Trồng nấm, nuôi bò từ vốn ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội, nông dân Quảng Nam nhanh khá giả
Trồng nấm, nuôi bò từ vốn ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội, nông dân Quảng Nam nhanh khá giả
Nghi Lộc
Thứ bảy, ngày 17/02/2024 07:04 AM (GMT+7)
Những năm qua, tín dụng chính sách Ngân hàng Chính sách xã hội đã trở thành một "chủ công" hỗ trợ nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Nam vươn lên trong cuộc sống.
Tín dụng chính sách đang là lực đẩy giúp người dân xứ Quảng từng bước thoát nghèo bền vững...
Theo chân cán bộ chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam, chúng tôi về xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ. Với lợi thế đất đai vùng ven sông màu mỡ, nhiều người dân ở Tam Ngọc đã và đang cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng cây ăn quả, phát triển kinh tế vườn gắn với du lịch sinh thái.
Tại gia đình bà Đoàn Thị Hoa, một trong những hộ làm kinh tế giỏi ở địa phương, bà Hoa cho biết, hiện gia đình đang vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo chương trình giải quyết việc làm thông qua sự giới thiệu của Hội Nông dân xã. Từ nguồn vốn vay này, bà đã đầu tư mô hình trồng nấm và cải tạo vườn cây ăn quả…
Vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội đang là lực đẩy giúp người dân Quảng Nam từng bước thoát nghèo bền vững.
Thời điểm trước đây, cuộc sống của gia đình bà còn nhiều khó khăn, song thời gian gần đây thu nhập từ trồng nấm và vườn cây ăn quả đã mang lại thu nhập ổn định với khoảng gần 10 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, bà Hoa còn giải quyết việc làm ổn định cho hai lao động ở địa phương. Kinh tế ổn định nên ba người con của gia đình cũng có điều kiện học hành…
Không chỉ riêng gia đình bà Đoàn Thị Hoa mà nhiều hộ gia đình khác ở Quảng Nam đã và đang mạnh dạn vay vốn tín dụng chính sách, sử dụng hiệu quả để phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo…
Theo báo cáo của chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam, tổng nguồn vốn đến 31/12/2023 đạt hơn 7.400 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 969 tỷ đồng (15%). Trong đó, tổng dư nợ 20 chương trình tín dụng chính sách đạt 7.400 tỷ đồng, tăng so với đầu năm là 963 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch giao năm 2023 với 141.868 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đạt 853 tỷ đồng.
Mô hình trồng nấm của nông dân xã Điện Thắng Nam, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Trần Hậu.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 36.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác ở tỉnh Quảng Nam được vay vốn, trong đó có trên 3.000 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn từ 6,63% cuối năm 2022 xuống còn 5,57% cuối năm 2023.
Vốn tín dụng chính sách cũng giúp thu hút và tạo việc làm cho trên 13.000 lao động, gần 200 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và 15 người vừa chấp hành xong án phạt tù có việc làm, trên 2,5 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, mua máy móc thiết bị học tập trực tuyến, không để HSSV nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; xây dựng cải tạo trên 18.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây dựng 485 ngôi nhà ở xã hội trên địa bàn…
Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lê Thị Kim Anh khẳng định:" Nguồn vốn tín dụng chính sách được cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, vốn vay được sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả. Chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được củng cố và nâng cao…".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.