Người mang nghề về địa phương, liên kết truyền nghề cho nông dân

Thứ năm, ngày 07/11/2013 11:09 AM (GMT+7)
Trong khi nhiều làng nghề mây tre đan đang khó khăn về đầu ra thì chị Nguyễn Thị Diễn (xã Liên Sơn, Tân Yên, Bắc Giang) lại mang nghề về địa phương và liên kết với Hội nông dân xã mở lớp dạy nghề cho nông dân.
Bình luận 0
“Bà chủ” của 200 hộ làm mây tre đan

Gặp chị, chúng tôi khó có thể hình dung người phụ nữ sinh năm 1979, luôn tươi cười ấy lại từng trải qua những tháng ngày vất vả để đưa nghề mây tre đan về xã và giờ đây trở thành “bà chủ” của gần 200 hộ nông dân (ND) làm nghề này. Chị Diên tâm sự: “Trước đây thu nhập của gia đình tôi trông vào quầy thuốc thú y và bán thức ăn gia súc, gia cầm cho bà con trong thôn Phố. Công việc nhàn nhã, nhưng tôi luôn suy nghĩ học đem thêm nghề gì đó về cho bà con trong thôn làm lúc nông nhàn”.

Chị Diễn (phải) hướng dẫn học viên làm tủ đựng quần áo
Chị Diễn (phải) hướng dẫn học viên làm tủ đựng quần áo

Trong một lần trò chuyện với chị Huyền (xã Quang Tiến, Tân Yên) người bạn thân của mình, chị Huyền chia sẻ chồng mình (anh Nguyễn Thanh Tùng) có ý định du nhập nghề mây tre đan về xã và ngỏ ý mời chị Diễn tham gia học nghề. Năm 2008, chị Diễn đến anh Tùng để học nghề. Chỉ trong 3 ngày chị đã có thể tự làm các sản phẩm dùng trong sinh hoạt hằng ngày như tủ đựng quần áo, giỏ đựng đồ nữ trang...

Học được nghề rồi, chị có ý định truyền lại cho một số chị em trong thôn. Nhưng ý định của chị không nhận được sự hưởng ứng của mọi người vì họ cho rằng mây tre đan là nghề thủ công thu nhập thấp, thà chấp nhận làm ruộng còn hơn “gánh vất vả vào thân”.

Mở lớp dạy nghề

Sau một thời gian, thấy chị Diễn có thêm đồng ra đồng vào mà công việc lại không vất vả, nhiều người tìm đến chị để học nghề. Ban đầu, chị chỉ dạy cho bà con trong thôn, dần dần nhiều ND các thôn khác cũng tìm đến chị để học nghề. Để việc dạy nghề có hiệu quả, chị liên kết với Hội ND, Hội Phụ nữ xã mở lớp. Từ năm 2008 đến nay, chị đã mở được 9 lớp dạy nghề miễn phí (trung bình 30-35 học viên/lớp) trong thời gian 5 ngày.

“Xã Liên Sơn có gần 200 hộ làm mây tre đan. Riêng thu nhập của gia đình chị Diễn sau khi trừ chi phí đạt gần 100 triệu đồng/năm”.

Học xong, học viên được chị Diễn cho làm ở cơ sở của chị. Trung bình mỗi ngày mỗi người làm được từ 20-25 sản phẩm, mỗi bộ sản phẩm (gồm 6 tấm đan) chị trả công từ 20.000-25.000 đồng. Chị Nguyễn Thị Lựu (thôn Phố, Liên Sơn) cho hay: “Cách đây 1 năm tôi được chị Diễn dạy nghề mây tre đan. Mỗi ngày vợ chồng tôi có thể làm 30 sản phẩm. Tính ra cũng thu được 2 triệu đồng/tháng”.

Từ đầu năm đến nay, chị Diễn liên kết với Liên minh HTX Việt Nam mở 5 lớp dạy nghề mây tre đan cho gần 200 học viên ở xã Việt Lập (Tân Yên) và một lớp dạy nghề cho người khuyết tật ở xã Quang Tiến.

Chúng tôi hỏi, vì sao chị lại chọn đối tượng người khuyết tật để dạy nghề, chị bảo chỉ cần họ có mong muốn học nghề và tâm huyết với nghề là tôi sẵn sàng dạy để tạo cơ hội việc làm cho họ. Dự định của chị Diễn, thời gian tới sẽ đưa nghề vươn xa ra các huyện lân cận và nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép, chị sẽ dạy nghề cho các phạm nhân trại giam của huyện Tân Yên để sau khi hết hạn tù, trở về với cộng đồng họ có nghề nuôi bản thân.
Lan Dương (Lan Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem