Trao đổi với NTNN, ông Lê Thiết Cương - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT TP.Hà Nội) cho biết: Hà Nội hiện có tổng diện tích đất nông nghiệp hơn 179.000ha. Theo quy hoạch, chúng tôi sẽ tiến hành DĐĐT 157.000ha.
|
Nông dân xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) thu hoạch lúa. |
Trong những năm qua, việc DĐĐT ở Hà Nội đã có ý nghĩa như thế nào đến việc sản xuất nông nghiệp của người dân?
- Khi chưa DĐĐT, nhiều hộ có tới 4-5 ô ruộng, nằm rải rác ở nhiều cánh đồng khác nhau, nên việc sản xuất rất vất vả. Thậm chí, có người đi làm còn chẳng nhớ được ruộng của mình, vừa tốn công sức, vừa tăng chi phí trong sản xuất.
Hiện nay, ở một số địa bàn của Hà Nội khi tiến hành DĐĐT đã cho thấy bước đột phá rõ nét trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM. Như ở Sóc Sơn, sau khi DĐĐT đã tạo thuận lợi để người dân tiến hành mua máy cày, máy cấy, máy gặp đập liên hợp… giúp giảm chi phí và công sức, nâng cao năng suất và thu nhập cho người dân.
Mặt khác, việc dồn thành ô thửa lớn góp phần đẩy mạnh xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thuận lợi hơn.
DĐĐT là một công việc rất khó khăn, từ thành công ở huyện Sóc Sơn và một số địa phương khác, ông có thể cho biết Hà Nội đã có những kinh nghiệm như thế nào để hoàn thành công việc này?
- Thực tế, ở một số địa phương, có những hộ trước đây đất của họ thường đo thừa diện tích, nên mới tính toán, khi chia lại sẽ bị thiệt và cố tình không tham gia DĐĐT. Mặt khác, ở một số nơi sau khi tiến hành DĐĐT xong, lại không hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi và giao thông nội đồng nên dẫn tới sự tị nạnh kiểu ruộng thấp, ruộng cao…Thậm chí, có nơi họp tới 29 lần mà không thống nhất được.
Trường hợp xã Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức), trong suốt 8 năm trời (1997-2005) vận động, tuyên truyền DĐĐT, vẫn không làm được. Tuy nhiên, sau khi triển khai xây dựng NTM, chúng tôi đã tập huấn cho cán bộ các xã, họ về tổ chức họp dân và phổ biến, sau đó chỉ có 3 tháng nhiều xã đã làm xong. Từ những thành công của các xã làm được, nhiều nơi khác thấy hiệu quả, người dân còn thống nhất kiến nghị chính quyền địa phương cho phép DĐĐT.
Với những diện tích dôi ra sau khi DĐĐT, Hà Nội sẽ sử dụng quỹ đất đó như thế nào, thưa ông?
- Trước đây, khi chia ruộng đất thường đo bằng tay, có khi đo bằng cả đòn gánh, nhưng giờ đo bằng máy, nên có độ chính xác cao và rất khách quan. Thực tế, vừa qua khi đo lại bằng máy, diện tích đất dôi ra của nhiều xã rất lớn như xã Tân Dân (Sóc Sơn) dôi ra hơn 80ha, xã Đại Thắng (Phú Xuyên) dôi ra hơn 40ha; xã Hợp Thanh (Mỹ Đức) cũng dôi ra mấy chục ha.
Đối với quỹ đất dôi ra, các xã đã đưa vào quỹ đất công để quy hoạch bờ vùng, bờ thửa, mương máng nội đồng, xây dựng công trình phúc lợi như trạm y tế, nhà văn hoá, sân thể thao… mà không phải giải phóng mặt bằng nên giảm được chi phí.
Thậm chí, có những xã đã quy hoạch xong vẫn có đất kẹp nên có điều kiện quy hoạch khu dân cư mới, qua đó có nguồn thu để đưa vào đầu tư xây dựng NTM, giảm bớt phần đóng góp của người dân mà vẫn đúng với chủ trương chính sách của Nhà nước.
Theo ông Lê Thiết Cương, DĐĐT đã tác động đến tất cả các tiêu chí về xây dựng NTM, như dễ dàng thực hiện khâu quy hoạch hơn, việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi thuận lợi hơn...
DĐĐT là một bước quan trọng để tiến tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, sau khi hoàn thành chương trình này, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng các vùng sản xuất ra sao?
-Hiện nay, chúng tôi đã hoàn thiện Đề án “Quy hoạch nông nghiệp và chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp” chung của thành phố. Cả 2 chính sách này đã được các sở, ban, ngành và thường trực UBND TP.Hà Nội nhất trí, dự kiến đến tháng 4 tới đây, HĐND thành phố sẽ thông qua. Đó được coi là cơ sở pháp lý cho các xã triển khai thuận tiện hơn, góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới sớm về đích.
Ngoài ra, sau khi quy hoạch cũng sẽ có chính sách cụ thể để hỗ trợ các xã thực hiện DĐĐT. Theo tính toán các chi phí như hội thảo, tập huấn, đo đạc, làm lại bản đồ và cấp lại quyền sử dụng đất… sẽ có mức hỗ trợ trung bình 2 triệu đồng/ha.
Hân Xuân (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.