Nhà thơ Phan Hoàng day dứt với làng quê

Thứ hai, ngày 14/01/2013 17:51 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cuối năm 2012, Phan Hoàng nhận được tin vui khi giải thưởng duy nhất của Hội Nhà văn TP. HCM năm 2012 được trao cho tập “Chất vấn thói quen” của anh. Những ngày gần tết, trong anh lại trào lên nỗi day dứt về làng quê...
Bình luận 0

Cuối năm nhớ làng

Thấy tôi băn khoăn về “các kiểu làm thơ” đang chiếm sự quan tâm của giới cầm bút, nhà thơ Phan Hoàng tâm sự: "”ứ mệnh hàng đầu của nhà thơ là phải thể hiện được tiếng nói, ngôn ngữ của dân tộc mình, thời đại mình đang sống. Tôi không theo bất kỳ trường phái nào, mà chủ trương phải tự tìm một hướng đi riêng, như con sói độc hành giữa sa mạc để khơi mạch nguồn nước thi ca cho riêng mình”.

img
 

Theo Phan Hoàng, có quá nhiều người ảo tưởng mình là nhà thơ và viết “nên vần nên điệu” giống hệt nhau. Điều kiêng kỵ nhất của nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng là giống nhau và lặp lại của người khác lẫn chính mình. Thực tế, nhiều người biết thơ không nuôi nổi người làm thơ nhưng sẵn sàng đánh đổi đời mình.

Giữa “mộng” và “thực” của một nhà thơ có độ chênh nhưng lại rạch ròi trong Phan Hoàng: “Đúng là thơ có sức quyến rũ kỳ lạ, giúp con người thăng hoa, nhưng đôi khi cũng làm cho người ta hư danh mông muội đến “phá sản”. Thơ không trực tiếp làm ra lúa gạo, thịt cá hoặc xe hơi... Nhưng thơ có khả năng nuôi dưỡng ước mơ, mang lại cái đẹp và niềm hy vọng, giúp cho người nông dân trên cánh đồng, ngư dân trên biển hoặc công nhân trong nhà máy có được niềm vui sống, tạo nên những giá trị cho mình. Đối với tôi, thơ là sự kết hợp giữa mộng và thực, là sự liên tài giữa cái chết và sự tái sinh”.

Trong câu chuyện, tôi nhận ra một Phan Hoàng hơi trầm. Anh nói: “Đó là tại… cuối năm nhớ làng. Phải nói rằng tôi luôn biết ơn không khí gia đình và làng quê Hoà Đồng của cánh đồng Tuy Hoà đã nuôi dưỡng nên mình. Những câu hò, câu ca, lời thơ nôm từ bà ngoại và mẹ tôi đã truyền cho tôi tình yêu nghệ thuật. Chính người nông dân đã làm nên nền văn hoá truyền thống cho đất nước này. Thời công nghiệp hoá, chính người nông dân cũng chịu nhiều thiệt thòi về chất lẫn tinh thần”.

Người cầm bút mắc nợ nông dân

Trong bài “Khi người nông dân để lại cánh đồng”, Phan Hoàng xót xa: “Màu cỏ sân gôn sẽ thay màu lúa tình tự ngàn đời/Dãy dãy tường cao sẽ thay bờ vùng bờ thửa/Từng dải khói đen sẽ thay những đàn cò trắng/Tiếng máy suốt đêm sẽ thay tiếng nhạc côn trùng… Người nông dân/lầm lũi/để lại cánh đồng/bước chân nặng nề chậm chạp/như người lính bị tước vũ khí cúi mặt rời khỏi chiến trường/sau lưng rền vang sấm chớp”.

img
Một số tác phẩm của nhà thơ Phan Hoàng.

Không những mất đất mà người nông dân còn mất luôn ký ức đẹp đẽ từ ngàn đời, như Phan Hoàng viết trong bài “Con trâu thiêng”: “Cổ họng tôi bỗng dưng có bàn tay vô hình siết chặt /Sau những loạt bom thảng thốt xóm làng/Con trâu thiêng từ biệt ruộng nương mãi mãi bay vào cổ tích /(như ngày xưa dưới mưa bom bao người lính bám trụ nơi đây biến mất)/Từng tảng đá xanh giống khối thịt trâu bị chém, chặt, đục, đẽo, áp tải bán buôn khắp mọi ngả đường…”.

Phan Hoàng sinh năm 1967 tại Tuy Hoà (Phú Yên), hiện sống và làm việc tại TP. HCM. Anh là hội viên Hội Nhà văn VN, Trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TP. HCM, Chủ biên trang web TP. HCM. Phan Hoàng đã xuất bản các tập thơ "Tượng tình" (1996), "Hộp đen báo bão" (2000), "Chất vấn thói quen" (2012); các tuyển tập "Phỏng vấn tướng lĩnh Việt Nam" (3 tập, 1997-1999), "Phỏng vấn người Sài Gòn" (2 tập, 1998-1999), "Phỏng vấn người Hà Nội" (2000), "Dạ, thưa thầy…" (2001)…

Đối với Phan Hoàng, đề tài về người nông dân là mỏ quặng và người cầm bút còn mắc nợ họ rất nhiều. Không thể đô thị hóa một cách vội vã, vô tội vạ, hãy để nông thôn phát triển một cách tự nhiên. Đó là những điều trăn trở trong ngòi bút Phan Hoàng.

Nhắc đến cái Tết cổ truyền đang tới, Phan Hoàng nói giọng nghèn nghẹn: “Thú thực, đã 25 chẵn sống ở TP.HCM nhưng trong tôi lúc nào cũng chảy nguồn mạch Phú Yên, dù âm giọng dù có nhẹ đi một chút cho “chửng” (chuẩn) để người các nơi có thể nghe được. Chỉ khi có việc cần gấp, còn phần lớn, năm mới tôi đều về quê ăn Tết cổ truyền, sum họp gia đình, viếng mộ ông bà, thăm bà con dòng họ và láng giềng... Tôi muốn con tôi kết nối chặt chẽ với quê cha đất tổ. Về ăn tết ở quê tôi còn được tiếp thêm sinh lực cho hành trình tiếp theo của mình”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem