Người “cướp cơm thần xà” vùng sơn cước

Nông Vĩnh - Đinh Luyện Thứ năm, ngày 03/04/2014 17:33 PM (GMT+7)
Hơn một nửa đời người rồi đến lúc nghỉ hưu, ông đã cứu giúp cho nhiều người không may bị trúng rắn độc cắn, giúp họ thoát khỏi cái chết bởi "thần xà" mà không màng đến danh lợi.
Bình luận 0
Đó là ông Nông Hữu Huân (sinh năm 1959), dân tộc Tày - "truyền nhân" của phương thuốc chữa rắn cắn bí truyền ở vùng sơn cước tỉnh Cao Bằng này.

Truyền nhân trị độc rắn

Nhà ông Huân nằm lọt thỏm giữa Tổ 6, thị trấn Trùng Khánh (Cao Bằng). Gia đình ông từng là những "thầy y" của vùng sơn cước trong việc trị rắn độc cắn cứu người. Nhưng đến giờ chỉ còn lại ông Huân là người duy nhất nắm giữ “bí kíp” chữa rắn cắn mà cha ông đã tích lũy.
img
Ông Nông Hữu Huân đang hướng dẫn cách sơ cứu cho bệnh nhân bị rắn độc cắn.

Ông Huân kể: “Cha tôi từng là một lang y nổi tiếng trong các huyện miền núi ở tỉnh về biệt tài trị độc. Từ các loại rắn độc, nhện độc hay các thuốc độc mọc trong rừng đều có thể hóa giải. Tất cả là nhờ cơ duyên từ ông nội tôi khi gặp được một người bạn trong thời gian làm lính tuần ở biên giới thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Bạn ông tôi vốn là một người trị độc rắn tài năng, nổi tiếng vùng Đông Bắc.

Nhưng không phải ai cũng có thể trở thành truyền nhân, bởi ông này rất kén người kế nghiệp. Nhiều người trả ông một con trâu to nhưng vẫn bị từ chối. Nhưng không hiểu sao sau một thời gian trò chuyện, ông ấy đã truyền dạy bài thuốc trị độc cho ông nội. Cũng từ đó, ông tôi cũng bắt đầu hành nghề trị độc cứu người, rồi truyền lại cho cha tôi”.

Năm 1977, ông Huân vượt đèo Khau Liêu ra học Trường Công an Cao Lạng, đồng thời bắt đầu dùng phương pháp chữa bệnh rắn độc cắn của ông nội truyền lại, cứu giúp người không may.

Tuy hiện giờ đã đến tuổi nghỉ công tác ở Công an huyện Trùng Khánh, ông vẫn nhớ như in lời dặn của người ông trước khi mất: “Cháu cố gắng cứu được càng nhiều người càng tốt và đừng màng đến lợi lộc từ việc cứu người. Đừng để bài thuốc quý giá này bị lãng quên mất, mà ngược lại cháu phải truyền dạy cho con cháu sau này để dòng họ mình có phúc”.
img
Ông Triệu Văn Hiện ở xóm Pác Đông, xã Cảnh Tiên đang kể lại lần ông bị rắn hổ mang chì cắn suýt mất mạng.

Bởi vậy, từ đó đến nay hễ có dịp đi công tác, hay dù ở đâu, ông Huân đã không ngại khó khăn trèo núi, vạch rừng tìm cây thuốc mong kịp chữa trị cho người bị rắn độc cắn thoát khỏi thần chết. Không ít người bị rắn độc cắn như ông Cai ở xóm Nà Thềnh thuộc xã Thông Huề, ông Hiện ở Mèo (xóm Pác Rao), ông Hiện (Pác Đông) ở xã Cảnh Tiên… nhờ biết tiếng ông Huân nên giữ được mạng sống.

“Rắn cắn tay trái, ngửi cây thuốc vào mũi bên phải”

Ở vùng sơn cước huyện Trùng Khánh có nhiều loại rắn cực độc. Rắn lục, hổ mang trâu, hổ mang chì nhiều vô kể. Trong đó, hổ mang chì và rắn lục xám là độc hơn cả. Người nào ốm yếu có thể sẽ chết ngay tại chỗ nếu bị nọc độc rắn phóng hết vào cơ thể.

Chính vì vậy, ở nơi thâm sơn cùng cốc mới xuất hiện nhiều phương thuốc vô cùng kỳ lạ và hiệu quả đến khó tin của các bậc "Thần y", trong đó có cách chữa bệnh của ông Huân. Nếu rắn cắn vào tay trái thì dùng cây thuốc giã nát mịn rồi cho người bị rắn cắn ngửi vào mũi phải và ngược lại.

Ông Huân lý giải: “Đó là cách chữa bệnh theo mạch thần kinh. Bên nào bị rắn cắn thì thần kinh dường như đã tê liệt nên thuốc khó ngấm và giải độc. Dùng cách này sẽ đẩy hết lượng độc tố từ trong ra ngoài vết cắn”.

Ông Huân tiếc nuối: “Đến mùa Đông, cây thuốc bắt đầu lụi tàn, héo úa và cho đến tiết Thanh minh, khi rắn mở mắt ra khỏi hang cây thuốc lại xanh trở lại. Nếu ai bị rắn cắn trúng vào thời điểm này thì rất khó khăn trong việc tìm cây thuốc trị độc bởi phải tìm được lá tươi xanh thuốc mới phát huy tác dụng”.

Ông lưu ý, tùy theo từng loại rắn mà dùng lượng cây thuốc ít hay nhiều cho phù hợp. Bởi vì, cây thuốc vốn có tính độc tố rất mạnh nhưng lại kháng cự, “vô hiệu hóa” nọc độc của rắn. Nếu cho bệnh nhân ngửi một lúc số lượng thuốc nhiều hơn mức cho phép thì sẽ bị phản tác dụng. Nhẹ thì bị đau đầu, buồn nôn cả tuần, nặng có thể mất mạng ngay tức khắc.

Đoạt mạng khỏi tay tử thần

Ông Triệu Văn Hiện (50 tuổi) ở xóm Pác Đông, xã Cảnh Tiên không khỏi kinh hoàng khi kể lại hôm bị rắn hổ mang chì cắn: “Lúc đó là vào buổi trưa tháng 9 âm lịch năm nay. Trong lúc tôi lật hòn đá để đóng cọc trâu thì cánh tay trái cảm giác như bị điện giật. Khi co rút lại thì tôi mới phát hiện ngón tay út tôi máu phun ra tung tóe, ngay dưới hòn đá là một con rắn màu đen vằn. Lập tức tôi liền vội vàng chạy đi tìm dây rừng ven núi để buộc ga-rô vào ngón tay.

Mặc dù cảm thấy rất đau đớn nhưng sau đó tôi vẫn còn trở lại tìm cách bắt con rắn đó để mang về nhà ngâm rượu. Lúc đó, chỉ cần một thanh tre tôi đã tóm gọn con rắn hổ mang chì. May sao khi về đến nhà, thằng con trai nuôi tôi nói ông Huân nhà trên thị trấn giỏi chữa rắn cắn và ngay sau đó nó liền chở tôi đi”.
img
Vết cắn của con rắn vào ngón tay út ông Triệu Văn Hiện vẫn còn để lại sẹo.

Chìa ngón tay út với một vết sẹo chưa liền ra cho chúng tôi xem, ông Hiện nói thêm: “Nhờ ông Huân mà ngón tay tôi mới còn nguyên vẹn được như vậy đấy. Nhớ lại kinh khủng lắm các chú à. Hai ngày đầu, khi nhúng tay vào chậu nước rửa tay xuất hiện nước màu đục vàng chảy ra ở miệng vết rắn cắn. Đến ngày thứ 3, vết cắn xẹp trở lại như ban đầu, và không còn nước màu vàng đục chảy ra nữa, ngón tay đã linh hoạt như bình thường”.

Trong năm vừa qua, có 4 trường hợp người bị rắn độc cắn đã tìm đến nhà và được ông Huân chữa trị lành lặn. Nói về chữa trị rắn cắn cứu người, Ông Huân chia sẻ: “Mình có hành nghề y để kiếm sống đâu mà ghi chép chứ. Cứ nhiệt tình cứu giúp người hoạn nạn để lấy phúc cho mai sau”...

XEM THÊM
>> Bí truyền "tiên dược" phòng the của người Mông
>> Độc đáo thuốc tắm của người Dao
>> Cây thuốc nhà quê
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem