nhu cầu lớn hơn thì cũng chỉ được phê duyệt dựa trên số lượng đã được phân bổ. Chúng ta vẫn phải vừa làm vừa gỡ. Hết năm 2016, chúng ta sơ kết, lúc đó nơi nào làm không tốt sẽ điều chuyển chỉ tiêu về cho nơi làm tốt”.

Ông Tuấn cũng khẳng định: Tiêu chí để xét duyệt ngư dân đủ điều kiện vay vốn sẽ tùy từng địa phương. Nơi nào nghề đánh bắt phát triển thì tiêu chí cao, nơi nào kém thì tiêu chí thấp hơn, không thể ra một tiêu chí chung được. Trong quá trình thẩm định, địa phương phải tuyên truyền, vận động để dân hiểu rõ phải làm ăn hiệu quả, trả được nợ mới đăng ký vay vốn.

Tại cuộc tọa đàm này, ông Lĩnh cũng kiến nghị, để ngư dân vay vốn đóng tàu sắt có thể yên tâm vươn khơi thì không chỉ là việc cho ngư dân vay vốn mà các bộ ngành cũng phải “nhảy vào” tham gia cải thiện cơ sở hạ tầng nghề cá, tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá hiện chưa đáp ứng với việc đánh bắt hiện đại, chuyên nghiệp. Tàu sắt mà nước nông thì không cập cảng được.

Ngày mưa bão thì chợ cá phải có nơi phơi sấy, kho lạnh tốt để ngư dân không phải bán rẻ sản phẩm. Dịch vụ trích dầu cho dân đánh bắt, đưa cá vào cũng cần phải phát triển…

Ông Lĩnh cho biết, Đà Nẵng là địa phương có hậu cần nghề cá hiện đại nhất cả nước, cái gì cũng có nhưng đều không đủ: Có chợ, nơi sửa chữa tàu, cơ sở chế biến… nhưng trú bão là không thể. Phân loại sản phẩm cũng không nốt nên ngư dân vẫn chịu cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Đây là nỗi lo lớn nhất khi ngư dân quyết định vay vốn làm ăn lớn…

   Ngày 15.10, Bộ NNPTNT đã công bố 21 mẫu tàu cho 4 vùng và cho 5 nghề đánh bắt (gồm rê, câu, chụp, vây, tàu hậu cần), song theo phản ánh của ông Lĩnh, hiện địa phương vẫn chưa nhận được. Để tránh việc “ngồi máy lạnh thiết kế tàu”, Bộ NNPTNT đã “thuê” 5 đơn vị thiết kế có uy tín với kinh nghiệm hàng chục năm để thiết kế tàu sao cho phù hợp với ngư dân nhất. Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết, mẫu tàu đưa ra là như vậy, song khi đóng tàu ngư dân vẫn có thể điều chỉnh cho phù hợp với nghề đánh bắt, chỉ cần có đơn điều chỉnh được Tổng cục Thủy sản phê chuẩn.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem