Người thầy giáo đặc biệt truyền cảm hứng cho học sinh

Thứ hai, ngày 03/04/2023 06:10 AM (GMT+7)
13 năm qua có một người thầy giáo đặc biệt dùng miệng để viết tương lai. Anh không chỉ viết lên câu chuyện của chính cuộc đời mình mà còn truyền cảm hứng cho các em nhỏ trong làng và mọi người. Người thầy giáo đặc biệt ấy là anh Phùng Văn Trường (năm nay 44 tuổi).
Bình luận 0

Mới đến đầu xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội) hỏi thăm, nhiều người đã hồ hởi chỉ tận tình cho tôi nhà anh Trường, có cô bán hàng ở đầu xã còn nhiệt tình nói: "Ai chứ thầy giáo Trường ở đây không ai là không biết". Người dân nơi đây vẫn thường ví von thầy là "bông hoa nơi đất lũ". Cuối cùng tôi cũng đã tìm đến cổng nhà anh Trường với tấm biển "Thư viện Hallo World", địa chỉ: Nhà anh Trường (Thầy giáo viết chữ bằng miệng). Đến nơi, trên chiếc xe lăn anh Trường ra đón tôi vào tham quan lớp học như người thân lâu ngày chưa gặp vậy. Căn phòng vừa là nhà ở, vừa là lớp học và là thư viện rất gọn gàng.

Người thầy giáo đặc biệt truyền cảm hứng cho học sinh - Ảnh 1.

Lớp học của anh Trường bắt đầu vào 17 giờ mỗi ngày khi các bạn nhỏ tan học ở trường về.

Không đầu hàng trước số phận

Anh Phùng Văn Trường sinh ra trong một gia đình thuần nông tại vùng đất lũ, ở thôn Nhân Lý (Nam Phương Tiến, Chương Mỹ). Vốn sinh ra là một đứa trẻ kháu khỉnh, bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng đến độ tuổi tập đi, Trường không thể đi như bạn bè cùng trang lứa. Bố mẹ đã cho anh đi khám một vài nơi và được chẩn đoán mắc chứng bệnh thoái hóa cơ tiến triển, chi phí điều trị khá đắt mà điều kiện kinh tế nhà Trường hạn hẹp nên đành thôi. Kể từ đó mọi sinh hoạt của anh đều phụ thuộc vào bố mẹ.

Không gục ngã trước số phận, bằng sự cố gắng của mình Trường đã đi học hết lớp 8, sau đó phải nghỉ học vì sức khỏe không cho phép với bao nhiêu ước mơ còn dang dở. Sau khi nghỉ học, gia đình đã thu xếp mở cho anh một gian tạp hóa để bán hàng tạo thêm thu nhập và niềm vui mỗi ngày. Với khát khao được học tập, cống hiến và trở thành người có ích cho xã hội, bên cạnh việc bán tạp hóa, hằng ngày Phùng Văn Trường đã tự học bằng nhiều cách khác nhau, đôi tay không thể cầm bút, anh dùng miệng để tập viết chữ.

Người thầy giáo đặc biệt truyền cảm hứng cho học sinh - Ảnh 2.

Thời gian đầu tập viết chữ bằng miệng đối với anh Trường vô cùng khó khăn.

Chia sẻ với phóng viên, anh Trường tâm sự: "Những ngày đầu tập viết gian nan vô cùng. Bút chọc thẳng vào họng gây buồn nôn, thậm chí chảy cả máu. Cả ngày cúi sát xuống vở tập viết, đến khi ngẩng lên là đau vai mỏi cổ, hoa mày chóng mặt. Những trang giấy lúc ấy thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và nước miếng. Về sau, tôi đổi cách "cầm" bút, đó là ngậm chéo trong miệng. Răng hàm, răng cửa giống như những ngón tay kẹp chặt lấy bút còn cổ dùng để điều khiển bút đi ngang, đi dọc trên trang giấy".

Tập luyện ròng rã hơn một tháng trời, anh Trường đã thành công viết được những chữ đầu tiên, tạm gọi là có thể đọc được. Chưa dừng lại ở việc viết được chữ, Phùng Văn Trường muốn mình phải viết thật đẹp vì như thế sau này sẽ dạy lại được cho các em học sinh. Anh bày tỏ: "Muốn dạy được người khác viết thì chữ của mình phải đẹp hơn họ, lúc ấy người học mới phục và nghe theo".

Người thầy giáo đặc biệt truyền cảm hứng cho học sinh - Ảnh 3.

Thầy giáo Trường viết chữ bằng miệng vừa đều vừa đẹp sau rất nhiều cố gắng.

Thầy giáo làng nơi đất lũ

Trước đây, khi anh Trường bán hàng tạp hóa có con của em gái hay sang chơi với anh, nhận thấy cháu học chưa tốt nên anh đã kèm riêng cho cháu. Dưới sự kèm cặp của bác Trường, sức học của cháu đã có tiến bộ rõ rệt. Dần dần, các gia đình xung quanh hay tin cũng đưa con đến nhờ anh dạy học. Lớp học khi bắt đầu chỉ có một vài em học sinh, tiếng lành đồn xa, lớp học của anh Trường ngày càng đông, các em học sinh trong xã đến xin học nhiều hơn, tiếng cười nói, tiếng hát ở trong ngôi nhà nhỏ của anh ngày nào cũng rộn ràng, vui tươi.

Người thầy giáo đặc biệt truyền cảm hứng cho học sinh - Ảnh 4.

Các cháu học tại nhà anh Trường chủ yếu trong lứa tuổi tiểu học.

Là một người thầy không có chuyên môn nghiệp vụ sư phạm, tất cả những gì anh đang dạy các em học sinh hoàn toàn bằng kinh nghiệm, kiến thức anh học được qua sách vở, tivi và bằng cái tâm của mình. Người thầy ấy ngày ngày đều viết sẵn các dòng chữ mẫu, những phép tính toán cơ bản vào từng quyển vở để mỗi khi tan học từ trường về, mấy đứa nhỏ lại ghé qua luyện tính và nắn nót viết theo. Chẳng cần phải nói, có lẽ chúng ta ai cũng hiểu việc viết mẫu cho từng học sinh phải tốn bao nhiêu mồ hôi, thời gian và công sức, ngay cả với người thường. Thế nhưng, anh Trường chỉ nghĩ, "các cháu đến đây thương mến, yêu quý mình, giúp được chúng nó thì mình thấy cuộc đời thêm ý nghĩa".

Chị Đỗ Thị Tuyết (ở thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến) – phụ huynh của hai cháu bé đang theo học tại đây cho biết: "Nhà mình có hai bạn nhỏ, một bạn lớp 3 và một bạn lớp 1 đang theo học tại nhà anh Trường sau mỗi buổi chiều tan học trên lớp. Từ ngày theo học lớp của anh Trường mình thấy hai con đã tiến bộ, làm toán nhanh hơn và viết chữ cũng đẹp hơn trước".

Người thầy giáo đặc biệt truyền cảm hứng cho học sinh - Ảnh 5.

Hiện nay mỗi chiều thầy giáo Trường dạy khoảng 5 đến 10 em, mùa hè thì đông hơn phải chia làm 2 ca sáng và chiều.

Em Nguyễn Thị Ngọc, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A đang theo học tại lớp của thầy Trường bày tỏ: "Con thấy bác Trường là một người ân cần, tốt bụng, bác hướng dẫn chúng con giải rất nhiều bài toán, luyện viết và luyện đọc cho chúng con. Con rất yêu quý bác Trường".

Đến nhà anh Trường, tôi cũng rất ấn tượng với thư viện sách mang tên "Hallo World" (Xin chào thế giới) với đa dạng các loại sách, được bày biện rất gọn gàng, bắt mắt. Theo anh Trường, thư viện này được hình thành khi anh tham gia chương trình "Điều ước thứ 7" năm 2015. Sau đó đến năm 2017, anh và người em tên Tuấn tiếp tục mở rộng thư viện. Sách ở thư viện được mua bằng tiền của các nhà hảo tâm ủng hộ lớp học, trong đó có rất nhiều cuốn được mọi người khắp nơi đem đến ủng hộ. Thư viện vì thế ngày một đầy lên, các em học sinh ngày nào cũng háo hức đến lớp học rồi lại chăm chỉ đọc sách. Hiện thư viện đã có hàng nghìn đầu sách, từ sách văn học, toán học, địa lý, lịch sử,... cho đến truyện đọc.

Người thầy giáo đặc biệt truyền cảm hứng cho học sinh - Ảnh 6.

Thư viện miễn phí ngay trong ngôi nhà nhỏ của anh Trường.

Nhận được sự quan tâm, yêu thương của mọi người, đối với anh Phùng Văn Trường đó chính là niềm vui, là động lực để anh tiếp tục cố gắng duy trì lớp học và thư viện dù sức khỏe của anh ngày một yếu đi.

Với tấm lòng thơm thảo của mình anh Trường được cô bạn làng bên cảm mến, anh lập gia đình năm 2012 và có một cậu con trai hiện nay đang học lớp 4. Gia đình của anh luôn ở phía sau ủng hộ, chia sẻ với những điều anh làm. Chia sẻ với phóng viên, bà Đỗ Thị Năm – mẹ anh Trường xúc động tâm sự: "Sinh con ra ai cũng mong muốn con của mình được khỏe mạnh, lành lặn, năm ấy vì gia đình quá nghèo nên không thể điều trị cho con. Thương con, tôi chỉ biết nuốt nước mắt vào trong và chăm sóc con một cách tốt nhất có thể. Giờ nhìn con trưởng thành, có gia đình, có những cháu học sinh tới nhà học tập, vui đùa mỗi ngày tôi rất mừng. Điều hạnh phúc đối với người mẹ như tôi là thấy con có một cuộc sống vui vẻ và tích cực".

Người thầy giáo đặc biệt truyền cảm hứng cho học sinh

Dù không phải là một người thầy chính quy nhưng với tôi chữ "Thầy" thật phù hợp và đáng trân trọng với anh Trường. Giữa bao nhiêu bộn bề của cuộc sống, tại ngôi làng nhỏ ở vùng đất lũ có một người thầy giáo đầy nghị lực sống đã đem đến những bài học bổ ích và lan tỏa giá trị tích cực đến con em trong làng, trong xã và tất cả mọi người.

* Bài có sự biên tập ở title

Diệu Huyền (Quân đội nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem