Cũng như phiên thảo luận tổ trước đó, tại phiên thảo luận hội trường, các đại biểu vẫn khẳng định việc đồng tình với nguy cơ vỡ Quỹ BHXH. Tuy nhiên các đại biểu đề nghị cần phải có lời giải thích hợp lý hơn về cách quản lý, điều hành quỹ, phân tích các nguyên nhân cụ thể và đưa ra giải pháp thích hợp hơn thay vì đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan, đồng thời tránh sự điều chỉnh mang tính vá víu, không giải quyết được rốt ráo vấn đề.
Theo ngành BHXH, nguy cơ vỡ Quỹ BHXH là do số người đóng BHXH ít trong khi số người hưởng lương hưu lại nhiều, tuổi thọ của người hưởng BHXH tăng, nếu không điều chỉnh chính sách sẽ dẫn đến mất cân đối thu-chi từ năm 2021 và đến năm 2034 sẽ vỡ quỹ. Vì vậy, cơ quan soạn thảo luật kiến nghị Quốc hội tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội không đồng tình với quan điểm này. Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa- Vũng Tàu) nêu rõ: “Việc vỡ Quỹ BHXH là do nhiều nguyên nhân như tỷ lệ tham gia BHXH còn thấp, không thu được Quỹ BHXH do chủ sử dụng lao động nợ đông, năng suất lao động thấp, bộ máy cồng kềnh”. Sau khi phân tích các nguyên nhân này, đại biểu Ngân bày tỏ: “Nếu tăng tuổi nghỉ hưu sẽ đồng nghĩa với việc tăng áp lực việc làm và giảm cơ hội phát triển của lao động trẻ”.
Đồng quan điểm với đại biểu Ngân, đại biểu Lê Thành Nhơn (Bình Dương) nói: “Tôi thấy lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trong tờ trình do Ban soạn thảo đưa ra chưa thuyết phục. Chúng ta cần tập trung làm rõ nhiều vấn đề chứ không thể giải quyết rốt ráo bằng cách làm này”. Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đăk Nông) còn thẳng thắn hơn khi nhấn mạnh: “Nếu chúng ta coi việc cứu vãn nguy cơ vỡ quỹ bằng cách nâng tuổi nghỉ hưu thì đó chắc chắn là cách làm hạ sách”.
Cũng đi sâu phân tích vấn đề, nêu lên việc tuổi thọ tăng không đồng nghĩa với sức khỏe người Việt Nam được cải thiện đủ để kéo dài thời gian lao động, ngay cả với lao động trí óc trong nhiều lĩnh vực, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) phát biểu: “Tôi nói “không” với việc tăng tuổi hưu để tránh vỡ quỹ bởi hiện tại, cả nước có trên 1 triệu người bước vào tuổi lao động hàng năm, trong đó nhiều người có trình độ cao, được đào tạo bài bản nhưng lại không có việc làm”. Đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên) nói thêm: “Xu hướng quy định kéo dài tuổi hưu ảnh hưởng tới tính nghiêm minh, thống nhất của hệ thống pháp luật. Ngay ở kỳ họp này, tôi đã thấy có tới 4 dự án luật tạo ra “ngoại lệ” cho tuổi về hưu rồi”.
Chiều 16.6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam với 86,35% phiếu tán thành trên tổng số đại biểu Quốc hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.