Người làng tôi ở Sài Gòn (kỳ 4): Thế hệ thứ hai

Hà Nguyên Huyến Thứ hai, ngày 04/10/2021 06:00 AM (GMT+7)
Tôi coi thế hệ chú em tôi là thế hệ thứ hai đến TP.Hồ Chí Minh sau năm 1975.
Bình luận 0

Cần cù chăm chỉ

Đó là khoảng những năm 90 của thế kỷ XX.

Tôi có một người em cậu (em ruột mẹ), vợ chồng chú có hai đứa con. Cả hai vợ chồng đều khỏe mạnh, chăm chỉ làm ăn nhưng gần chục năm ở riêng vốn liếng hầu như không có gì. Nhân một hôm về quê, anh tôi bảo: "Anh vừa mua được mảnh đất 150m2 ở huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, đất nằm cạnh ga Sóng Thần - một cửa ngõ quan trọng của tỉnh này. Anh làm nhà cho công nhân thuê, vợ chồng chú thu xếp vào với anh, anh cho mượn căn phòng mặt tiền để buôn bán, phòng trong để sinh hoạt. Chú thím vừa làm vừa trông nom ngôi nhà này cho anh…".

Bàn đi tính lại mãi mới quyết mà đi được. Trước hôm đi, thím em lên bảo: "Cửa nhà em gửi bác cả, em bán tất tần tật nông sản (lúa má, lợn gà) được hơn 5 triệu đồng, em chỉ giữ lại tiền vé tàu và tiền tiêu vặt dọc đường. Bọc tiền đi tàu sợ bị mất cắp, em gửi các bác. Lúc nào em cần thì gửi vào cho em theo bưu điện".

Người làng tôi ở Sài Gòn (kỳ 4): Thế hệ thứ hai - Ảnh 1.

Quê hương là nguồn cội, là nơi để mọi người xa quê luôn nhớ về và đoàn kết khi đi xa. Ảnh: H.N.H

Bố tôi bảo: "Con vào trong ấy làm "đầu lĩnh" cũng được. Đoàn kết anh em người làng, bảo ban nhau làm ăn đừng để ai đói khổ và hư hỏng…".

Vợ tôi bảo: "Thím cần tiền cứ lên chỗ anh tôi mà lấy, tôi gửi vào ngay khi chú thím lên tàu…". Thật xót xa, mười năm lao động chỉ được có thế, mà thế đã là tươm...

Vào Dĩ An, thím mở một quán tạp hóa, chú tiếp tục nghề cũ - thợ xây. Chú thím vừa buôn bán vừa quản lý 3 tầng nhà với vài chục phòng cho công nhân thuê. Hai năm sau, tôi mới vào được, lúc anh tôi mua đất thì mới chỉ loáng tháng vài nhà dân, nay đã là một con phố sầm uất. Tôi không nhớ lúc đó địa chỉ cụ thể thế nào nhưng nay là Đường Số 2, Khu công nghiệp Sóng Thần I, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Sau một thời gian nghe ngóng thấy gia đình chú em yên ổn, một loạt người trong làng tôi ra đi. Thế rồi tiếng bay về làng, tiếng rằng: Anh tôi là một "đầu lĩnh", bố tôi lo lắng hỏi: "Đầu lĩnh là thế nào?".

Người làng ra đi đa số là do làm ăn thất bát dẫn đến nợ nần mà trốn, rồi đói nghèo và hoàn cảnh… Vào đấy một số nhờ anh tôi mà có việc làm. Anh tôi là thế hệ đi trước đã giúp đỡ mọi người tốt nhất có thể. Nhờ anh tôi mà rất nhiều người ổn định được cuộc sống sau vài năm.

Sau nhiều lần đi, về và gặp gỡ những người làng tôi nhận ra rằng: Khoảng những năm chín mươi của thế kỷ XX, nhà nước mở cửa, cả nước đang đứng trước một thời cơ mới. Làng tôi không nằm ngoài quy luật ấy. Bao nhiêu năm đói nghèo, cơ chế bó buộc nay lại được khuyến khích… Một số người năng động đã đem sức mình ra thử vận may, một số thành công, rất nhiều người không đến đích. Thế là lâm vào nợ nần, chán nản sinh ra cờ bạc rượu chè. Nếu cứ ở lại làng không biết sẽ như thế nào. Cùng lúc ấy, TP.Hồ Chí Minh đang là một thị trường cuốn hút lao động. Không riêng người làng tôi, người của các nơi cũng nhận ra thời cơ này, tất cả ra đi và TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… là đích đến.

Người làng tôi ở Sài Gòn (kỳ 4): Thế hệ thứ hai - Ảnh 3.

Căn nhà của chú em ở quê trước khi đi vào TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: H.N.H

Dĩ An là thành phố mới nên được quy hoạch rất hiện đại. Đường vuông như ô bàn cờ, phố xá rộng rãi, vỉa hè có cây xanh và hệ thống cấp, thoát nước tốt. Bình Dương là một tỉnh năng động trong mời gọi đầu tư. Các khu công nghiệp mở ra san sát. Chiều chiều công nhân đi làm về tràn ra phố có khi ùn tắc giao thông.

Thím em tôi bán hàng rất chạy mà cơ chế lại thoáng. Thím bán chịu cho công nhân thuê trọ đến kỳ lương trả một thể. Thế là nhà không bao giờ bị trống phòng, hàng hóa bán cứ đều như "vắt chanh" mà lại không bị ai quỵt nợ.

Làng tôi là thế, bản tính cần cù tiết kiệm đã ăn vào máu thịt dân làng. Trải mấy mươi năm, kể cả năm 1945, làng tôi không ai bị đói. Cậu tôi đã từng mắng một chú em: "Chú lười, cả buổi cắt không đầy được sọt cỏ bằng cái mõm bò… Nay bưng thúng đi nhận gạo cứu tế mà không biết xấu hổ!". Mẹ tôi lúc sinh thời người thường nói: "Khỏe mạnh mà đói là do mình. Người lười chứ đất có bao giờ lười đâu…". Mẹ dặn chúng tôi: "Sống trên đời làm được mười chỉ ăn bảy, tám thôi, còn lại phải giữ lấy phòng lúc sa cơ, lỡ vận!".

Ai cũng khấm khá

Người làng tôi mang tinh thần ấy vào TP.Hồ Chí Minh. Mấy năm sau, chú thím mua được đất, làm nhà hai tầng nhà khang trang cũng ở ngay cạnh nhà anh tôi.

Tôi vào Sài Gòn thấy "thế hệ thứ hai" đến nay ai cũng khấm khá. Ai cũng có nhà riêng dù là rộng hay hẹp. Từ người làm chủ xưởng mộc, đến người buôn bán tạp hóa, quán ăn nhậu. Rồi công nhân Công ty cây xanh và môi trường…

Nếu cứ ở lại làng đất chật người đông, cơ hội có một việc làm đã khó nói gì đến làm giàu. Điều đáng mừng là tất cả những người ở làng bị mang tiếng thì vào đây không thấy ai lười, ai hư hỏng. Phải chăng, có việc làm, tương lai trong tay mình nên ai cũng vui vẻ và chăm chỉ.

Tôi gặp một người ở làng bên cạnh, bạn học với tôi những năm phổ thông. Sau đổi mới bạn ấy ra chợ Mía (một cái chợ trong xã) mở cửa hàng ăn uống. Hàng bán không được lại dính vào sổ xố, số đề rồi mang công mắc nợ. Không còn cách nào khác, bạn vào đây, anh tôi cho mượn tiền mua một cái xe ba-gác. Sau một thời gian chạy xe, bạn mở một quán bán cháo đầu heo và nuôi được hai đứa con đi học. Đứa lớn sắp tốt nghiệp đại học, đứa sau năm nữa thì hết trung học… Anh tôi kể: "Vào đây được một năm, năm ấy mới sớm mồng một Tết, cả xóm con đang chuẩn bị cúng đầu năm thì nghe tiếng xe ba-gác nổ vang. Rồi chú ấy cất tiếng oang oang gọi, anh tôi ra chú ấy chắp tay nói: Ơn bác em có ngày hôm nay, năm sớm em mang tất cả vợ con trên chiếc xe này lên mừng tuổi bác…".

Bố tôi bảo:" Con vào trong ấy làm "đầu lĩnh" cũng được. Đoàn kết anh em người làng, bảo ban nhau làm ăn đừng để ai đói khổ và hư hỏng…".

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem