Người trẻ lười sinh, dân số già đi

Chủ nhật, ngày 06/08/2017 06:33 AM (GMT+7)
Tỷ lệ sinh con ở Việt Nam ngày càng giảm dẫn đến một mối lo ngại về dân số già, so với cách đây năm năm, trong nhiều báo cáo về kinh tế vẫn nhấn mạnh Việt Nam đang ở trong “cơ cấu dân số vàng”, tức là độ tuổi của dân số trẻ chiếm đến gần 70% tổng dân số Việt Nam.
Bình luận 0

Thế giới không chỉ có công nghệ 4.0 đang diễn ra ở các nước đang nhanh chân tiến tới, mà còn có những thế hệ người máy sinh học sắp ra đời ở Nhật Bản, những con bướm nhận diện kẻ thù ở Hàn Quốc, và xu hướng con người sống với búp bê tình dục đi du lịch khắp nơi, đã khiến cho một số nước phát triển ngày càng rơi vào tình trạng dân số giảm, đến tưởng như sẽ diệt vong sớm hơn một thiên thạch chạm vào, hay các nước bùng nổ chiến tranh hạt nhân.

img

Niềm vui của một gia đình sau ba năm chữa vô sinh.

Tại Bắc Kinh, đã từ năm năm nay, chế độ một con bị cởi bỏ vì thế hệ mới không thèm… sanh con nữa. Khủng hoảng vì con một đã đành, nay lại khủng hoảng dân số, Trung Quốc bắt đầu khuyến khích hai, ba con trở lại, nhưng có vẻ đã muộn.

Ở Việt Nam, mới tháng trước cộng đồng mạng xôn xao khi nghe tuyên bố của bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khuyến cáo dân đô thị sanh con, ông nói: “Sinh nhiều thì khổ, mà sinh ít thì cũng có hại cho đất nước”. Đấy là ông đã dựa trên kinh nghiệm nhiều năm làm trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về dân số kế hoạch hoá gia đình, và theo báo cáo của ban Kế hoạch hoá dân số về tỷ lệ già hoá dân số ở TP.HCM đang tăng cao, khiến ông Nhân âu lo cũng phải.

Tiếp cận với một thế hệ trẻ năng động và tự chủ ở đô thị, tôi nhận thấy, độ tuổi kết hôn của các bạn trẻ đô thị gia tăng và độ tuổi sinh con cũng tăng. Nhưng điều đó không “nguy hại” theo như ý ông Nhân, bằng việc đã có một thế hệ kế tiếp xem việc sinh con và nuôi con là rất khó khăn, là trách nhiệm rất nặng nề, và vì thế “hãy sống vì mình”, trở thành khẩu hiệu cho người trẻ hiện nay từ chối sự ràng buộc gia đình.

Ít có ai làm một cuộc thăm dò để cho ra một thống kê tương đối chính xác về tỷ lệ ly hôn của các đôi vợ chồng trẻ trong khoảng mười năm trở về đây. Tuy nhiên, hội các bà mẹ đơn thân nuôi con lại được thành lập rất nhiều. Sự bất an của đời sống vợ chồng, cùng với sự thay đổi giá trị gia đình theo chiều hướng xấu đi, cũng là nguyên nhân cho người trẻ thích độc thân. Đặc biệt gánh nặng gia đình đặt trên vai người phụ nữ, trong đó ảnh hưởng của thói gia trưởng vì “trọng nam khinh nữ” theo truyền thống phong kiến, đã khiến người phụ nữ chịu nhiều áp lực rất lớn trong cuộc đời. Để thoát khỏi “gia phong”, nhiều phụ nữ trẻ đã từ chối lập gia đình và chọn lựa cho mình cuộc sống độc lập.

“Khi hiểu chân thực và không chấp vào quy ước xã hội thì giữa người với người chỉ có tương giao chứ không có quan hệ”.

Cố giám đốc điều hành UNFPA, TS Babatunde Osotimehin (1949 – 2017), phát biểu trong một hội nghị về dân số thế giới năm 2015, bà nói: “Để phụ nữ có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn, phụ nữ cần có quyền được tự do quyết định số con, thời điểm sinh con và khoảng cách sinh cho chính mình. Duy trì và tăng cường việc thực hiện các quyền này sẽ góp phần cải thiện sức khoẻ cho họ, đồng thời tạo ra nhiều lợi ích kèm theo như tăng đầu tư vào giáo dục/đào tạo, tăng năng suất lao động, tăng sự tham gia vào lực lượng lao động và cuối cùng là tăng thu nhập, tăng mức tiết kiệm, mức đầu tư và tích luỹ tài sản”. Đó thực sự là một vòng quay đầy ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển xã hội văn minh.

Cũng đã có một thời, chủ đề “độc thân vui tính” được tranh luận khắp nơi. Những đôi yêu nhau đâm ra ngờ vực về tính kết dính của hôn nhân, khi tình cảm đã ngày càng trở nên cạn cợt vì sự chuyển động của những xã hội đầy lo toan và công việc. Thời đại công nghệ giúp cho thế giới mở rộng, nhưng lại hẹp dần với các xúc chạm bình thường giữa con người với con người. Chúng tôi đã nói đùa với nhau: cả nhà ở cùng nhau, nhưng nói chuyện với nhau qua… viber; đám bạn rủ nhau càphê cuối tuần, nhưng cũng mỗi đứa mỗi điện thoại nói chuyện với… đứa khác ở nơi khác; hai vợ chồng lên giường, nhưng tiếng điện thoại chen lẫn với ái ân, cuối cùng xìu xìu ển ển và chẳng mấy chốc đam mê tan trong… hư ảo.

Một vị thầy nói: “Khi hiểu chân thực và không chấp vào quy ước xã hội thì giữa người với người chỉ có tương giao chứ không có quan hệ”. Vì thế, việc thiết lập lại các mối tương giao ngày nay sẽ là bài toán giải quyết cho các giá trị truyền thống thay đổi phù hợp với hiện tại. Cũng như việc xác lập một mục tiêu hoàn thiện cuộc đời mình, lấy gia đình làm chủ đạo để trải nghiệm cuộc đời, thì chính sự xuất hiện của một đứa trẻ sẽ trở thành chất xúc tác khiến cảm xúc của chúng ta mãnh liệt trở lại, để kết nối những mảnh tình sắp tan vỡ thành một câu chuyện cuộc đời mới.

Thái Thảo (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem