Nhân viên tiếp thị và bán hàng thời 4.0

Thứ bảy, ngày 10/02/2018 06:13 AM (GMT+7)
Công nghệ thay đổi đòi hỏi những người “kiếm tiền” cho doanh nghiệp như bộ phận kinh doanh, tiếp thị… phải thay đổi. Nhưng thay đổi như thế nào để phù hợp với quy mô, năng lực doanh nghiệp và đội ngũ nhân viên hiện hữu, là điều vô cùng khó với nhiều doanh nghiệp hiện nay, kể cả đó là những tổng công ty, tập đoàn.
Bình luận 0

“Biết là khó nhưng để tồn tại, các bạn phải tuân thủ những luật chơi mới”, ông Hoàng Nam Tiến, chủ tịch FPT Software, nói như vậy với gần 1.000 khách tham dự là nhân viên tiếp thị, bán hàng tại đại hội chuyên ngành tiếp thị và bán hàng tổ chức vào cuối tháng 11.2017 tại Sài Gòn.

img

Chạy rông trên phố- cách tiếp thị thời 4.0.

Nghề cực khổ

Theo lời ông Tiến, dù đang là cương vị chủ tịch của FPT Software: “Tôi cho rằng, nghề bán hàng và tiếp thị là hai nghề khổ nhất, và sẽ càng khổ hơn trong thời 4.0”.

Theo ông Tiến, hoạt động tiếp thị và bán hàng được phân thành ba cấp. Cấp 1 là chỉ biết tiếp thị và bán những sản phẩm mà khách hàng tìm kiếm; cấp 2: tiếp thị và bán những món hàng mà khách hàng mong muốn có; còn cấp 3 là bán và tiếp thị mà chính khách hàng chưa biết những sản phẩm đó có giá trị như thế nào với cuộc sống của họ. Ông Tiến thực hiện một bài kiểm tra. Một nam nhân viên tên là Linh (một công ty kinh doanh hàng công nghệ) đi quanh ba vòng nơi cô gái tên là Như (một công ty kinh doanh vàng bạc) đang ngồi. Ông yêu cầu Linh hãy khen điều gì mà Như mong muốn được khen nhất mà chưa có ai khen bao giờ. Linh nói: “Như có đôi mắt đẹp, sống mũi cao và đôi mắt biết cười”. Ông Tiến nói rằng, bài kiểm tra này đã thực hiện nhiều nơi, nhưng ai cũng khen đối tượng ở những điểm mà đối tượng có thể quan sát được để biết đâu là khen thật, đâu là khen nịnh! Theo ông Tiến, Linh nên khen Như có gáy đẹp, vì cô gái này không bao giờ nhìn được gáy của mình, nên dễ dàng tin vào nhận xét của người khác!

“Một nhân viên bán hàng giỏi không chỉ tiếp cận với nhóm khách hàng muốn gì, chờ đợi gì, mà còn có tiếp cận với nhóm “khách hàng chưa biết muốn gì”! Còn chỉ biết giới thiệu những sản phẩm mới, dịch vụ mới, cho dù bán được nhiều hàng, cũng chỉ là những nhân viên hạng… tập sự.

Hiểu được nhu cầu tiềm ẩn

“Muốn là một nhân viên tiếp thị giỏi trong thời buổi này, nhân viên đó phải có nhiều thông tin về khách hàng, từ những thông tin công khai cho đến những thông tin chỉ hạn chế trong những nhóm nhỏ trên mạng xã hội. Khách hàng hôm nay khác với khách hàng ngày xưa về cách mua sắm, nhưng thói quen và nhu cầu mua sắm không hề khác”, ông Tiến mở đầu câu chuyện về nhân viên tiếp thị và bán hàng vào thời điểm này.

“Nếu một nhân viên bán hàng biết khách hàng cũ đã từng xài MacBook, iPhone…, khi Apple tung ra sản phẩm mới, nhân viên đó phải nhớ đến những khách hàng trên để gởi thông tin mới nhất, nhanh nhất. Những ai đã từng sử dụng Facebook, Viber, chơi game, bán hàng trên online…, nếu là một người kinh doanh giỏi thời nay, không thể bỏ qua lượng khách hàng này để tiếp thị sản phẩm”, ông Tiến nói tiếp.

Khai thác trên nền tảng số

Nhưng để tạo điều kiện cho đội ngũ tiếp thị và bán hàng đạt “chuẩn 4.0”, ông chủ doanh nghiệp phải nhận thức những xu hướng mới của thời đại. “Hôm nay, điều gì thay đổi tiếp thị và bán hàng? Đó là big data, AI (trí tuệ nhân tạo)… Khoảng giữa của sản phẩm, dịch vụ và khách hàng hiện nay phải là nền tảng số. Có khách hàng digital, phải có nhân viên tiếp thị và bán hàng digital”, ông Tiến cứ nhắc lại đi nhắc lại.

Ông Tiến nhận định: Ai nắm được data, người đó “thống trị thế giới”. Ông cho biết, để có được nhận định trên, đã “biên tập” nhận xét của Tổng thống Nga Putin: “Ai nắm được AI (trí tuệ nhân tạo), người đó thống trị thế giới”. Một khách hàng phải được thiết kế một phiên bản số trên nền tảng big data ở trạng thái mở. Doanh nghiệp nào có lượng big data lớn, doanh nghiệp đó sẽ có nhiều khách hàng, cho dù họ hoạt động trên nền tảng nào, từ Gmail, Yahoo, YouTube, cho đến Viber, Zalo…

“Những công nghệ kỹ thuật số sẽ thay đổi tiếp thị và bán hàng hôm nay”, ông Tiến đưa ra lời khuyên để kết thúc buổi nói chuyện.

Vĩ thanh

Xã hội “thời 4.0” sẽ rất khác với xã hội “ngày xưa” cách đây chừng chục năm, nhưng tiếp thị và bán hàng, cốt lõi vẫn là câu chuyện giữa con người và con người. Có công cụ hiện đại đến cỡ nào, nhưng giá trị cao nhất đem lại thành công hay thất bại của một sản phẩm hoặc chiến dịch bán hàng, vẫn là con người. Steve Jobs đã đánh giá cao về năng lực của con người trong việc tiếp cận với con người. Theo thiên tài này, dù robot có trí tuệ nhân tạo cấp độ mấy vẫn không thể thay thế con người, vì chính con người tạo ra những giá trị này cho thế giới!

Còn theo ông Hoàng Nam Tiến, nhân viên tiếp thị, bán hàng hiện nay được trang bị đầy đủ về kiến thức bán hàng hiện đại 4.0, có chatbox, voicebox… hỗ trợ, nhưng quan trọng hơn cả chính là cách biểu đạt thái độ với khách hàng dưới góc độ “con người với con người”. Để bán được hàng, phải bắt đầu từ nhân viên bảo vệ vốn chỉ có nhiệm vụ dắt xe cho khách. Kế tiếp là thái độ của nhân viên tiếp đón. Tiếp viên Vietnam Airlines bao giờ cũng để ngửa lòng bàn tay trái, còn bàn tay phải úp lại và nở nụ cười nhẹ nhàng theo kiểu… hàng không! Ai cũng vui vì nụ cười đó, dù biết rằng không dành cho riêng ai…

Minh Tú (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem