Người Hà Nội "than thở" rau củ quả tăng giá, chuyên gia thống kê và dân buôn nói gì?

An Linh Thứ sáu, ngày 21/04/2023 15:32 PM (GMT+7)
Theo một số tiểu thương và chuyên gia về thống kê, thông tin một số mặt hàng rau củ quả tăng giá trong tháng 3, tháng 4/2023 chỉ mang tính thời điểm do gối vụ, ảnh hưởng thời tiết. Các mặt hàng này không tác động nhiều khiến CPI tăng giá.
Bình luận 0

Thực hư nhiều sản phẩm tăng giá?

Gần đây, nhiều bà nội chợ cho biết hàng loạt mặt hàng rau xanh bị tăng giá bất ngờ, trong đó có rau vụ xuân hè như muống, cải, rau dền cơm… Các loại bắp cải, rau cải xanh cũng được ghi nhận tăng giá.

Khảo sát của PV Dân Việt tại chợ dân sinh Cổ Nhuế (P. Cổ Nhuế 2, Q. Bắc Từ Liêm), chợ Nghĩa Tân (P. Nghĩa Tân, Q. Bắc Từ Liêm) và một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi chuyên doanh thực phẩm, rau củ và hoa quả cho thấy, một số loại rau củ quả có tăng giá so với trước, nhưng xu hướng tăng giá không phải là chung cho các loại mặt hàng.

Người Hà Nội than thở giá rau củ quả tăng giá, chuyên gia thông kê và người buôn nói gì? - Ảnh 1.

Thịt lợn, mặt hàng nhiều người tiêu dùng vẫn giữ giá ổn định tại siêu thị, ở chợ dân sinh, mức giá còn rẻ hơn chỉ từ 90.000 đồng đến 130.000 đồng (loại ngon).

Đơn cử, các loại gạo, thịt lợn, trứng gà, thịt gà… là những mặt hàng thiết yếu, chính trong giỏ hàng hoá đo lường CPI, tác động trực tiếp vào giá CPI từ tháng 1 đến tháng 4/2023 không tăng.

Các loại gạo bán giá dao động từ 140.000 đồng đến 250.000 đồng tuỳ chủng loại và theo thị hiếu, người dùng bình dân mua gạo gạo tám Hải hậu, tám điện biên, tám thơm có giá dao động từ 16.000 đến 18.000 đồng/kg (160.000 đồng - 180.000 đồng/ bao 10kg).

Các loại thịt lợn, mặt hàng đại đa số người dân tiêu dùng trên thị trường theo khảo sát và đánh giá của nhiều người, giá cả không biến động nhiều, thịt các loại dao động từ 90.000 đồng/kg đến 140.000 đồng/kg, thịt ba chỉ dao động tại chợ từ 110.000 đến 130.000 đồng tuỳ sạp, cửa hàng và chợ. 

Tại siêu thị WinMart, nơi được nhiều bà nội trợ tin dùng, giá thịt cao nhất cũng chỉ khoảng 116.000 đồng/kg, giá sườn vai heo loại ngon giá 131.000 đồng/kg. Thịt gà dao động từ 110.000 đến 145.000 đồng/kg, loại gà công nghiệp tại chợ Cổ Nhuế, Nghĩa Tân đều chỉ có giá 120.000 đồng/kg.

Về hoa quả, ổi các loại giá bán dao động từ 25.000 đến 35.000 đồng/kg, dưa hấu 25.000 đến 30.000 đồng, chuối 20.000 đến 37.000 đồng/nải, kg (tuỳ nơi, chủng loại)….

Người Hà Nội than thở giá rau củ quả tăng giá, chuyên gia thông kê và người buôn nói gì? - Ảnh 2.

Theo tiểu thương, một số mặt hàng hoa quả tăng giá, trong đó có chuối tăng từ 20.000 đồng/nải (18.000 đồng/lkg) lên 35.000 đồng/nải (khoảng 25.000 đồng/kg) là do hoa quả cuối vụ, bị ảnh hưởng đợt rét kéo dài và do mùa hoa quả năm nay đổ chợ chậm hơn do bị nhuận 2 tháng 3 âm lịch

Theo một số đầu mối bán hoa quả tại Cầu Giấy, giá một số loại hoa quả tăng thời gian gần đây là do trong thời điểm lễ (ngày mồng 1) và chuẩn bị ngày 30/4 và 1/5, người dân có nhu cầu mua sắm, lễ biếu nhiều, nên giá cả tăng.

Bên cạnh đó, các loại quả mùa Xuân cũng khá hiếm bởi đây không phải chính vụ ở miền Bắc; hoa quả phía Nam chuyển ra cũng chỉ có xoài, chôm chôm, dừa. Hơn nữa, năm nay do nhuận 2 tháng 3 (âm lịch), nên một số loại cây trái sẽ vào vụ, đơm hoa, kết trái muộn, khan hiếm cục bộ về các loại quả, nên ngoài chợ có nhiều loại hoa quả nhập ngoại như táo, nho, cam… giá khá đắt đỏ.

Bà Thu Hồng, chủ sạp hoa quả tại Nghĩa Tân cho hay: "Năm nào cũng vậy, vụ xuân gối hè cũng rất ít hoa quả vì đây là vụ nhiều loại trái cây ra hoa. Đến thời điểm tháng 5, tháng 6 sẽ có nhiều loại rau quả như mơ, mận, táo, dưa các loại (dưa hấu, dưa lê….), mít, ổi, nhãn, vải… đổ vụ, giá cả các loại mặt hàng sẽ đồng loạt giảm do có nhiều sản phẩm thay thế.

Người Hà Nội than thở giá rau củ quả tăng giá, chuyên gia thông kê và người buôn nói gì? - Ảnh 3.

Hiện nay, hầu hết hoa quả miền Bắc chưa vào vụ, nên chủ yếu là hoa quả phía Nam như xoài Cát Chu (Đồng Tháp), bưởi Da Xanh (Bến Tre), Chôm Chôm phía Nam nên giá khá đắt đỏ. Phải đến hết tháng 5, sang tháng 6 thị trường hoa quả mới bùng nổ, giá hoa quả mới hạ nhiệt.

Về giá rau, ghi nhận có nhiều loại rau bị tăng giá thời điểm gần đây. Ví dụ cải xanh, bắp cải đều tăng giá từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg, bí xanh 1.500 đồng/kg… 

Theo dân buôn rau quả, vụ Đông Xuân thường có nhiều đợt rét nên trồng các loại rau hè như mướp, bầu bí chậm lên. Các loại rau rền, muống hay mồng tơi đang bắt đầu vào vụ vì vậy, trên thị trường đang có nhiều loại rau nhập từ miền Nam và Đà Lạt ra như bắp cải, su hào, bí các loại; các loại rau này do phải vận chuyển nên giá cao hơn so với thời điểm chính vụ ngoài Bắc. Giá rau muống bán theo kg là 10.000 đồng/kg giảm nhẹ 2.000 đồng/ tháng trước do các đợt rét chấm dứt, giá dưa leo cũng chỉ 7.000 đến 10.000 đồng/kg, tuỳ loại, nơi bán. 

Người Hà Nội than thở giá rau củ quả tăng giá, chuyên gia thông kê và người buôn nói gì? - Ảnh 4.

TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT

Giá rau quả có tính thời vụ: Người dân cần chọn lựa san phẩm thay thế khi giá đắt

Trao đổi nhanh với PV Dân Việt, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng: CPI là chỉ số bình quân của 752 mặt hàng và chia làm 11 nhóm và lấy bình quân gia quyền của 750 mặt hàng đó để công bố giá CPI. "Giá rau củ quả chỉ là đối tượng tác động nhỏ (vì không phải là mặt hàng thiết yếu, bắt buộc sử dụng). Trong giỏ CPI, không phải mặt hàng này tăng giá 10% là CPI tăng 10%, bởi còn nhiều loại mặt hàng, nhóm hàng khác".

Theo ông Lâm, hàng tháng, Tổng cục Thống kê đi thu thập về giá 3 kỳ (mồng 1, 11 và 21) phản ánh biến động giá trong 1 tháng. Trong điều kiện bình thường, giá cả không biến động, cơ quan thống kê ghi chỉ số giá 2 kỳ để tính toán, nếu trong điều kiện giá tăng giảm nhiều, phải ghi giá cả 3 kỳ để tính toán đưa ra số chung, để chính xác.

Về nguyên nhân một số nhóm hàng, mặt hàng rau củ quả ngoài thị trường tăng trong thời gian gần đây, TS Nguyễn Bích Lâm phân tích: Hiện tượng tăng giá một số thực phẩm, rau xanh không phản ánh việc CPI không tăng bởi lý do yếu tố thị trường cung cầu, vùng địa lý và lưu thông…

Người Hà Nội than thở giá rau củ quả tăng giá, chuyên gia thông kê và người buôn nói gì? - Ảnh 5.

Giá gạo các loại được cho là vẫn ổn định trong thời gian gần đây nhờ lượng cung hàng đầy đủ, chỉ riêng các loại gạo đặc sản như ST25, gạo nứt giá có thể lên trên 35.000 đến 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đây không phải là loại gạo phổ thông.

Qua khảo sát của PV Dân Việt, những nhóm hàng đồ ăn gia đình được nhiều người sử dụng, hàng thiết yếu và khó có sản phẩm thay thế như gạo, thịt lợn, trứng thời gian qua không tăng giá. Thậm chí mặt hàng trứng gà tại Hà Nội còn xuất hiện nhiều điểm bán giải cứu khi hàng dư thừa. 

Hiện nay giá thịt lợn móc hàm tại các chợ dao động từ 90.000 đến 130.000 đồng/kg, cá biệt có loại như thăn lên đến 140.000 đồng/kg, so với trước đây, các loại thịt này vẫn ổn định. Trong khi đó, giá mỗi chợ một khác, chợ truyền thống thường rẻ hơn siêu thị, cửa hàng tiện lợi…. vài nghìn, thậm chí cả chục nghìn đồng, người tiêu dùng hoàn toàn có thể thay đổi thói quen mua sắm theo phương pháp rẻ mua, đắt đi chỗ khác, đó là quy luật thị trường.

Theo đại diện Tổng cục Thống kê, tác động của các loại rau xanh rất thấp đối với chi tiêu gia đình, có gia đình ăn loại rau này, có gia đình ăn loại rau kia, thậm chí tự cung tự cấp. Hơn nữa, giá các loại rau thay đổi theo địa lý, mùa vụ nên hôm nay có thể tăng, mai lại chững hoặc giảm, nên khó đánh giá được thay đổi giá.

TS Nguyễn Bích Lâm cho rằng, tại các khu đô thị, nơi người dân có thu nhập cao hơn, giá cả các mặt hàng sẽ đắt đỏ hơn so với các vùng nông thôn, ngoại thành. Cũng tại các đô thị, nơi có mật độ dân cư cao hơn, nhu cầu tiêu dùng cao, người dân đa số có thu nhập cao hơn, tầng lớn trung lưu nhiều hơn, cầu nhiều không tăng cung, giá sẽ tăng. Người dân có thu nhập sẽ không quá bận tâm đến việc tăng giá mặt hàng đồ ăn gia đình. 

"Giá các loại rau củ quả cũng có tính thời điểm. Việt Nam là nước chủ động được về lương thực, rau xanh, với nhiều chủng loại khác nhau nên khi nhận biết loại hàng này tăng giá, người dân nên mua sản phẩm thay thế khác để tránh tác động vào chi tiêu gia đình".

Về chi phí lưu thông, TS Lâm khẳng định: Khâu trung gian hiện nay ăn 30%- 50% giá bán cuối cùng đến tay người dân. Đơn cử như thịt lợn, giá lợn hơi xuất chuồng của người dân năm 2021 là 50.000 đồng/kg, lò mổ mua 80.000 đồng, thương lái bán lẻ bán đến tay người dân là 110.000 đến 130.000 đồng/kg, khâu trung gian nâng chi phí quá cao, khiến người tiêu dùng chịu thiệt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem