Người làng tôi ở Sài Gòn (kỳ I): Thế hệ thứ nhất

Hà Nguyên Huyến Thứ năm, ngày 30/09/2021 07:00 AM (GMT+7)
Gia đình tôi mấy chục đời định cư trong ngôi làng cổ Đường Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Làng tôi thiên nhiên ưu đãi, từ xưa đến nay chưa thấy bão tố lụt lội bao giờ. Nông tang một năm hai vụ chiêm mùa đắp đổi cũng được vực cơm đầy.
Bình luận 0

Cũng có những người làng tôi, bứt ra khỏi cái sự đầm ấm, yên ổn ấy để vào Nam lập nghiệp. Mỗi một thế hệ đi về, lại thêm những câu chuyện làng mới cũ, bồi hồi xúc cảm...

Tôi coi anh tôi là thế hệ thứ nhất ở lại Sài Gòn - TP.HCM sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975.

Rời làng lập nghiệp

Chiến tranh kết thúc, rất nhiều thanh niên miền Bắc, người thì vì nhiệm vụ, người chủ động ở lại tìm kế sinh nhai. Biết bao gia đình của thế hệ này đã định cư ở đây. Anh tôi và một số người khác đã dự kỳ thi tuyển sinh đại học đầu tiên của thành phố và may mắn trúng tuyển. Đó là khóa I, Khoa văn, Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM.

Gần một năm sau ngày giải phóng, anh tôi trở về nhà bảo: "Con học đại học trong ấy mẹ ạ". Mẹ tôi bảo: "Thế mày không về hả con?". Nói rồi mẹ tôi lau nước mắt: "Về mẹ lấy vợ cho không có già mất!". 5 năm sau, anh tôi ra trường, thế hệ này đã bổ sung cho TP.HCM một lứa cán bộ đầy năng lực và triển vọng.

Người làng tôi ở Sài Gòn (kỳ I): Thế hệ thứ nhất - Ảnh 1.

Hẻm Ông Cọp, năm 1980 đổi thành Hẻm Tân Tiến. Ảnh: H.N.H

Anh tôi bảo: "Trong này là thế chú ạ, đành rằng là cả xã hội đang rất khó khăn, khó khăn thì lăn ra mà sống…".

Mãi đến năm 1984, tôi mới vào thăm anh chị. Anh tôi mua mảnh đất trong một con ngõ. Đầu ngõ nối với đường Điện Biên Phủ. Đường Điện Biên Phủ chạy qua 3 quận, anh tôi ở đầu cầu Sài Gòn, thuộc quận Bình Thạnh, gần Tân Cảng. Con ngõ này có tên từ xưa là "hẻm Ông Cọp". Cái tên gợi một thủa cha ông "mang gươm đi mở cõi"!

Gia đình tôi mấy chục đời định cư trong một ngôi làng cổ, đó là "làng Đường Lâm". Làng tôi thiên nhiên ưu đãi, từ xưa đến nay chưa thấy bão tố lụt lội bao giờ. Nhà cửa thì thế hệ nọ bàn giao cho thế hệ kia, trong làng "nhà ngói cây mít" xum xuê đấm ấm lắm. Mẹ tôi bảo: "Con gái làng đi lấy chồng thiên hạ không biết sướng ở chỗ nào nhưng thiệt ở hai cái". Tôi hỏi: "Hai cái thiệt là gì, mẹ?". Mẹ tôi bảo: "Đường làng và nước ăn".

Đúng là đường làng tôi toàn sỏi "mồ côi", những viên sỏi vụn đá ong li ti được thời gian mài giũa đen sì và nhẵn bóng, khi dẫm lên sỏi lạo xạo dưới chân, ngày mưa có đi giày, dép ra ngoài không bao giờ bị lấm. Còn giếng, toàn giếng đá ong nước trong văn vắt, giữa mùa hè giội lên người cứ giật mình thon thót…

Hôm nay, ngồi trong nhà anh ở Sài Gòn, một căn nhà nền đất mái tôn, thưng ván bốn bên. Anh tôi bảo: "May mái nhà lợp tôn "hai lỗ" nên đỡ dột". Tôi không biết thế nào là tôn "hai lỗ" nên hỏi lại. Anh tôi bảo: "Tôn này đã lợp một lần rồi (một lỗ đinh), nay mình mua lại…". Hai anh em ngồi trò chuyện mãi tới khuya, lúc anh giục đi ngủ tôi bỏ chân xuống tìm dép thì "bõm", giật nẩy mình. Anh tôi bảo: "Hôm nay triều cường, quên không nhắc chú! Nước sông Sài Gòn tràn vào nhà lênh láng…". Thế đấy, anh tôi và thế hệ ở lại thành phố này đa phần đã lập nghiệp như thế!

Khó khăn thì lăn ra mà sống

Người làng tôi ở Sài Gòn (kỳ I): Thế hệ thứ nhất - Ảnh 3.

Hẻm Tân Tiến hôm nay. Ảnh: H.N.H

Anh chị tôi đi làm, các cháu đi nhà trẻ. Tôi ra sau nhà thẫn thờ ngồi nhìn sông Sài Gòn. Ở đây nhà nào cũng quay lưng ra sông, mỗi nhà đều có "cầu tõm", nước sông Sài Gòn lên xuống theo thủy triều đem tất cả mọi thứ… ra biển! Sau nhà là một dãy bình bát mọc hoang. Dưới gốc bình bát là sa bồi mịn màng, những chú cá thòi lòi cứ giương mắt nhìn tôi. Anh tôi bảo: "Cá này chẳng ai ăn". Không ai ngờ, mấy chục năm sau, cá thòi lòi là đặc sản trên các bàn ăn nhậu xứ này.

Con cái ra đời rồi học hành, khó khăn chồng chất khó khăn. Rất nhiều người thuộc thế hệ anh tôi đã bỏ cơ quan ra làm ngoài. Anh tôi là công chức của UBND quận I. Sáng sáng dắt xe đạp ra cổng, đứa bé ngồi trước, đứa lớn ngồi sau… mãi chiều tối mới về.

Giai đoạn này anh tôi thuê hai người thợ mộc, đều là người Sài Gòn. Tôi tỉ tê hỏi chuyện, mấy ngày sau được biết hai người thợ đều là lính ngụy, một người là lính dù đã từng "tử thủ Long Khánh". Hết thời gian cải tạo, họ về làm thợ mộc kiếm sống. Tôi thoáng giật mình, một thời họ là kẻ thù chúng tôi. Tôi đã được dạy như thế và lịch sử cũng đã minh bạch điều đó. Một chút bâng khuâng mỗi lần nhìn thấy họ trong nhà anh tôi… Anh tôi mua gỗ về cho họ đóng đồ, đa số là giường, tủ, sa-lon cải tiến. Đóng xong chở sang Tân Cảng xếp xuống tàu thủy, sản phẩm đem ra Hải Phòng cho các đầu mối, còn họ bán đi đâu thì không biết.

Tôi quanh quẩn ở nhà với bác Quỳ (ông bác vợ anh). Bác Quỳ gốc Thái Bình di cư vào Nam năm 1954. Sau giải phóng bác không di tản mặc dù có điều kiện. Bác bảo: "Đâu đó cũng là gầm trời này thôi…". Lúc còn đang sức bác rất khéo tay, nghe nói bác là người tổ chức in tiền cho cách mạng trong những năm chiến tranh. Là người từng trải, bác Quỳ cứ rủ rỉ kể chuyện, toàn những chuyện về sự đời rất lý thú. Rảnh rỗi, tôi dọn dẹp lấy chỗ cho thợ làm và đun nước cho thợ uống. Ở quê tôi, trong nhà có thợ là bận bịu lắm. Thời trước thì không biết, đến thế hệ tôi, thợ của hợp tác xã (HTX) điều đến làm lấy công điểm, nếu không khéo chiều họ sẽ làm không tốt, có khi còn phá cả nguyên vật liệu. Vậy mà ở đây, suốt mấy ngày chỉ thấy thợ cắm cúi làm, chẳng thấy ai dừng tay uống nước cả. Tôi hỏi, bác Quỳ bác nhẹ nhàng bảo: "Nó ngồi uống nước của mày thì tối lấy tiền của ai!".

Lần đầu tiên tôi láng máng nhận ra thế nào là "cơ chế thị trường" và sự phân công lao động, điều mà sau khi tốt nghiệp đại học tôi còn rất mơ hồ. Anh tôi bảo: "Trong này là thế chú ạ, đành rằng là cả xã hội đang rất khó khăn, khó khăn thì lăn ra mà sống…".

Tôi nhận ra rằng ở Sài Gòn, cơ chế thị trường đã chi phối xã hội này, cái mà mấy chục năm sau miền Bắc mới dợm chân vào. Tôi về quê, làng tôi vẫn HTX, sớm chiều uể oải tiếng kẻng của ông tổ trưởng gọi người ra đồng, xã viên đi làm mà không biết làm cho ai. Mấy năm sau "khoán hộ", lần đầu tiên người nông dân biết cắm cây lúa xuống mặt ruộng là để cho mình! Song, hình ảnh những người thợ mộc và sự quyết liệt của những người dân như anh tôi mới thấy sự năng động của TP.HCM. 

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem