Độc dược rừng xanh mùa mưa, đau thương đến từ thứ cứ nhầm là sản vật, thảo dược, lưu ý không ăn ve sầu

Chủ nhật, ngày 30/04/2023 10:09 AM (GMT+7)
Từ bao đời nay, bà con miền núi, vùng nông thôn mưu sinh bằng những sản vật thiên nhiên ban tặng. Họ cơ bản hiểu rõ đặc tính của từng loài rau, củ trong rừng nhưng vẫn không tránh khỏi sự nhầm lẫn dẫn đến hậu quả đau thương từ nhiều vụ ngộ độc từ độc dược...
Bình luận 0
Tây Nguyên chuẩn bị bước vào những tháng mùa mưa, đây cũng được gọi là mùa “ăn rừng” của cộng đồng các dân tộc sống trên những bản làng ven bìa rừng, chân núi. 

Từ bao đời nay, bà con mưu sinh bằng những sản vật thiên nhiên ban tặng, họ cơ bản hiểu rõ đặc tính của từng loài nhưng vẫn không tránh khỏi sự nhầm lẫn dẫn đến hậu quả đau thương từ nhiều vụ ngộ độc. Nỗi ám ảnh độc dược rừng xanh kéo dài trong nhiều năm tháng...

Ngộ độc trong mùa “ăn rừng”

Vụ ngộ độc nấm rừng xảy ra vào những ngày giáp Tết Quý Mão 2023 tại huyện miền núi Yên Thành, Nghệ An khiến 5 người trong một gia đình phải nhập viện cấp cứu, rơi vào tình cảnh “thập tử nhất sinh”, chỉ là dấu hiệu đầu tiên về những rủi ro trong mùa “ăn rừng” năm nay.

Theo đó, chị H.T.T., SN 1980, trú xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, trong một ngày đi làm về, phát hiện bụi nấm mọc ven đường. 

Thấy bụi nấm rất đẹp, giống với nấm mà bà con thường hay bán ngoài chợ nên chị T. hái về nhà nấu ăn. Sau khi chế biến, 5 người gồm vợ chồng chị T. và 3 con trai đều ăn nấm. Khoảng 30 phút sau, cả gia đình chị T. bắt đầu xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn dữ dội. Gia đình chị T. được người dân đưa đi bệnh viện cấp cứu tại Khoa Chống độc của Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An. 

Do được cấp cứu điều trị kịp thời nên sức khỏe các thành viên trong gia đình chị T. ổn định, chỉ phải theo dõi tại nhà. Các bác sĩ cho biết chị T. và gia đình đã ăn phải nấm độc Inocybe fastigiata (nấm mũ khía nâu xám).

Độc dược rừng xanh mùa mưa, đau thương đến từ thứ cứ nhầm là sản vật, thảo dược, lưu ý không ăn ve sầu - Ảnh 1.

Mùa mưa sắp về, bà con lại vào rừng tìm nấm và các loại thảo dược.

Cũng trong thời điểm tết 2023, anh L.V.O., trú huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum cùng vợ và chị gái được hàng xóm cho một nắm lá rừng. Trong bữa cơm, mỗi người đều ăn thử khoảng 4-5 lá tươi cuốn với thịt heo. 

Khoảng 2 tiếng sau khi ăn, cả 3 người có các triệu chứng đau dạ dày, buồn nôn, tiêu chảy, sau đó mệt mỏi, nhức đầu. Đặc biệt, anh O. còn có triệu chứng tức ngực, khó thở. Các bệnh nhân được người nhà đưa đến trạm y tế xã Bờ Y cấp cứu. Sau khi sơ cứu, các bệnh nhân được lên Bệnh viện Đa khoa huyện Ngọc Hồi điều trị, sức khỏe cả 3 ổn định sau khi được can thiệp y tế kịp thời.

Ông Đỗ Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, đã xác định được nguyên nhân gây ra sự việc trên. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định anh O. cùng vợ và chị gái ăn nhầm phải lá thương lục, dân gian còn gọi là sâm voi.

"Củ của cây thương lục to bằng cổ tay, rất giống củ sâm và có tác dụng chữa bệnh trong Đông y nhưng cũng có độc tính. Bà con không nên dùng các loại lá, cây, rau rừng... chưa qua kiểm chứng tránh gây hậu quả đáng tiếc", ông Hòa cho biết.

Theo Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hồi và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kon Tum, các trường hợp ngộ độc trên "không phải là ngộ độc thực phẩm" mà ngộ độc do lá thương lục. 

Cơ quan chức năng đã tuyên truyền các gia đình không sử dụng loài thực vật không rõ nguồn gốc, không thử hay ăn lá, rễ, thân cây lạ, đặc biệt không trồng, không ăn cây thương lục.

Độc dược rừng xanh mùa mưa, đau thương đến từ thứ cứ nhầm là sản vật, thảo dược, lưu ý không ăn ve sầu - Ảnh 2.

Một loài nấm độc mọc hoang trên rừng.

Trước đó, một vụ ngộ độc tập thể do ăn ve sầu xảy ra tại tỉnh Đắk Lắk đã khiến nhiều người lo lắng, bởi ve sầu là món ăn khoái khẩu của bà con các dân tộc Tây Nguyên khi xuân qua, hè tới. Bác sĩ Chuyên khoa II Trịnh Hồng Nhựt, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên nhận định, giai đoạn chuyển mùa mưa sang mùa khô là thời điểm ve sầu lột xác, tạo ra nhộng. 

Nhiều người vẫn sử dụng ve sầu làm món ăn. Loại côn trùng này sống lâu dưới đất nên nhiễm nhiều ký sinh trùng, vi sinh vật, đặc biệt là nấm. Trong đó có một loại nấm cực độc thường ký sinh trên thân của ve và nhộng ve là nấm Gyromitrin.

Điều đặc biệt, loại nấm này không phân hủy ở nhiệt độ cao, nên dù nấu chín thì nấm vẫn tồn tại ở thịt ve. Chính loại nấm này gây hậu quả khó lường và có thể đe dọa đến tính mạng. 

Triệu chứng lâm sàng của người bệnh khi nhiễm loại nấm độc nói trên tùy vào mức độ nặng nhẹ khác nhau từ hoa mắt, chóng mặt, rối loạn tuần hoàn não, thiếu máu não, nôn ói, đau đầu, lơ mơ, kích thích, co giật, thậm chí suy hô hấp, trụy tim mạch và gây tử vong.

Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với loại nấm này, chủ yếu điều trị triệu chứng và giải quyết hồi sức cấp cứu để cho cơ thể đào thải ra ngoài. Vì vậy, nếu không biết cách chế biến, cách làm nhộng ve sầu và con ve sầu, người dân không nên sử dụng. Đồng thời, hết sức cẩn trọng trong vấn đề sử dụng loài côn trùng.

Độc dược rừng xanh mùa mưa, đau thương đến từ thứ cứ nhầm là sản vật, thảo dược, lưu ý không ăn ve sầu - Ảnh 3.

Cây thương lục, có hình dáng giống củ sâm nên bà con thường bị nhầm và gây ra những vụ ngộ độc nghiêm trọng.

Nỗi lo ngộ độc từ thực phẩm

Với người dân Sê Đăng ở làng Long Hy 1, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, nấm rừng là món ăn quen thuộc. Nấm mọc nhiều nhất ở những khu rừng già. Cứ sau mỗi trận mưa kéo dài, vài ngày sau vào rừng nhất định kiếm được nấm về ăn. 

Nấm không mất tiền mua lại ngon nên người dân rất thích. Tuy nhiên, nấm độc cũng là “kẻ giết người” đáng sợ. Dù năm tháng trôi qua, nhưng đau thương vẫn còn giằng xé trong ngôi nhà của bà Y Brun ở làng Long Hy 1. Hôm đó, sau một bữa ăn cơm với nấm, con và cháu của bà Y Brun đã tử vong. 

Nhắc lại chuyện cũ, bà Y Brun nước mắt tuôn rơi xót thương, ân hận vì chính mình là người lên rẫy hái nấm về nấu cho cả nhà ăn. Cùng chung nỗi đau bởi độc dược từ nấm là gia đình bà Y Kin, làng Lung Leng xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. 

Sau bữa cơm có nấm được hái từ rừng về, hai bà cháu Y Kin bị ngộ độc được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng cháu gái 10 tuổi của bà bị suy đa tạng nên không thể qua khỏi. Tại Kon Tum, những năm về trước, có tháng địa phương này xảy ra 3 vụ tử vong do ngộ độc nấm.

Độc dược rừng xanh luôn là nỗi ám ảnh với bà con trên các buôn làng vùng cao Tây Nguyên, trong đó, nhiều vụ ngộ độc nấm loại có chứa độc tố Amatoxin. 

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, Viện Nghiên cứu dược liệu Đông Nam Á cho biết, ở Việt Nam có thể gặp các loài như nấm độc tán trắng, nấm độc trắng hình nón. Độc tố chính của các loài nấm này là Amatoxin, đây là chất cực độc, gây độc trực tiếp với vật liệu di truyền của tế bào, ngăn cản tổng hợp protein cấu trúc lên tế bào do đó các tế bào của cơ thể không thể phân chia, nhân lên để tạo thành tế bào mới thay thế cho các tế bào già cỗi, do không có tế bào mới thay thế nên cơ quan đó sẽ bị tổn thương, giảm và ngừng hoạt động. Các cơ quan có tốc độ thay mới tế bào nhanh hơn sẽ bị tổn thương nhiều hơn. Với độc tố này, đích phổ biến sẽ là niêm mạc dạ dày, ruột, gan, thận.

Số liệu giám sát ngộ độc và yếu tố dịch tễ, hằng năm, vào thời điểm mùa xuân và đầu mùa hè, đặc biệt là tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thường xảy ra các vụ ngộ độc do người dân sử dụng các thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, hoa quả rừng, cây rừng...), trong đó có những trường hợp tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề cho những người bị ngộ độc dù đã được cứu chữa kịp thời.

Các biểu hiện xuất hiện muộn sau khi ăn từ 6-40 giờ (thường là 12-18 giờ) theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 với biểu hiện dạ dày, ruột: Bệnh nhân buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy liên tục như tả, kéo dài 1-2 ngày, gây mất nước và rối loạn điện giải, trụy mạch, tiểu ít hoặc vô niệu. 

Sau đó, ngộ độc chuyển sang giai đoạn 2 các biểu hiện âm thầm, biểu hiện tiêu hóa hết hoặc giảm hẳn, bệnh nhân và thầy thuốc dễ hiểu nhầm là bệnh đã khỏi (có thể chủ quan xin ra viện) nhưng sau khi trải qua thêm 1-2 ngày ở giai đoạn này sẽ chuyển sang giai đoạn 3 với biểu hiện tổn thương và suy các tạng: Vàng mắt, vàng da, chán ăn, đầy bụng, mệt mỏi, dần dần người bệnh sẽ mê sảng rồi hôn mê sâu (hôn mê gan do suy gan), xuất huyết nhiều nơi (dưới da, niêm mạc, tiểu ra máu...), suy đa tạng và cuối cùng là tử vong.

Độc dược rừng xanh mùa mưa, đau thương đến từ thứ cứ nhầm là sản vật, thảo dược, lưu ý không ăn ve sầu - Ảnh 4.

Bệnh nhân ngộ độc do ăn ve sầu tại Đắk Lắk.

Một vấn đề nguy hiểm nữa là do biểu hiện ngộ độc luôn xuất hiện rất muộn, quá 6 giờ sau khi ăn, tức là khi nấm độc đã qua dạ dày xuống sâu tận ruột non và độc tố đang được hấp thu. Khi đó, dù bệnh nhân có nôn, bác sĩ có rửa dạ dày thì cũng không có tác dụng.

Về nguyên tắc, tất cả các cơ quan của cơ thể đều có thể bị ảnh hưởng nếu lượng độc tố quá lớn. Độc tố thường gây chết người do viêm gan nhiễm độc phá hủy tế bào gan, suy gan cấp, dẫn đến hôn mê gan, trường hợp nặng có thể tổn thương tất cả các cơ quan.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, cấp cứu và điều trị ngộ độc nấm rất tốn kém nhưng tỷ lệ tử vong rất cao (trên 50%), có những gia đình đã tử vong cả nhà sau khi ăn phải nấm độc. Ngay cả các chuyên gia cũng khó phân biệt nấm lành hay nấm độc nếu chỉ dựa vào hình dạng, màu sắc nên bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không hái nấm hoang dại để ăn.

Để tránh rủi ro, người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng. Hoàn toàn không nên và không thể dựa vào hình thái, màu sắc cây nấm để phân biệt nấm lành hay nấm độc, càng không nên ăn thử để khám phá.

Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên, đặc biệt do nấm độc và các loại hoa quả rừng, ngày 15/3, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã ban hành công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành, Ban Quản lý an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố đề nghị triển khai các nội dung phòng, chống ngộ độc do độc tố tự nhiên.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên cho cộng đồng, khuyến cáo người dân không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ... chú ý hướng dẫn biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương, tập trung vào các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa và sử dụng các vật liệu truyền thông bằng cả tiếng Kinh và tiếng dân tộc thiểu số.

Đồng thời, hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc. Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm ảnh hưởng khi có ngộ độc xảy ra.

Ngọc Hoa (Báo Công an nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem