Người cao tuổi khát khao làm việc, tại sao không?

Trung Hiếu - Thùy Anh Thứ bảy, ngày 01/06/2024 13:30 PM (GMT+7)
Hiện nay, quan niệm người cao tuổi cần được nghỉ ngơi đã dần thay đổi. Nhiều người trên 60 tuổi ở nước ta vẫn mong muốn được làm việc, cống hiến.
Bình luận 0

Nhiều người trên 60 tuổi vẫn mong muốn được làm việc, cống hiến. Clip: Trung Hiếu.

Tâm sự người cao tuổi: “Mong muốn làm việc để không sống phụ thuộc vào con cái”

Năm nay, bà Xuân Hồng đã gần 70 tuổi. Hàng ngày, bà vẫn đều đặn bán bánh mì kiếm sống trên đường Triệu Việt Vương (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Theo bà Hồng, những đồng tiền làm ra, bà không chỉ dành để trang trải cho cuộc sống của hai “vợ chồng già”, mà còn đỡ đần con cháu phần nào.

“Ngày trước, tôi đi làm ở cơ quan nhà nước, mức lương không đủ nuôi con cái nên mới nghĩ đến việc bán thêm bánh mì. Hồi đó cứ hàng sáng là tôi đi thu ngân, từ 12 giờ trưa tới 0 giờ đêm là tôi bán bánh mì, làm quanh năm ngày tháng như vậy. Đến khi về hưu, vì không phải đi làm nữa nên tôi bán bánh mì từ 6 giờ sáng tới 22 giờ đêm”, bà Hồng chia sẻ.

Hàng ngày, bà Hồng vẫn bán bánh mì từ 6 giờ sáng đến 22 giờ đêm. Ảnh: Trung Hiếu

Hàng ngày, bà Hồng vẫn bán bánh mì từ 6 giờ sáng đến 22 giờ đêm. Ảnh: Trung Hiếu

12 giờ trưa, lượng khách tới mua bánh mì tại hàng của bà Hồng ngày càng đông. Đôi bàn tay của người phụ nữ 67 tuổi thoăn thoắt rán trứng, thái chả, nướng bánh mì,... thi thoảng bà lại tranh thủ chạy vào trong bếp kiểm tra nồi pate đang nấu. Bà bảo: “Các nguyên liệu đều do tôi tự tay làm hết, bán ra thị trường thì lấy công làm lãi vì đối tượng khách tới quán tôi ăn có rất nhiều học sinh, sinh viên. Công việc cứ luôn chân luôn tay thế này khiến tôi cảm thấy mình khỏe ra mà không cần tập thể dục”.

Tương tự bà Hồng, nhận thấy bản thân còn sức khỏe và con cái cũng đã trưởng thành, có công việc ổn định, nên bà Phạm Thị Hòa (61 tuổi, Bắc Ninh) có mong muốn được tiếp tục làm việc. Bà Hòa cho biết: “Từ xưa đến giờ công việc của tôi là đi bán nhộng, quen việc rồi nên giờ mà nghỉ ở nhà thì buồn lắm. Trước đây, số lượng nhộng có nhiều thì tôi đi bán cả ngày. Bây giờ, tôi bán buổi sáng thôi”.

16 giờ chiều mỗi ngày, bà Hòa lại đi thu gom nhộng tằm để mang ra chợ bán vào hôm sau. Ảnh: Trung Hiếu

16 giờ chiều mỗi ngày, bà Hòa lại đi thu gom nhộng tằm để mang ra chợ bán vào hôm sau. Ảnh: Trung Hiếu

Đều như vắt tranh, 16 giờ chiều mỗi ngày, bà Hòa lại đạp xe tới cơ sở làm nghề ươm tơ gần nhà để thu gom nhộng tằm, chuẩn bị bán cho ngày hôm sau. “Mỗi ngày tôi thường bán 1 yến. Việc phân loại, nhặt bỏ đi những con nhộng bị hỏng, giữ lại những con lành, con đẹp cũng khiến cho mắt tôi ‘tinh’ hơn. Giờ tôi đọc báo cũng không cần đeo kính đâu (cười)”.

Người phụ nữ 61 tuổi tâm sự với phóng viên Dân Việt: “Còn sức khỏe, tôi còn lao động, vì tôi không muốn phải sống phụ thuộc vào con cái. Thêm nữa, việc đi chợ bán hàng mỗi ngày cũng giúp tôi vui vẻ hơn khi được nói chuyện với nhiều người. Kiếm được thêm đồng nào hay đồng ấy, sau lỡ có ốm đau, bệnh tật gì cũng có tiền mua thuốc”.

Quan niệm về việc người cao tuổi tham gia lao động dần thay đổi

Mới đây, tại Hội thảo "Già hóa dân số và vấn đề lao động, việc làm", bà Nguyễn Thị Thu Hoài - Giảng viên Khoa Công tác xã hội, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới. Dự báo, đến năm 2038, nhóm cao tuổi ở Việt Nam chiếm khoảng 20% dân số.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Chánh Văn phòng Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, người cao tuổi hiện chiếm 17% dân số cả nước, tương đương khoảng 17 triệu người. Trong đó, chỉ có 27% số người cao tuổi có lương hưu, 23% được nhận trợ cấp xã hội. "Phần đông ông bà, cha mẹ của chúng ta từ nông nghiệp đi lên, họ không có lương hưu. Nhiều người trên 60 tuổi vẫn 'buôn thúng bán mẹt', làm ăn buôn bán để nuôi sống bản thân mình", bà Mai chia sẻ thêm.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga - Giảng viên Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam trình bày kết quả nghiên cứu về nhu cầu lao động của người cao tuổi hiện nay: “Nếu trước đây, quan điểm văn hóa truyền thống ở nước ta là người cao tuổi cần được nghỉ ngơi thì hiện nay, trong bối cảnh già hóa dân số, sẽ có một quan điểm khác được hình thành, đó là người cao tuổi cần phát huy được năng lực của mình, không chỉ dừng lại ở việc được chăm sóc và bảo vệ”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam trình bày kết quả nghiên cứu về nhu cầu lao động của người cao tuổi hiện nay. Ảnh: T.H

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam trình bày kết quả nghiên cứu về nhu cầu lao động của người cao tuổi hiện nay. Ảnh: T.H

Bà Nga cho rằng: “Động cơ tham gia thị trường lao động của người cao tuổi ở nước ta cũng khác nhau, một bộ phận là để có đời sống tinh thần phong phú, được bảo đảm sức khỏe, nhưng cũng có người là vì lý do sinh kế. Họ không muốn rằng khi bản thân về già sẽ phải phụ thuộc vào con cái”.

Bàn về giải pháp để thích ứng với vấn đề già hóa dân số trong bối cảnh hiện nay, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Chánh Văn phòng Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam nhấn mạnh: “Người cao tuổi là nguồn lực để phát triển xã hội. Chúng ta cần tiếp tục động viên người cao tuổi làm những công việc phù hợp để họ có đời sống tinh thần vui hơn, nâng cao sức khỏe và cải thiện thu nhập dù ít hay nhiều cũng đều đáng quý”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem