Người tiểu đường: Thêm nửa chén cũng vui

Thứ sáu, ngày 03/05/2013 10:27 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không ai vui gì khi bệnh. Gặp bệnh nào cũng khổ nhưng nếu so sánh thì người bệnh tiểu đường rõ ràng khổ hơn, khổ vì uống thuốc, khổ vì ăn kiêng.
Bình luận 0

Căn dặn người bệnh kiêng cữ đủ điều là lời khuyên dễ dàng của thầy thuốc. Nhưng nhiều thầy thuốc, vì chưa bị bệnh, nên chưa thông cảm với cảm giác đói dày vò của bệnh nhân, cảm giác thèm ăn nhưng không dám ăn, cảm giác đói mà phải đợi đến bữa ăn kế tiếp.

img

Nỗi khổ này càng rõ nét khi nạn nhân trăn trở suốt đêm. Càng khó ngủ đêm càng dài, càng thèm ăn. Chưa xong, nỗi khổ này trầm kha hơn nữa ở người bệnh da vàng vì thói quen không lót dạ bằng chén cơm không nghe no bụng. Y lệnh của thầy thuốc theo kiểu “mỗi bữa chỉ được một chén cơm” nghe đơn giản nhưng trên thực tế rất khó thực hiện vì nạn nhân ăn xong còn đói, ăn xong còn thèm cơm.

Đáng tiếc, thậm chí đáng trách, nếu thầy thuốc vì quá tập trung vào viên thuốc nên quên cảm xúc của người bệnh. Đáng tiếc hơn nữa vì nhiều người bệnh tiểu đường chưa được chỉ cách để khống chế cái đói do thèm cơm, chẳng hạn:

1. Đảo ngược trình tự của khẩu phần. Đừng vội vã lùa ngay chén cơm rồi sau đó thòm thèm suốt buổi hay tệ hơn nữa, suốt đêm khiến mất ngủ! Trái lại, nên “ăn độn” trước bằng món canh, cải luộc, rau trộn dầu giấm... cho đến khi gần no mới thưởng thức chén cơm. Lường sao cho khéo để xong chén cơm thì hả dạ. Kết quả nghiên cứu với hàng trăm bệnh nhân ở Trung tâm Ôxy cao áp TP.HCM cho thấy, đường huyết ổn định thấy rõ sau vài tuần đổi thói quen ăn uống dù vẫn dùng thuốc với lượng như cũ, nghĩa là trước đó không hiệu quả như mong muốn.

2. Vào những ngày quá đói, nên thay 1 chén cơm bằng 2 chén bún hay nui vì có thể ăn lượng gấp đôi mà đường huyết không bội tăng nếu so với chén cơm.

3. Khéo hơn nữa là thỉnh thoảng, thậm chí càng thường càng tốt, thay cơm trắng bằng gạo có màu như huyết rồng, tím than... Nhiều bệnh nhân tiểu đường chưa biết là gạo còn lớp vỏ lụa mang màu thiên nhiên có lợi hơn gạo chà trắng vì:

- Hàm lượng chất đạm cao hơn gạo thường.

- Dồi dào canxi để bổ sung chất vôi cần thiết cho hệ thần kinh rất nhạy cảm của người bệnh tiểu đường cũng như chống loãng xương cho người cao tuổi, phụ nữ mãn kinh.

- Nhiều kali nên hỗ trợ chức năng co bóp của trái tim và bài tiết của thận.

- Chống thiếu máu- căn bệnh đi kèm không hiếm thấy ở người tiểu đường nhờ lượng chất sắt ở dạng dễ dung nạp cao gấp 4- 5 lần hàm lượng trong gạo thông thường.

- Trữ lượng chất kháng oxy- hóa rất cao nhờ cập bài trùng tiền sinh tố A và anthocyanin với công năng phòng bảo vệ cấu trúc của tế bào thần kinh vốn dễ thương tổn, dễ xơ hoá trong bệnh tiểu đường.

4. Kết hợp trong chế độ dinh dưỡng, chẳng hạn mỗi tháng 10-15 ngày, một bữa cơm với gạo nảy mầm để mượn hoạt chất GABA trong mầm gạo mới nhú chống xơ vữa mạch máu, Đừng quên mạch máu chai cứng là đòn bẩy dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, thoái hóa võng mạc, suy thận, hoại tử đầu chi...

Cảm giác đói là một trong các lý do khiến đường huyết không ổn định ở người tiểu đường do ảnh hưởng của nội tiết tố tuyến thượng thận. Có thực mới vực được đạo. Muốn người bệnh tiểu đường đủ sức chống chọi với căn bệnh quái ác phải làm sao để bệnh nhân đừng vừa quá lo vì bệnh, đừng vừa quá khổ vì... đói! Chữa bệnh không chỉ là cho thuốc. Trị bệnh không thể xa rời mục tiêu bảo vệ chất lượng cuộc sống của người bệnh. Không ăn no, không ngủ yên thì thuốc thánh cũng bằng không!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem