Có quá nhiều cảnh báo về những nguy cơ có thể tồn tại trong nhà bếp khiến bạn quá ái ngại và không bao giờ muốn nấu nướng nữa. Nhưng đừng lo, dưới đây là một vài lời khuyên giúp các bà mẹ nấu ăn an toàn, vui vẻ ở ngay nhà mình mà không phải lo lắng nhiều đến những nguy cơ có thể xảy đến. Những lời tư vấn của Dave Wentz, tác giả cuốn sách Ngôi nhà lành mạnh, một trong những cuốn sách nằm trong danh sách best-selling của tạp chí New York Times.
Có nên dùng xoong nồi chống dính nấu bột cháo cho bé?
Tránh dùng nồi chảo chống dính thì an tâm hơn. Bạn nên chọn những loại xoong nồi được phủ tự nhiên (như cát hoặc gốm), hoặc dùng chảo gang đã được xử lý đúng cách. Tại sao? Vì đồ chống dính thường được phủ bằng polytetrafluoroethylene (PTFE), một loại polymer có thể tạo ra các phân tử và hơi độc trong điều kiện nhiệt độ cao.
Một cái chảo chống dính ở 3600C (khoảng 6800F) sẽ sinh ra sáu loại khí độc, trong đó có hai loại có thể gây ung thư. Một chiếc chảo chống dính đặt lên bếp mà không chứa gì trong đó thì chỉ vài phút là có thể đạt tới mức nhiệt độ nguy hiểm đó. Dù biết rằng, xoong chảo đun trên bếp thông thường hiếm khi đạt đến nhiệt độ cao như thế nhưng để an toàn tuyệt đối cho bé, tốt nhất là không nên dùng.
Lò vi sóng và đồ nhựa – bạn bè hay kẻ thù?
Dù thuận tiện, nhưng đồ nhựa không phải là lựa chọn tốt nhất để cất giữ hoặc hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng, đặc biệt với đồ ăn của các bé. Dù đồ nhựa chậm phân huỷ hoàn toàn trong môi trường, nhưng chúng vẫn có xu hướng phân rã trong những điều kiện khắc nghiệt như: bị quay trong lò vi sóng, cọ rửa nhiều lần với chất tẩy rửa mạnh và tiếp xúc thường xuyên với dầu hay thức ăn nhiều chất béo.
Khi đồ nhựa phân rã, những chất hoá học trong đó cùng những phụ gia hoá chất độc hại có thể thấm vào thức ăn của bé cũng như của gia đình, bao gồm cả những chất gây ung thư. Nếu đây không phải là điều bạn muốn thì dùng đồ thuỷ tinh chất lượng cao thay cho hộp nhựa và màng nilông bọc thực phẩm là một việc cần thiết.
Bé loanh quanh gần lò vi sóng – có hại gì không?
Với các bé ở độ tuổi thích khám phá và tìm hiểu, việc nhìn ngó chiếc lò vi sóng sáng đèn và quay tít đôi khi là một thú vui. Việc đứng gần lò vi sóng trong khi nó đang hoạt động có hại hay không? Điều này đã được tranh luận từ rất lâu. Lò vi sóng thế hệ mới được tạo thành từ các vật chất chống bức xạ, nhưng những chiếc lò quá cũ hoặc hỏng vẫn có thể rò rỉ mức bức xạ cao hơn bình thường.
Sẽ là thông minh hơn nếu bạn để lò vi sóng ở một độ cao đủ để bé không tò mò, và ngay cả những người lớn trong gia đình, cũng nên đứng cách nó ít nhất 1m khi nó đang hoạt động.
Có nên lạm dụng các dung dịch tẩy rửa bằng hoá chất cho đồ dùng của bé?
Chất tẩy rửa tự nhiên không chỉ an toàn hơn cho con bạn, cho gia đình và môi trường, mà còn ít tốn kém nữa. Có nhiều công thức trên mạng để bạn tạo ra những chất tẩy rửa tự nhiên, đáng tin cậy và hiệu quả không thua với các chất tẩy rửa mua ở siêu thị như dùng chanh, giấm, muối, bột soda (baking soda)…
Tủ lạnh: bao lâu thì bạn cần làm vệ sinh một lần?
Nhiều bà mẹ khi có em bé lần đầu thường bị ám ảnh với việc làm vệ sinh mọi ngóc ngách trong nhà mình, trong đó có cái tủ lạnh. Nên nhớ rằng tồn tại vi khuẩn trong tủ lạnh của bạn là việc bình thường. Quan trọng là phải cất thịt sống riêng rẽ với trái cây và rau, vì thịt sống có thể có những vi khuẩn nguy hiểm.
Làm vệ sinh tủ lạnh mỗi tháng hai lần, bỏ hết đồ trong tủ ra, lau sạch các bề mặt bên trong, rửa các hộp và giá đỡ, bạn không cần dùng những chất tẩy rửa hoá học mạnh, nước ấm pha một chút xà phòng là đủ.
Bàn bếp, bàn ăn nhờn mỡ thì phải làm sạch bằng chất tẩy rửa hoá học chứ?
Các bé thường không biết được thế nào là sạch thế nào là bẩn. Đôi khi các bé lăn lên bàn ăn, trèo lên kệ bếp để xem mẹ nấu ăn nhanh đến nỗi nhiều bà mẹ chẳng kịp trở tay. Và lại là sự ám ảnh phải giữ sạch mọi ngóc ngách trong nhà.
Baking soda là một giải pháp tuyệt vời và không độc để lau sạch những bề mặt nhờn mỡ. Nếu bàn bếp nhờn mỡ, trơn, bạn chỉ cần rắc baking soda lên bề mặt và thêm một chút nước để bột và nước tạo thành một hỗn hợp đặc sệt. Sau đó, dùng miếng bọt biển hoặc khăn sạch, chà hỗn hợp đặc sệt đó ra khắp bề mặt và các ngóc ngách của bàn bếp, rồi lau sạch lại.
Với những mảng thức ăn cháy bướng bỉnh dính chặt vào mặt bếp? Hãy trộn hỗn hợp baking soda đặc như trên với một ít nước rửa chén hoặc xà phòng dạng lỏng, xoa vào chỗ thức ăn cháy đó, để thấm khoảng 20 phút trước khi chà lại lần nữa. Khi chà xong, dùng khăn sạch và nước để lau sạch hỗn hợp baking soda đi.
Theo Sài Gòn Tiếp thị
Vui lòng nhập nội dung bình luận.