Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo: “Đi đâu cũng thích nói mình là người Việt Nam...”

Thứ ba, ngày 06/05/2014 10:02 AM (GMT+7)
Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ tổ chức chương trình hòa nhạc đặc biệt “Điện Biên Phủ” vào các ngày 7-8.5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội để lần đầu tiên trình diễn bản giao hưởng mang tên "Điểm hẹn" của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo.
Bình luận 0
Phóng viên NTNN đã trò chuyện cùng nhạc sĩ về tác phẩm này.

Thưa nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo, được biết Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đã đặt hàng ông viết riêng tác phẩm “Điểm hẹn” cho chương trình Hòa nhạc giao hưởng “Điện Biên Phủ - Concert”. Ông có thể chia sẻ gì về chương trình cũng như tác phẩm?

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo.
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo.

- Chương trình hòa nhạc “Điện Biên Phủ- Concert” được dàn dựng đặc biệt để kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam Honna Tetsuji cùng dàn nhạc và nghệ sĩ violin Bùi Công Duy là những cái tên góp mặt trong chương trình này. Bản giao hưởng của tôi có 4 chương. Chương 1 có tên “Rồng Tiên”, chương 2 “Tình ca” bắt đầu sáo ngân vang một giai điệu trữ tình, tiếp theo dàn violoncello với một câu bi hùng rồi dàn dây quyện nhau kết và bị bộ kèn đồng và bộ gõ cắt đứt. Tôi đặt tên như vậy bởi dân tộc Việt Nam luôn chuộng hòa bình. Giai điệu đi từ tinh lõi của dân ca Việt Nam. Tiếng sáo tượng trưng cho tình yêu của dân Việt Nam. Chương 3, “Thời nô lệ” thì dàn dây dày đặc từ trầm lên cao và các đàn khác vào từng khối màu sắc khác nhau tượng trưng cho sự xâm lăng và thời nô lệ. Chương 4, “Điểm hẹn” nhạc từ từ dâng lên rồi bay ngang dọc bầu trời để kết thúc trong khải hoàn.

Ông có gặp khó khăn gì khi viết nhạc cho Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn?

- Khi họ đặt viết thì tôi phải hiểu rõ sở trường, sở đoản của dàn nhạc ấy. Nói như vậy để biết công việc sáng tác giao hưởng không bao giờ là dễ dãi. Người sáng tác phải tôn vinh được dàn nhạc nhưng vẫn phải giữ được phong cách sáng tác của bản thân mình. Mình phải đưa được dàn nhạc ấy lên chứ không phải viết chỉ để giúp cho dàn nhạc ấy dễ đánh.

Khi về nước biểu diễn, ông thấy các nghệ sĩ Việt Nam sống thế nào?


- Quá chật vật, mức sống của các nhạc công trong dàn nhạc thì thật là quá tồi trong khi một nhạc công trong dàn nhạc lớn của Pháp, thu nhập của họ ở khoảng gần 20.000 euro/tháng. Nhưng xã hội của họ như vậy, họ chỉ việc chơi nhạc, còn chúng ta thì không đòi hỏi như vậy được. Cuộc sống của chúng ta còn khó khăn, các nghệ sĩ của chúng ta phải chạy sô, phải đánh nhạc nhẹ, nhạc jazz… Các nhạc sĩ thì cũng chật vật, tôi biết ngay cả nhạc sĩ Phú Quang đã phải mở quán cà phê. Còn ở Pháp, không có nghệ sĩ nào phải làm thêm nghề khác, họ sống bằng nghề, đam mê và sống chết với nghề. Nhưng nói thật đi đâu tôi cũng thích nói mình là nhạc sĩ Việt Nam chứ không muốn nói tôi là nhạc sĩ người Pháp.

Xin cảm ơn ông!


Thanh Hà (thực hiện) (Thanh Hà (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem