Người Huế coi Tết Nguyên đán, ăn tết âm lịch là thiêng liêng nhất

Hương Đồng Chủ nhật, ngày 22/01/2023 05:44 AM (GMT+7)
Tết Nguyên đán là một lễ hội mùa xuân lâu đời, thiêng liêng nhất của dân tộc Việt Nam. Ăn Tết đối với mỗi người Việt Nam là dịp để tìm về cội nguồn của mình với tất cả tình thương nỗi nhớ và lòng biết ơn vô hạn. Với người dân xứ Huế, điều đó càng trở nên quan trọng, thiêng liêng nhất.
Bình luận 0

Nhà có con cháu đi học xa, làm ăn xa, trước Tết vài ba ngày nóng lòng ngóng đợi. Người đi xa, dù công việc bận rộn, lý do nào cũng tìm mọi cách về nhà ăn Tết, sum họp cùng gia đình.

Tết đến, dù giàu hay nghèo, trên bàn thờ tổ tiên, am miếu của người Huế được trang trí rực rỡ. Bát hương, đỉnh đồng, cây nến xếp đặt ngay ngắn.

Ý nghĩa nhân văn Tết cổ truyền trên đất cố đô Huế - Ảnh 1.

Tết Huế có những nét riêng thú vị, kinh đô xưa, Huế còn giữ được nhiều cổ tục trong việc đón Tết và ăn Tết. Ảnh: PV

Ngày Tết, nhà nào cũng có mâm ngũ quả đẹp, đặt ngay trên bàn thờ. Dù đắt mấy cũng phải tìm cho được một nải chuối quả đều, đẹp để thờ cúng tổ tiên, ông bà. Ngày 30 Tết, làm mâm cơm cúng tất niên, mời ông bà về cùng gia đình chung niềm vui ngày Tết.

Ngày Tết, bà con lối xóm đến nhà thăm hỏi, kèm theo lời chúc: "Mạnh khỏe, an khang, gặp niềm vui trong cuộc sống". Người lớn tuổi mặc áo dài, thắp hương, chắp tay cúng, bái, mời ngồi vào bàn uống nước, chuyện trò những câu chuyện đầu năm mới.

Dù mới gặp nhau, 3 ngày Tết vẫn cứ tay bắt mặt mừng. Ngày Tết, đồng nghiệp thăm hỏi nhau, sẻ chia chuyện làm ăn, chuyện cơ quan, đoàn thể…

Ý nghĩa nhân văn Tết cổ truyền trên đất cố đô Huế - Ảnh 2.

Xin chữ, cho chữ là một phong tục truyền thống đã có từ lâu mỗi dịp Tết đến Xuân về ở đất cố đô Huế. Ảnh: PV

Tết là thời điểm, để mỗi người hoài niệm, tự phán xét về lẽ sống của mình với những người xung quanh. Trong sắc trời mới, mỗi người tự tìm về "đạo làm người" trong mối quan hệ nhiều chiều: với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh em, vợ chồng, thầy trò, với hôm qua, hôm nay và cả niềm tin cho một năm mới.

Người xứ Huế, đặc biệt trọng lễ nghĩa. Bởi lẽ đó, họ luôn thận trọng cách giao tiếp, cách đối nhân xử thế. Mối quan hệ hai chiều giữa cha mẹ, con cái, giữa thầy và trò... là những mối quan hệ được xem trọng vào bậc nhất. Con cháu đời đời ghi nhớ công ơn sinh thành, nuôi dưỡng... của ông bà, cha mẹ; học trò nhớ ơn thầy cô đã dạy dỗ họ nên người.

Câu ca dao năm nào "mùng 1 Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy" vẫn còn nguyên giá trị. Người Huế thường quan niệm tất cả những công việc gì đều phải cố gắng giải quyết xong trước khi sang năm mới. Mùng 1 Tết, đừng nói với nhau những lời khó nghe, phải nhẹ nhàng, kính trọng, con người nên bỏ qua cho nhau những gì chưa nhân bản.

Ý nghĩa nhân văn Tết cổ truyền trên đất cố đô Huế - Ảnh 3.

Nét độc đáo của các sản phẩm truyền thống trong dịp Tết mảnh đất cố đô Huế. Ảnh: PV

 Tắm trong hương xuân, người Huế tìm về nét bản sắc văn hóa cha ông. Những ngày giáp Tết, các nghề truyền thống sống dậy rộn ràng. Nghề đúc đồng, chùi đồng ở phường Đúc tất bật để tạo ra những chiếc lư đồng sáng đẹp trên bàn thờ; nghề làm mứt gừng Kim Long, bánh chưng Nhật Lệ lắm người ra vào. Nhìn bánh chưng xanh nghe hồn Lang Liêu muôn thuở.

 Ngày 23 tháng chạp hằng năm, mỗi gia đình đều làm lễ cúng đưa ông Công ông Táo về trời báo cáo những chuyện trong đời sống gia đình, nhất là chuyện bếp núc. Sau đó các gia đình sẽ thay bức tượng táo quân mới đề cùng đồng hành với một năm tràn đầy hy vọng.

Ý nghĩa nhân văn Tết cổ truyền trên đất cố đô Huế - Ảnh 4.

Tượng ông Công ôngTáo, sản phẩm của làng Địa Linh, Hương Vinh, Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Ảnh: PV

Tết đến người dân Huế không thể không chơi cây mai. Chọn cây mai, người Huế tỏ ra khó tính. Họ thích cây mai gầy chứ không phải cây mai lớn, cây mai thưa chứ không phải cây mai rậm, cây mai dài chứ không phải cây mai non, hoa mai sơ khai chứ không phải mãn khai.

Cây mai ấy phải vừa cứng cỏi, kiêu hùng biểu tượng cho hình ảnh một đấng trượng phu, nhành mai nhẹ nhàng thanh thoát, yểu điệu biểu hiện cho hình ảnh một thiếu phụ. Nhìn vào cây mai ta thấy hiện lên hình ảnh đạo phu phụ. Đạo nghĩa vợ chồng, thủy chung gửi vào trong dáng điệu mai. Đời sống tâm linh đó của người Huế mang đậm tính triết lý nhân văn.

Ý nghĩa nhân văn Tết cổ truyền trên đất cố đô Huế - Ảnh 5.

Lầu Ngũ Phụng (Đại Nội) thường xuyên được lựa chọn cho các chương trình của Festival Huế. Ảnh: PV

Từ xưa đến nay, các yếu tố sông – núi, cây cỏ và con người đã đem lại cho thiên nhiên Huế một tâm cảm sâu thẳm khôn cùng. Làm cho người Huế có một phong thái đặc biệt lạ, quá đỗi nhẹ nhàng khi đối diện với lẽ sinh tử của cuộc đời. Người Huế trong bốn mùa gần như không lúc nào tất bật, mùa xuân lại càng làm cho con người gần với cỏ cây, hoa lá để rồi trở thành thú vui người Huế là cùng nhau vãn cảnh ngày xuân.

Cái thú tiêu dao, lãng du cùng thiên nhiên nhiên sẽ làm lòng người lắng dịu, thanh thoát. Đó cũng là cuộc hành trình đi tìm triết lý sâu xa về đạo làm người, ước mong điều thiện, niềm hoan lạc trong năm mới. Ước vọng đó, mà người Huế có tập tục mùng một lên chùa xin keo hái lộc đầu năm, thể hiện niềm mong ước về những điều an lành và tốt đẹp nhất.

Ý nghĩa nhân văn Tết cổ truyền trên đất cố đô Huế - Ảnh 6.

Người dân viết những điều ước may mắn treo lên cây trước chùa ngày đầu năm. Ảnh: PV

Nhiều lễ hội văn hóa dân gian cũng được tổ chức vào dịp Tết. Đua thuyền trên sông Hương, chơi bài chòi, hội vật, đánh gà, các trò chơi dân gian quen thuộc... tất cả phản ánh phong tục tập quán của một vùng đất luôn gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện tinh thần thượng võ, yêu cuộc sống, yêu hòa bình...

Tết Huế xưa và nay, Tết của cổ truyền, Tết của văn hóa. Dẫu cuộc sống đổi thay, phát triển nhưng người Huế vẫn không bao giờ muốn làm "mới đi" những gì đã trở thành truyền thống. Thanh lịch, dịu dàng, sắc xuân xứ Huế vẫn mãi đậm đà nét đẹp bản sắc trong dòng chảy văn hóa của đất thần kinh. Đó cũng là để Huế trở thành vùng đất chẳng nơi nào có được mang dấu ấn cốt cách, tâm hồn giữa thênh thang miên viễn của thời gian.

Thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội lẫn thách thức. Cuộc sống phát triển, đổi thay, chịu tác động của nhiều yếu tố, song chắc chắn những phong tục tập quán, những sinh hoạt mang giá trị nhân văn trên vùng đất cố đô khi Tết đến xuân về vẫn luôn được nâng niu, gìn giữ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem