Nhạc sĩ Phó Đức Phương ra đi sẽ là một khoảng trống lớn trong âm nhạc...

Nhà văn Trần Thị Trường Chủ nhật, ngày 20/09/2020 17:15 PM (GMT+7)
"Khi hay tin ông đã đi, tôi không tin vào điều đã nghe được đó. Tôi trông chờ vào cuộc cấp cứu kịp thời, tận tụy của các bác sĩ. Nhưng có lẽ Giời đã quyết định cho ông ngơi nghỉ, đưa ông về miền cực lạc. Bởi vì, Giời thương ông đã 77 năm ròng rã vất vả cõi đời...", nhà văn Trần Thị Trường viết.
Bình luận 0

Sự ra đi quá nhanh của nhạc sĩ Phó Đức Phương khiến nhiều bạn bè, đồng nghiệp và khán giả bàng hoàng, thương tiếc, trong đó có nhà văn Trần Thị Trường - người đã có khoảng thời gian dài làm việc, cùng nhạc sĩ vượt qua bao khó khăn, vất vả từ những ngày đầu Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thành lập, rồi đi vào hoạt động ổn định. Nhà văn Trần Thị Trường đã có những chia sẻ "rút ruột" với Dân Việt trước sự ra đi của người bạn, người đàn ông mà chị kính trọng và yêu mến.

Sự ra đi của Phó Đức Phương để lại một khoảng trống lớn cho âm nhạc

Sự nghiệp của nhạc sĩ Phó Đức Phương bắt đầu từ "Những cô gái quan họ" (1964) với "trên quê hương... một vạt nắng cũng mang điệu dân ca" trước khi ông thi và đỗ đầu khoa sáng tác của Trường Nhạc. Từng học khoa Toán trường Sư phạm, nhưng chàng thanh niên Hà Nội trở thành người chăn bò thực thụ trên nông trường Hòa Bình trong những năm đại học, để sau được về ngồi học trong trường Nhạc là một bước khó đầu tiên của ông. Nhưng, là một nông dân thực thụ hay một nhạc sĩ trong "top" đầu thế hệ 4X, hay là một Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (có giai đoạn thu về cho các nhạc sĩ số tiền một năm lên tới cả trăm tỷ đồng), thì Phó Đức Phương vẫn là một, và là duy nhất. 

Phó Đức Phươngra đi sẽ là một khoảng trống lớn trong âm nhạc...    - Ảnh 1.

Nhà văn Trần Thị Trường

Ông vẫn khó tính, cực đoan và kiên định về quyền tác giả cho cộng đồng, kiên định về thái độ tư tưởng và cách biểu hiện trong sáng tác tác phẩm của bản thân mình. Cụ thể là không chấp nhận cho ai "xin xỏ" giảm bớt tiền bản quyền, không đồng ý để bất cứ ca sĩ nào hát sai một nốt. 

Trong đời thường giản dị bao nhiêu, thì ông đanh đá, đáo để bấy nhiêu khi thấy người ta làm sai cái việc mà ông coi là đúng, người ta hát sai cái nốt của ông đã viết ra. Khi vui thì hết cỡ, hết mình, xuề xòa và đôi khi còn nói tục trong cuộc vui, và bảo có thế cuộc vui mới... trọn vẹn. Là duy nhất còn ở chỗ, đã làm gì thì làm đến cùng, không chịu lùi cho dù khó khăn đến mấy. 

Không chỉ kỹ lưỡng trong giai điệu, trong ca từ, ngay cả một bản báo cáo, dù có chuyên viên soạn thảo, nhưng ông cũng đọc kỹ từng chữ, sai một thuật ngữ luật ông cũng chỉnh sửa... Để đi họp với các tổ chức đồng nghiệp quốc tế, không rơi vào cảnh cầm giấy soạn sẵn, ông khắc phục tuổi già để học tiếng Anh, thuộc lòng bản tiếng Anh do ông soạn, chuyên gia Anh ngữ hiệu đính, rồi lên báo cáo không cầm giấy. Tự trọng ở mức tối đa như ông có lẽ ở đời không nhiều.

Đang ở đỉnh thành công về âm nhạc, bỗng nhiên để đấy đi làm chuyện bản quyền, một việc mất rất nhiều tâm sức, phải nghiên cứu Luật Sở hữu trí tuệ và thuộc lòng muôn vàn các Nghị định, Thông tư, phải biết hạch toán tài chính kế toán… nghĩa là, những việc sẽ triệt tiêu cảm xúc sáng tạo nghệ thuật. 

Hồi đầu, chưa có nguồn kinh phí, ông phải chạy vạy khắp nơi vay mượn để duy trì bộ máy, với niềm tin ngây thơ về sự tuyệt đối của luật pháp, nên quá trình vận hành bộ máy trong một môi trường pháp luật chưa nghiêm, sở hữu trí tuệ còn là khái niệm mới mẻ trong cả quan trí lẫn dân trí, khiến ông vấp phải muôn vàn thử thách. Nhiều người khuyên ông bỏ, nhưng cá tính ấy, ông không bỏ nửa chừng.

Về âm nhạc: Bất cứ ca sĩ nào đến xin hát tác phẩm của ông, ông đều muốn tập cho họ hát đúng các nốt của mình. Ông bảo: Cứ hát đúng của tớ là sẽ hay. Nhưng hát đúng giai điệu, đúng nốt của ông thì cực khó, một nốt có đến hơn chục nốt phụ, nói như diva Thanh Lam thì nhạc của Phó Đức Phương là khẳn Việt... khó quá, dù là hay quá, nên giữa ông và họ đôi khi là những trận hò hét, cáu bẳn, hờn dỗi và nước mắt...

Ông có tới vài trăm bài hát, bài nào cũng đọng lại rất sâu trong tâm trí người ngheChảy đi sông ơiCánh đồng tình yêuCon sông tuổi thơHồ trên núiHuyền thoại hồ núi CốcKhông thể và có thểMặt trời biển cát và emMột thoáng Tây HồMộng mị SapaNha Trang thuNơi áo Chàm hồ xanh Ba BểThành phố biển xanh và cát trắngTrên đỉnh Phù VânVề quêVũ khúc con còLội dòng sông quê… Bài nào cũng được những ca sĩ hàng đầu như: Ngọc Tân, Thanh Lam, Mỹ Linh, Tùng Dương, Bằng Kiều… lựa chọn. 

Không chỉ khó và kỹ trong sáng tác, ngay cả với hòa âm phối khí ông cũng chọn người hiểu nhạc của mình. Kỹ cả khi dựng tiết mục. Không chỉ dựng tiết mục của chính mình, ông còn viết nhạc phim, đạo diễn các chương trình lớn của quốc gia như Paragames... Cái gì cũng làm tới cùng, khó mấy cũng không bỏ cuộc và tạo ra khác biệt. 

18 năm làm việc ở VCPMC, nơi người ta nói ông kiếm ra tiền thì thực ra ông bị oan. Cứ nhìn bảng lương hay tiền bản quyền thì thấy, nhạc Phó Đức Phương kén người nghe thế, nên nhuận bút của ông kém nhiều người khác, và ông vẫn là một dân nghèo thành thị đúng nghĩa nhất. Nhà riêng của ông chỉ có 49m2, trong ngõ Văn Chương đông đúc và chật chội, nội thất không có vật gì đáng giá trừ chiếc đàn piano.

Mãi đến cuối năm 2017, ông mới dọn về ngôi nhà 80m2 ở Âu Cơ, là ngôi nhà người ta gán nợ cho ông. Nếu để sở hữu ngôi nhà đó hoàn toàn, nhiều người chắc chắn rằng ông có thể lại là một con nợ… Người ta thương ông là vì thế. Khi ông phải mổ các khối u nhỏ, bạn bè không nói ra nhưng lại bàn vào để rồi cuối năm 2016, với sự giúp đỡ của nhiều người, Phó Đức Phương đã mở được show mang tên "Trên đỉnh phù vân", với sự tham gia của nhạc sĩ Đỗ Bảo (hòa âm phối khí, chỉ huy dàn nhạc) cùng các ca sĩ: Tùng, Dương, Bằng Kiều, Thu Phương, 5 dòng kẻ… 

Và vừa rồi, cũng vì yêu thương và lo lắng, nên có thêm đêm nhạc "Khúc hát phiêu ly", hòa âm phối khí Trần Đức Minh, đạo diễn Nguyễn Việt Thanh, biên tập âm nhạc Tùng Dương, biên đạo Trần Ly Ly, cùng các ca sĩ hàng đầu Tùng Dương, Thanh Lam, Mỹ Linh, Thu Huyền, M.F.4... Họ đã diễn bằng tất cả niềm xúc động, và không nhận cát xê để tiền vé thu được giúp ông chữa bệnh...  

Phó Đức Phươngra đi sẽ là một khoảng trống lớn trong âm nhạc...    - Ảnh 2.

Nhà văn Trần Thị Trường và nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhạc sĩ Trần Tiến, nhạc sĩ Nguyễn Cường

Viết theo đơn đặt hàng?

Gần như bài hát của ông đều bắt đầu từ những đặt hàng. Bài Về quê cũng là nhận đặt hàng mà viết. Nhưng vừa viết vừa khóc: "Đưa nhau ta thì về/ Đưa nhau ta thì về nơi mẹ đưa nôi/ Nơi sáo diều chơi vơi/ Với dòng sông bên lở bên bồi/ Bao nhiêu năm theo dòng đời đua chen /Phiêu bạt nơi phồn hoa cát bụi/ Đôi khi cánh cò xưa lạc vào giấc mơ tôi/ Nước qua cầu thời gian trôi mau/ Nơi bền lâu là nơi lắng sâu/ Thiếu quê hương ta về, ta về đâu?". Tác giả khóc, người nghe khóc, vì đó là những lời của trái tim, của nỗi nhớ và tình yêu khôn nguôi về quê hương đất nước. 

Trên đỉnh Phù Vân, Phó Đức Phương cũng viết theo hợp đồng cho vở kịch của đoàn Hải Phòng. Ông bảo, chả cứ Trên đỉnh phù vân Chảy đi sông ơi cũng một bài từ thất tình mà thành. 

Khó có thể tin một người như Phó Đức Phương lại có cảm giác thất tình. Đàn ông không tài cán gì đã có người theo, đàn ông có tài, lại đằm thắm, hấp dẫn và duyên như Phó Đức Phương mà thất tình, nghe có vẻ lạ. Nhưng mà có thật đấy. 

Ông kể cho tôi và không ít người biết. Vĩ nhân thì cũng là người. Nhưng ông biến cái thất tình thành một giá trị nhân văn trong tác phẩm. "Chuyện bao đời sông biết cả, mà sao cháy mãi không già?". Sống tận tình với cuộc đời, với mọi người trong một khả năng lớn, dồi dào cảm xúc, vốn văn hóa cao, mọi đề tài người ta đặt hàng chẳng phải đều có trong cuộc sống mà người nghệ sĩ đã từng trải nghiệm sao? Ông bảo tôi thế. Và tôi thấy thế, tác phẩm làm từ một đặt hàng nhưng được viết bằng cả một nội lực và cảm xúc lớn. 

Cá tính và đời sống gia đình…

Nhà riêng của ông ở 49m2 trong ngõ Văn Chương chật hẹp. Thi thoảng chúng tôi mang đồ ăn đến ăn ở trên cái vườn tầng mái, cũng đủ lan, cúc, trúc, hồng. Chúng tôi bảo ông là chỉ giàu tưởng tượng, còn thực chất là một anh nhà nghèo chính hiệu. Ông cười, thì tớ dân nghèo thành thị mà.

Vợ ông trẻ hơn ông gần 20 tuổi, nhà thiết kế thời trang Lê Lan Anh. Con trai ông đang học master tại Boston, là một nhạc sĩ trẻ đã có những sáng tác đáng ghi nhận. Hai người con gái đầu, Phó Vũ Thư là giảng viên piano ở Trường Nghệ thuật Hà Nội, Phó Khánh Chi là nhà báo.

Những năm gần đây ông quan tâm nhiều hơn đến vận nước. Chỉ 3 năm ông có thêm 3 bài hát giá trị về các danh nhân có công dựng nước và giữ nước. Mỗi lần nghe Bài ca thần chim lạc là sởn gai ốc. "Ta là thần chim lạc/ Sải cánh chín tầng trời/ Qua biển Đông sóng dậy/ Về núi Tây điệp trùng/ Đây Hồng Hà nặng đỏ/ Kia chín nhánh sông Rồng/ Giang sơn muôn ngàn dặm/ Cháu con ước triệu người... Ta bay qua thời gian/ Từ thuở hồng hoang/ Ta bay thấu không gian/ Biển rộng núi cao/ Đi hết cõi hữu hình/ Ta vào miền vô ảnh/ Vẫn nặng tình nhân gian/ Bồn chồn nỗi cháu con nòi giống....

Thương quá đi thôi. Tiễn ông về miền vô ảnh và biết ông vẫn nặng tình nhân gian. Nhân gian chắc người người cũng thương yêu, trọng kính những người như ông. Không phải thánh thần, nhưng chọn bước đi, chọn con đường của thánh thần: Vì nghĩa quên thân, sống vô vị lợi, theo đuổi cái đúng đắn, nhìn sâu vào nội tâm, không chấp những gì ti tiện.

Biết tin ông rời cõi, bỗng nhớ bài hát của ông: "Đường trần thì quá hẹp, lắm vực nhiều khe… Ngược xuôi bôn ba nay ta về nhà ta...". Ông đi trước nhé, rồi lần lượt thôi, khi nào Giời gọi chúng tôi sẽ dạ và sẽ họp với ông, sẽ làm một show, không phải diễn cho ai, mà để chính chúng ta xem lại cuộc đời mình, cuộc đời của những người sống tận hiến cùng lẽ phải, và không hối tiếc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem