Người đưa cây tre giúp bà con thoát nghèo và tạo lối sống "xanh"

Thế Hiển - Bảo An Thứ tư, ngày 05/04/2023 06:08 AM (GMT+7)
Xuất phát từ đam mê lối sống "xanh" và mong muốn giúp đỡ mọi người, anh Vương Văn Tân (KDT Giao Lưu, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) đã dành tâm huyết để nghiên cứu đưa cây tre trở thành cây giúp người dân thoát nghèo.
Bình luận 0

Tạo lối sống "xanh" từ cây tre

Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2022, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển - nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.

Điều đáng nói là việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế. Tình trạng rác thải nhựa ở Việt Nam đang gia tăng một cách nhanh chóng.

Những con số đáng sợ được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng đã trở thành nỗi day dứt trong tâm người đàn ông sinh năm 1986.

Làm gì để hạn chế rác thải nhựa, tạo lối sống “xanh” cho mọi người, câu hỏi này đã thôi thúc anh Tân phải quyết tâm nghiên cứu tìm câu trả lời.

Vì vậy, sau nhiều thời gian trải nghiệm và nghiên cứu, anh Tân “bén duyên” với cây tre. Anh Tân cho hay, tre là loại cây có tốc độ sinh trưởng nhanh nhất thế giới, trung bình khoảng 3 năm đã được khai thác và có thể được trồng ở đa dạng các địa hình. 

Bên cạnh đó, cây tre còn được biết đến là một loại cây có khả năng chống biến đổi khí hậu vì khả năng hấp thụ lượng khí CO2 lớn hơn rất nhiều so với các thực vật khác.

Người đàn ông đam mê kinh doanh với phương châm “vì môi trường”   - Ảnh 1.

Anh Vương Văn Tân đã dành nửa thập kỷ hăng say nghiên cứu các sản phẩm từ tre. Ảnh: Thế Hiển

Cụ thể, cây tre hấp thụ nhiều CO2 hơn 1,5 - 2 lần so với bất kì một loại cây nào khác trong cả vòng đời sinh trưởng. Ngoài ra, cây tre có khả năng nhả khí oxy nhiều hơn 35% so với loài thực vật khác.

Đặc biệt, trong cây trẻ chứa nhiều đặc tính tự nhiên phù hợp với việc phát triển sản phẩm gia dụng. Điều này vừa phù hợp với việc hạn chế rác thải nhựa ra môi trường.

Nghĩ là làm, anh Tân bắt tay vào làm thí điểm. Các công đoạn từ quá trình tìm tòi đến việc đưa những ý tưởng thành hiện thực, không tránh khỏi những thất bại, nhưng với niềm đam mê mãnh liệt cùng ý chí bền bỉ, điều đó chưa từng làm anh Tân chùn bước.

“Thời điểm bắt đầu tôi đã gặp không ít thử thách. Xuất phát từ chủ quan khi bản thân còn chưa có nhiều kiến thức, cũng như khách quan khi những sản phẩm từ thiên nhiên vẫn chưa nhận được sự đón nhận tích cực của xã hội. Thế nhưng tôi vẫn kiên trì vì niềm tin vào một tương lai chúng ta nhận thức tốt hơn về các vấn đề môi trường” - anh Tân tâm sự.

Sau 5 năm nỗ lực không ngừng nghỉ, anh Tân đã tạo ra được những đồ dùng gia đình cơ bản bằng tre, thân thiện với môi trường như: Thìa, đũa, bát,... đến các sản phẩm nội thất như đèn trần, tủ, kệ.

Người đưa cây tre giúp bà con thoát nghèo và tạo lối sống "xanh" - Ảnh 2.

Các sản phẩm từ tre tại doanh nghiệp vừa đảm bảo chất lượng, vừa đạt được tiêu chí thẩm mỹ. Ảnh: Thế Hiển

“Ngày xưa, cha ông mình dùng tre đánh giặc, tre làm bàn, làm ghế. Giờ đây, mình là thế hệ sau cần kế thừa và phát triển nó. Đó là làm cho tre xuất hiện trong từng nhà để gợi nhớ về nguồn cội và các sản phẩm về tre sẽ được làm đẹp đẽ, đa dạng hơn hơn, đặc biệt an toàn, thân thiện với môi trường” – Anh Tân tâm huyết nói.

Chia sẻ với phóng viên, chị Lưu Thị Hòa (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) cho biết: “Từ lâu tôi đã hạn chế sử dụng các sản phẩm kém thân thiện với môi trường, đặc biệt là nhựa. Thay vào đó, tôi lựa chọn các sản phẩm từ tre như thế này, bởi vì đây là một lựa chọn xanh, sạch hơn. Trong tương lai, việc tiêu dùng những vật dụng thân thiện với môi trường như thế này sẽ trở thành xu hướng vì con người càng ý thức tốt hơn về sức khỏe của mình”.

Mong muốn giúp người dân thoát nghèo từ cây tre

Bên cạnh việc tìm đến cây tre là người bạn thân thiện với môi trường, anh Tân còn lan tỏa những giá trị tích cực đến những người xung quanh.

Mới đây, năm 2022, anh đã gửi tặng bà con địa bàn xã Ba Khan, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình những gốc tre giống. Theo anh Tân, sau 3 năm tre phát triển, doanh nghiệp có thể thu mua, tạo nguồn sinh kế cho người dân Ba Khan.

“Nếu người dân bỏ đi thói quen dùng đồ nhựa thì các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên sẽ phát triển. Điều này sẽ giúp ngành nông nghiệp phát triển và tạo sinh kế cho người nông dân” – Anh Tân cho hay.

Người đưa cây tre giúp bà con thoát nghèo và tạo lối sống "xanh" - Ảnh 3.

Năm 2019, anh Tân và nhóm thiện nguyện đã trao tặng dụng cụ ăn uống làm từ tre cho Trung tâm bảo trợ xã hội và công tác xã hội (Hưng Yên). Ảnh: NVCC

Những năm gần đây, anh Tân phối hợp với các tổ chức thiện nguyện dành tặng Trường Tiểu học Trịnh Tường (Bát Xát, Lào Cai) tặng những giá sách thân thiện môi trường để tạo nên “thư viện xanh”.

Nói về không gian thư viện dành cho học sinh vùng cao, thầy giáo Phạm Mạnh Hà – Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Trịnh Tường chia sẻ: “Những giá sách nhà trường được anh Tân và đoàn từ thiện tặng làm từ vật liệu tre rất gần gũi với môi trường, thân thiện với các em học sinh. Những học sinh vùng cao vốn đã quen với cây tre, cây nứa, cây vầu và khi lên trường đọc sách, giá sách lại được làm từ chính những cây cối thân thuộc đó. Nó đúng với tiêu chí “thư viện xanh” của nhà trường. Điều đặc biệt hơn, những giá sách đã qua bàn tay chế tác nên có độ bền, đẹp và không mối mọt”.

Trước đó năm 2019, anh đã trao tặng dụng cụ ăn uống làm từ tre cho Trung tâm bảo trợ xã hội và công tác xã hội (Hưng Yên).

Người đưa cây tre giúp bà con thoát nghèo và tạo lối sống "xanh" - Ảnh 4.

Anh Tân và các tình nguyện viên tổ chức chương trình Chương trình Chăn ấm cho em tại điểm trường Sủng Phính ABC. Ảnh: NVCC

Năm 2015, đêm nhạc gây quỹ Thắp lửa ước mơ đã tạo được nguồn quỹ gần 30 triệu đồng cùng các quần áo, đồ dùng học tập để tổ chức Chương trình Chăn ấm cho em tại điểm trường Sủng Phính ABC thuộc Trường PTDTBT Tiểu học Sủng Thài (xã Sủng Thài, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang).

Từ những tiến triển tích cực đó, anh Tân đặt niềm tin vào tương lai về một môi trường xanh - sạch hơn mỗi này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem