Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: Phim hay mà không quảng bá cũng như “áo gấm đi đêm”

Thanh Hà (thực hiện) Thứ hai, ngày 22/09/2014 07:03 AM (GMT+7)
Để có cái nhìn khách quan hơn về vấn đề phim “bao cấp” ra rạp, NTNN đã có cuộc trao đổi với nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh VN.
Bình luận 0

Thưa bà, lâu nay việc phim Việt ra rạp không hút được khán giả vẫn luôn là vấn đề đau đầu của các nhà sản xuất, đặc biệt là những phim do Nhà nước sản xuất (hay còn gọi là phim “bao cấp”). Vậy lý do nào khiến phim Việt, nhất là phim “bao cấp” khó hút khán giả đến rạp, thưa bà?

img 

  Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh VN

- Theo tôi, hai mảng sản xuất và chiếu phim (các cụm rạp) chưa xích lại với nhau vì chưa có nhà phát hành giỏi để liên kết giữa hai khâu kia lại. Nhà nước không còn hoàn toàn nắm giữ các khâu này nhưng buông cả cho tư nhân thì cũng chưa. Khác hẳn với các phim “bao cấp”, các phim tư nhân (mà gần đây nhất như “Hào quang trở lại”, “Mất xác”, “Đoạt hồn”…) luôn rất coi trọng khâu quảng bá. Họ có hẳn chiến dịch quảng bá, truyền thông khi phim mới chỉ là dự án nằm trên giấy, và sau đó suốt quá trình làm phim cho đến khi ra rạp đều có thông tin dày đặc trên các mặt báo. Vì thế, không cần biết phim hay - dở ra sao, khán giả vẫn tới rạp để thỏa mãn sự tò mò.

Theo bà, khâu quảng bá cho một bộ phim sẽ quyết định bao nhiêu phần trăm thành công về mặt doanh thu của bộ phim?

- Theo tôi, một bộ phim thành công về mặt doanh thu- đồng nghĩa với đông khán giả tới rạp, phụ thuộc 2 yếu tố: Phim hay và làm PR (truyền thông) tốt. Phim không hay dù có PR tốt mấy thì cũng không thể đánh lừa được khán giả, chỉ có thể lừa được một vài buổi đầu thôi. Ngược lại phim rất hay, rất tốt mà bỏ ngỏ khâu tuyên truyền quảng bá cho nó thì cũng chẳng khác gì “áo gấm đi đêm”, rất đáng tiếc.

Quan điểm
img
Nhà biên kịch Hồng NgátNói về bộ phim 21 tỷ, 0 đồng tiền vé 
  Một cô gái dù xấu dù đẹp, trước khi bước ra khỏi nhà còn phải trang điểm chu đáo, quần áo phẳng phiu đẹp đẽ để thu hút ánh nhìn của mọi người. Một bộ phim muốn ra rạp cũng phải như thế. Đằng này cứ lẳng lặng ra rạp không kèn không trống ai biết mà đi xem. Hệ lụy không vui, không thành công như mong đợi là tất yếu...  
Là người hiểu rõ sức mạnh của PR khi từng phải bỏ tiền túi để quảng bá cho hai phim “Gương trời”, “Những đứa con của làng”, theo bà, mỗi bộ phim khi ra rạp cần đầu tư ra sao cho việc quảng bá phim?

 

- Cái này cũng tùy sức, tùy lực của từng nhà sản xuất hoặc nhà đầu tư, không thể khẳng định cụ thể bao nhiêu được. Tiền PR cho phim ở Việt Nam không thể mang đi so sánh với nước ngoài được. Họ khác, mình khác. Phim “Gương trời” của HongNgat Film làm theo chương trình phim miền núi của Cục Điện ảnh, kinh phí hạn hẹp, đồng đều là 400 triệu đồng/phim bất kể dung lượng, phức tạp hay đơn giản.

Anh làm được thì nhận, thiếu thì đi xin thêm tài trợ chứ dự toán như vậy là đóng chốt rồi. Nhưng mình đã chắt chiu, gom góp từng đồng để làm poster, tờ rơi và tổ chức họp báo trước khi phát hành để tri ân đoàn phim, để biểu dương tinh thần lao động của tập thể nghệ sĩ đã vượt khó, vượt khổ làm ra được bộ phim tốt. Chí ít các bạn ấy cũng được các nhà báo đến dự xem phim và viết bài về phim, về các vai diễn.

Sự kiện bộ phim được đầu tư đến 21 tỷ đồng “Sống cùng lịch sử” nhưng lại không bán nổi vé nào. Theo bà, nguyên nhân nào khiến bộ phim đã từng được kỳ vọng lại bị khán giả “quay lưng”?

- Tôi chỉ cảm thấy rằng êkip làm phim đã hơi vội vàng khi đem ra rạp trong lúc này. Phim Nhà nước đặt hàng thì phải để Nhà nước điều phối vì nhà nước đặt hàng anh hẳn họ có ý của họ. Ý đồ mang phim đến người xem và bán vé thu tiền cũng không có gì xấu nhưng muốn làm được thế, anh phải có sự chuẩn bị chu đáo về nhiều mặt, nhất là truyền thông.

Một cô gái dù xấu dù đẹp, trước khi bước ra khỏi nhà còn phải trang điểm chu đáo, quần áo phẳng phiu đẹp đẽ để thu hút ánh nhìn của mọi người. Một bộ phim muốn ra rạp cũng phải như thế. Đằng này cứ lẳng lặng ra rạp không kèn không trống ai biết mà đi xem! Hệ lụy không vui, không thành công như mong đợi là tất yếu. Hệ lụy lớn hơn nữa là làm ảnh hưởng tới cả ngành.

- Xin cảm ơn bà!

  “Phim lớn, kinh phí nhiều dành để cho những ngày lễ lớn, những dịp lễ lạt long trọng chứ không phải để mang ra chợ bày bán như món hàng để thu tiền”- nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát chia sẻ.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: Buồn vì phim không được đón nhận

Tôi rất buồn khi bao tâm huyết, lao động của mình không được khán giả đón nhận. Với những phim Nhà nước đầu tư, việc bỏ ra một khoản tiền lớn để có chiến dịch quảng bá, truyền thông là điều không thể, bởi mọi kinh phí của phim Nhà nước đều bị trói chặt bởi các barem cũ, trong khi với phim của tư nhân sản xuất, họ đã bỏ ra một khoản tiền lớn ít nhất từ 500 triệu đến cả tỷ đồng cho việc PR phim. Điều đáng buồn hơn nữa là khán giả trẻ bây giờ quá thờ ơ với lịch sử chứ đừng nói đến phim về lịch sử. Điều quan trọng hơn của những người làm phim nghệ thuật, là các nghệ sĩ chỉ quen làm phim mà không biết cách đi bán sản phẩm. Chúng tôi chỉ có thể gắng thay đổi trong chừng mực nào đó tư duy làm phim của mình, chứ không thể thay đổi từ tư duy làm phim sang tư duy bán hàng. 

Họa sĩ Thành Chương:Bao nhiêu phim tiền tỷ vứt xó?

Nhà nước đầu tư cho các hội họa sĩ rất ít, mà thực tế anh chị em hoạ sĩ điêu khắc đâu có kém cạnh gì trong việc đóng góp cho văn hóa. Trong việc đổi mới loại hình nghệ thuật, hội hoạ với đặc thù của nó luôn đi trước các loại hình khác một bước. Nhà nước vì tuyên truyền nên đầu tư cho điện ảnh và truyền hình rất nhiều. Nhưng thử hỏi hiện có bao nhiêu phim đầu tư hàng tỷ rồi vứt xó? Tiền của dân bỏ ra, làm phim xong không có người xem, tức là không phục vụ được chính trị nghệ thuật lại gây thất thoát tiền. Vậy mà rất nhiều người từng kêu phim kém vì tiền ít. 

Huy Hoàng (tổng hợp)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem