Người Nga Mân gìn giữ sắc phong quý

Đức Cường Thứ tư, ngày 05/03/2014 13:33 PM (GMT+7)
Trải qua bao biến cố, dân làng Nga Mân, xã Phổ Cường (Đức Phổ, Quảng Ngãi) vẫn nâng niu giữ gìn 12 bản sắc phong và tờ lệnh có từ thời các vua đầu triều Nguyễn. Họ luôn xem đây là báu vật của làng.
Bình luận 0
Lưu dấu người xưa

Đưa tay vuốt nhẹ những bản sắc phong của Vua Gia Long, Minh Mạng phong chức, tước cho những bậc tiền nhân, cụ Trần Nguyên Trạng bộc bạch: “Dân làng chúng tôi luôn xem đây là báu vật nên gắng sức lưu giữ cho đến ngày nay. Nhiều lần ly tán bởi bom đạn, nhưng cư dân trong làng vẫn bảo nhau gắng sức gìn giữ”.

Cụ Trạng và một bản sắc phong cổ.
Cụ Trạng và một bản sắc phong cổ.
Những bản sắc phong trên dưới 300 năm với giấy vàng, chữ Nho viết mực màu đen... Trải qua bao biến thiên, nhưng các bản sắc phong vẫn giữ màu tươi nguyên, bản giấy chỉ thủng đôi lỗ nhỏ.

Một bản sắc phong được cụ Trần Ngọc Chí dịch ra chữ quốc ngữ ghi: “Ngày 19 tháng 8 năm Gia Long thứ nhất (năm 1802 - NV), vua ban chiếu chỉ khen thưởng cho ông Nguyễn Văn Đạo (tức Đạo đức Hầu) có công đánh giặc dẹp loạn”. Theo bản sắc phong và bài vị đặt tại đình Nga Mân thì ông Nguyễn Văn Đạo sinh năm 1764, làm đến chức Trấn kỳ, chuyên dẹp loạn thổ phỉ. Nhiều lần ông bị giáng chức rồi thăng chức và từ trần vào năm 1829, thọ 65 tuổi.

Một sắc phong khác ghi ngày 19 tháng 2 năm Gia Long thứ 2: “Vua ban chiếu lệnh sắc phong cho ông Mai Phụng Xuân, xã Tân Hội, huyện Mộ Hoa, phủ Quảng Nghĩa (hiện là xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) chức Phó tiến quân”. Được biết sau đó ông Xuân giữ chức Thạch Kỳ, Phó quan trông coi nội thành.

Cụ Trạng cho biết: Làng Nga Mân, thuộc xã Tân Hội (hiện là xã Phổ Cường) được khai khẩn bởi các tiền nhân của 3 dòng họ Trần – Lê – Võ. Họ quy tập lưu dân khai khẩn 165 mẫu ruộng, chia đều cho các tráng đinh trong làng. Và cứ 3 năm thì chia lại 1 lần. Riêng 10 mẫu ruộng công điền được làng giao cho người dân canh tác, thu hoa lợi dùng vào việc tế lễ.

Con cháu ghi ơn

"Dân làng chúng tôi luôn xem đây là báu vật nên gắng sức lưu giữ cho đến ngày nay. Nhiều lần ly tán bởi bom đạn, nhưng cư dân trong làng vẫn bảo nhau gắng sức gìn giữ”.

Cụ Trần Nguyên Trạng

Ghi nhớ công ơn tiền nhân, người làng thời bấy giờ đã quyên góp tiền của xây dựng đình làng để làm nơi tế lễ. Trải qua thời gian cùng với sự tàn phá của chiến tranh, đình bị hư hại và được xây mới nhiều lần.

Gần đây nhất là vào năm 2010, người dân trong làng cùng với con em sinh sống phương xa đã tự nguyện đóng góp trên 300 triệu đồng xây mới ngôi đình thờ cúng các bậc tiền nhân và anh hùng liệt sĩ.

“Chúng tôi luôn ghi nhớ công ơn của thế hệ đi trước nên chỉ cần phát động thì người dân tự nguyện đóng góp tiền của dư số chi dùng. Vào những ngày tế lễ, mọi người luôn tụ tập đông đủ với tấm lòng thành kính hướng về tổ tiên” – ông Trần Nguyên Sở- Trưởng thôn Nga Mân, cho biết.

Cụ Trần Nguyên Trạng đã nhiều lần cất công sưu tầm sử liệu về gia phả họ tộc cùng với các bậc tiền nhân khai khẩn làng Nga Mân. Tuy nhiên, do tuổi cao, sức yếu cùng với “khả năng có hạn” nên vẫn chưa thể hiểu tường tận.

“Chúng tôi muốn cấp, ngành chức năng giúp đỡ làm rõ công đức của các bậc tiền nhân để răn dạy con cháu noi theo. Qua đó cũng có sự ghi nhận xứng đáng công lao của những thế hệ đi trước. Tôi cũng mong muốn ngành chức năng phục chế các sắc phong, tờ lệnh và hướng dẫn dân làng phương pháp bảo quản để tránh bị hư hại” – cụ tâm sự.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem