Nhập rùa độc: Trách nhiệm thuộc đơn vị cho nhập

Thứ tư, ngày 04/08/2010 06:29 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã bày tỏ sự bức xúc về việc cho nhập rùa tai đỏ vào Việt Nam, trong khi lãnh đạo đơn vị cho nhập lại cho rằng không cần đánh giá nguy cơ của loài sinh vật này.
Bình luận 0
 img
Đang có nhận thức khác nhau giữa các cơ quan quản lý về rùa tai đỏ.

Loài xâm hại nguy hiểm

Hôm qua, lãnh đạo đơn vị cấp phép nhập khẩu rùa tai đỏ là Vụ Nuôi trồng thuỷ sản thuộc Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) cho hay, rùa tai đỏ được nuôi phổ biến ở nhiều vùng trên thế giới. Trứng rùa, thịt rùa là loại thực phẩm cao cấp rất giàu dinh dưỡng. Một số nước điển hình là Mỹ có nhiều trang trại lớn nuôi rùa tai đỏ để xuất khẩu trứng và thịt sang châu Âu. Các nước quanh ta như Trung Quốc, Thái Lan... cũng đã nuôi loài này.

Vì sao Vụ Nuôi trồng thuỷ sản lại cấp phép cho Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ nhập loài rùa này? Trả lời NTNN, ông Dương Văn Thể - Vụ phó Vụ Nuôi trồng thuỷ sản cho biết: “Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ nhập loài rùa này với mục đích làm thực phẩm. Công ty đã xin phép và được cho nhập với yêu cầu phải có quản lý. Các cơ quan thú y, quản lý thuỷ sản, cảnh sát môi trường đã quản lý và làm đúng thủ tục”.

Trong khi đó, đánh giá việc cho nhập một lượng lớn rùa tai đỏ, GS. Lê Huy Bá - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường (Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM) cho rằng: “Đây là một hành động thể hiện sự vô trách nhiệm đối với môi trường sinh thái của đất nước. Khoa học thế giới đã xếp rùa tai đỏ là loại xâm hại nguy hiểm bậc nhất, vậy mà không hiểu lý do gì phía Bộ NN&PTNT lại cho nhập một lượng lớn rất dễ dàng”.

Một số nhà nghiên cứu, nhà khoa học cũng bức xúc và cho rằng, trước khi cấp phép các cơ quan chuyên môn phải nghiên cứu rõ đặc điểm của loài, lợi hại như thế nào, và phải được sự đồng ý của Bộ Tài nguyên và Môi trường rồi mới được nhập để tránh những hậu quả như ốc bươu vàng, cá chép, cá trê phi... gây ra.

Tuy nhiên quan điểm của Vụ Nuôi trồng thuỷ sản - đơn vị cấp phép lại đi ngược lại. Theo lãnh đạo đơn vị này, không cần thiết phải đưa ra những nghiên cứu tìm hiểu rõ về những tác hại của loài sinh vật này vì ở Việt Nam, rùa tai đỏ đã có mặt khoảng gần 20 năm và cũng đã thoát ra môi trường sông hồ tự nhiên từ lâu nay nhưng chưa thấy có phản ánh nào về sự ảnh hưởng xấu tới đa dạng sinh học, lan truyền dịch bệnh hay tác hại của nó. Do không thấy có sự bức thiết nên cũng không cần phải có đề tài nghiên cứu đánh giá tác động của rùa tai đỏ (!).

Xem xét trách nhiệm đơn vị cho nhập

Nói về trách nhiệm nhập rùa tai đỏ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định: “Đây là vấn đề quan trọng, Bộ đã giao cho Tổng cục Thuỷ sản đi kiểm tra xem xét để kịp thời đưa ra hình thức xử lý phù hợp”.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia sinh học, rùa tai đỏ để lại tác hại nghiêm trọng đối với môi trường sinh thái. Trong "Đề án ngăn ngừa và kiểm soát các sinh vật ngoại lai xâm lấn ở Việt Nam đến năm 2020" của Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã liệt kê đến "rùa tai đỏ" trong danh sách "top" bắt buộc phải có sự kiểm soát.

TS. Nguyễn Đình Hoè - Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng: “Mặc dù đã được cảnh báo, nhưng từ việc nhập ốc bươu vàng, bọ dừa (theo cây cau cảnh từ Thái Lan nhập về), chuột hải ly, cá trê phi, việc không có phản ứng gì trước việc nhập giống rong nho biển, một số giống cây trồng biến đổi gen, đến cấp phép cho việc nhập rùa tai đỏ… cho thấy một số đơn vị có trách nhiệm của Bộ NN&PTNT cần xem lại trách nhiệm của mình”.

Vừa qua đoàn kiểm tra của Tổng cục Thuỷ sản đã vào Vĩnh Long thị sát nắm bắt tình hình. Ông Lê Thiết Bình - Trưởng phòng Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản (Tổng cục Thuỷ sản), thành viên đoàn kiểm tra cho hay: “Quan điểm của chúng tôi là không cho phép nhập khẩu loài động vật xâm hại môi trường này vào Việt Nam. Tuy nhiên Vụ Nuôi trồng thuỷ sản (trước là Cục Nuôi trồng thuỷ sản - Bộ NN&PTNT) đã cấp phép cho Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ nhập loài rùa này với mục đích làm thực phẩm. Trách nhiệm thuộc về đơn vị cho nhập.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem