Người làng tôi ở Sài Gòn (kỳ 3): Cầu nối với làng

Hà Nguyên Huyến Thứ bảy, ngày 02/10/2021 06:00 AM (GMT+7)
Không giống với các thế hệ trước ở lại TP.HCM, anh tôi rất chăm đưa các con về quê. Về quê thăm ông nội (bà nội đã mất) và đại gia đình...
Bình luận 0

Ngày ấy, kiếm tiền đã khó, giao thông lại càng khó khăn hơn. Tàu Thống Nhất phải chạy 3 ngày 3 đêm mới ra đến Hà Nội và ngược lại. Khi cháu lớn lên 8, đứa em lên 6, hai đứa đã tự về quê. Bố đưa lên tàu ở Ga Sài Gòn, chú đón ở Ga Hà Nội. Trong sâu xa, có lẽ anh tôi muốn con cái biết rằng, quê hương là cội nguồn. Nhiều lúc tôi chợt nghĩ: Nếu một người không biết quê hương bản quán của mình thì sẽ như thế nào nhỉ?

Đưa mèo từ Sài Gòn về làng

Năm 1994, trong làng và các vùng lân cận rộ lên việc ăn thịt mèo, ai cũng bảo ngon lắm, rồi những quán "tiểu hổ" có biển quảng cáo rầm rộ mọc ra… Đám trộm mèo tung hoành như trộm chó bây giờ. Một thời gian sau, quê tôi không còn một con mèo nào. Thế là chuột kéo đến, chúng phá hoại hoa màu ngoài cánh đồng. Ngoài đồng không còn gì ăn được, chúng kéo nhau vào làng. Đêm đêm nghe tiếng chuột chí chóe cắn nhau trong nhà mà sốt ruột.

Rồi chẳng biết ở đâu và bắt đầu từ ai, dân làng tôi đem về những hạt "gạo đỏ" (gạo được nhộm màu đỏ, nghe nói là từ biên giới phía Bắc) diệt chuột rất công hiệu. Đúng là công hiệu thật. Chuột chỉ ghé mồm cắn hạt gạo là lăn đùng ra chết. Nhà tôi lắm chuột quá đành bất đắc dĩ mua "gạo đỏ" về… Thế là mọi ngóc ngách trong nhà đều inh ỏi mùi chuột chết. Ngoài đường, ngoài đồng la liệt xác chuột.

Người làng tôi ở Sài Gòn (kỳ 3): Cầu nối với làng - Ảnh 1.

Nhịp sống ở làng cổ Đường Lâm. Ảnh: H.T

Cứ thế, Sài Gòn - TP.HCM sống động thông qua những việc làm cụ thể và những chuyến đi về của dân làng đã nối làng tôi - cái làng cổ tiếp cận được với một đô thị năng động, dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế.

Vậy nhưng hình như càng đánh "gạo đỏ" thì chuột càng nhiều thì phải. Ai đó bảo "gạo đỏ" là thuốc kích thích cho chuột đẻ nhanh hơn. Đêm nằm, tôi cứ cảm thấy rờn rợn bởi bốn phía làng, đội quân chuột đang lúc nhúc tiến vào mà dân làng không còn cách nào chống đỡ.

Tôi vào Sài Gòn, thấy những quán ăn bên đường rất nhiều chó, chó cứ tự do đi lại rồi lượn cả vào trong quán, luồn dưới chân thực khách để kiếm ăn. Người Sài Gòn không ăn thịt chó, không biết có phải thành phố này là chế độ thuộc địa (miền Trung tự trị, miền Bắc bảo hộ) trong thời thuộc Pháp nên ảnh hưởng văn hóa phương Tây. Lại nữa, người dân Sài Gòn đa phần theo Phật giáo, phái Nam Tông nên cũng không ăn thịt chó. Mãi đến 1954, người Bắc di cư vào và thịt chó thành món khoái khẩu của họ, Song số lượng người thích ăn thịt chó này không đáng kể, nên chó ở Sài Gòn nhiều lắm, phần nhiều là chó hoang lang thang ngoài đường, ngoài chợ… Còn mèo thì vô thiên lủng. Tôi này ra ý định đem mèo về quê…

Nhân một kỳ nghỉ hè, anh tôi cho hai cháu về quê với một bu mèo 13 con. Bu mèo được gói bọc ngụy trang rất kỹ, vậy mà đến Nha Trang nhà tàu phát hiện ra. Theo quy định bắt buộc phải cho đám mèo này rời khỏi tàu… Cháu lớn bảo: Chú ơi, ngoài quê cháu không còn một con mèo nào, chuột phá quá, cháu đem mèo về cho ông nội cháu nuôi... Chẳng biết nói năng xin xỏ thế nào mà một con thoát nạn, 12 con phải thả xuống ga Nha Trang.

Con mèo về đến nhà, các con tôi quý lắm, đặt tên nó là "râu" (rose: hoa hồng). Con "râu" sẵn có bầu đẻ lứa đầu tiên rồi thứ hai, thứ ba… Có bao nhiêu mèo con, tôi đem chia hết cho cả xóm, cả làng. Giá một con mèo lúc ấy cũng kha khá nhưng nhà tôi không lấy tiền của ai. Mọi người nài nỉ thì lấy mươi lăm nghìn "làm phép" để họ dễ nuôi… Chúng tôi dùng mèo đẩy lùi nạn chuột ra khỏi làng. Làng tôi lần đầu tiên có một bài học "thiên địch"!

Bài học sống động

Tôi về Thái Bình, đi trên đường thấy nhiều quán ăn quảng cáo bán các món tiểu hổ thì bất bình lắm. Trong đoàn của tôi có người thích thưởng thức, tôi kiên quyết phản đối. Làng tôi không ai dám công khai bán thịt mèo nhưng một số quán vẫn làm chui. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều người nuôi mèo hoặc bắt trộm về thịt. Nhiều người làng phản đối. Có lẽ đến khi nào không còn người ăn thịt mèo nữa thì mới yên. Tôi đã được học một bài học về môi trường.

Hôm ấy gia đình dừng lại ở ven biển Cá Ná (Ninh Thuận) để ăn trưa. Có một cháu bé cứ năn nỉ tôi mua cho cháu một cành san hô. Nhìn đứa trẻ lam lũ, tôi rút tiền. Anh tôi ngăn lại. Tôi bảo: có 15.000 đồng… Anh tôi bảo: Không phải vì tiền nhiều hay ít, chú có thể cho cháu bé số tiền này, nếu mua là chú đang tiếp tay cho người phá biển đấy!

Tôi nhớ đến con tôi mà cười thầm. Con tôi học tiểu học, hôm ấy cô giáo ra bài tập: Em hãy đánh dấu vào những con vật mà con người lấy làm thực phẩm. Bên cạnh gà, vịt, ngan, ngỗng… con tôi đánh dấu cả con ong. Cô giáo nói là sai. Con tôi thanh minh: Bố em bảo con gì không ăn được thì ngâm rượu uống… vậy thì con ong cũng là thực phẩm ạ! Người dân nhiều nước châu Á mình đang tàn sát môi trường vì rất nhiều món ăn kỳ quái của họ, chính họ đang đưa những giống loài có tên trong "Sách đỏ" đến tiệt chủng!

Ở Việt Nam ta. bao giờ không còn những quán "thịt thú rừng" nữa thì rừng may ra còn thú. Rất đáng tiếc loại thực phẩm này chỉ dành cho những người nhiều tiền, có nhiều tiền nhưng họ lại rất ít hiểu biết về văn hóa! 

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem