Nhiều nhà đầu tư tại TP.HCM chờ cơ hội săn nhà "ngộp"
Nhiều nhà đầu tư tại TP.HCM chờ cơ hội săn nhà "ngộp"
Hồng Trâm
Thứ hai, ngày 14/11/2022 10:48 AM (GMT+7)
Trong khi thị trường ảm đạm, ngân hàng siết vốn vay vào bất động sản, nhiều nhà đầu tư tại TP.HCM lại đang tận dụng thời cơ, săn tìm hàng "ngộp" để đầu cơ.
Những tháng gần đây, thị trường bất động sản dường như tê liệt vì thiếu nguồn vốn, khan hiếm nguồn cung. Đặc biệt tại TP.HCM, hàng loạt các dự án "đứng hình", các công ty bất động sản, kinh doanh môi giới "nằm im" vì thanh khoản sụt giảm kỉ lục.
Theo ghi nhận của Dân Việt, nhiều nhà đầu tưđang tìm cách cắt lỗ, bán căn hộ, nhà đất… để thu hồi tiền vốn, cũng như giảm áp lực tài chính từ phía ngân hàng để vượt qua giai đoạn chững của thị trường.
Chuyên đầu tư căn hộ tại khu vực quận Thủ Đức cũ và quận 9 cũ (nay là TP.Thủ Đức), ông Huỳnh Trọng Nhân cho biết từ đầu năm 2022, mình có mua 1 căn hộ thứ cấp tại dự án Moonlight đường Đặng Văn Bi. Dự án có ưu điểm là vị trí đẹp nên ông Nhân đã chấp nhận vay thêm ngân hàng hơn 2 tỷ đồng để mua được căn hộ trên.
"Hơn 10 tháng vừa qua, không ai có thể ngờ thị trường lại diễn biến xấu đến vây. Thời điểm cuối năm rất nhiều việc phải cần tiền, lãi ngân hàng… cộng với việc không xoay được nhiều dòng vốn, nên tôi phải đành rao bán căn hộ trên. Tuy nhiên, rao bán mãi cũng không ai mua, khách hàng chê mức giá cao quá khiến tôi phải hạ giá, chấp nhận bán cắt lỗ", ông Nhân chia sẻ.
Tương tự, chị Giang Vũ Quỳnh (ngụ TP.HCM) cũng cho biết, hai năm nay chị đầu tư căn hộ tại khu vực giáp với TP.Thủ Đức, các dự án Bcons ban đầu chị mua với giá cũng hợp lý và đóng theo tiến độ, đến nay các dự án đã nhận được nhà. Nhưng rao bán từ 2 tháng nay vẫn chưa có khách mua mặc dù giá cả phải chăng.
"Theo tôi, hiện tại thị trường đang đứng và thanh khoản không có. Mặc dù dự án chất lượng và di chuyển vào trung tâm TP.HCM rất gần, nhưng thời gian này ngân hàng ít cho vay, cộng với việc tình hình kinh tế khó khăn nên ra hàng khó khăn. Tôi cũng phải bán để cắt lỗ, có nguồn tiền về còn xoay vào những chỗ đầu tư khách" chị Quỳnh cho hay.
Ông Nguyễn Quang Thanh - chuyên gia bất động sản cho rằng, các tháng cuối năm, nhiều nhà đầu tư buộc phải cắt lỗ, bán gấp bất động sản do tác động bất lợi của thị trường và lãi suất, nhất là ở phân khúc đất nền.
"Chúng ta nhìn bức tranh chung của thị trường hiện nay chính là tính thanh khoản thấp, các giao dịch bị chậm lại, tâm lý của người mua cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Đặc biệt, từ nay đến cuối năm, thị trường thứ cấp sẽ có rất nhiều nhà đầu tư xả hàng do "ngộp" tài chính hoặc muốn phân bổ lại dòng vốn. Vì vậy, họ buộc phải giảm giá 15 – 20%, thậm chí hơn" ông Thanh nhận định.
Những năm qua, vào dịp cuối năm thị trường đều có hiện tượng cắt lỗ, xả hàng ngộp vì khi này lãi suất còn hấp dẫn, nhiều nhà đầu có thể sử dụng đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm 2022, hiện tượng nhà đầu tư bán cắt lỗ vì đã diễn ra ồ ạt hơn. Nguyên nhân là do chính sách thắt chặt tài chính đã khiến nhà đầu tư đuối vốn, không gồng lãi được.
Một số chuyên gia nhận định việc nhiều nhà đầu tư cắt lỗ cũng không khiến cho thị trường bất động sản tốt hơn. Thị trường thứ cấp lúc đó có thể xuất hiện những làn sóng dịch chuyển vốn, tái cấu trúc vốn đáng kể của giới đầu tư địa ốc.
Một bộ phận nhà đầu tư chờ săn hàng "ngộp"
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá, hiện khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp và nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp bất động sản phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động do "tắc" nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu và nguồn vốn huy động từ khách hàng.
Cho nên, một số doanh nghiệp bất động sản "đói vốn" phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, hoặc phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu, thậm chí đến 30- 40% giá hợp đồng.
Theo các chuyên gia, khi thị trường điều chỉnh và nhiều người có nhu cầu bán tài sản thì những người nắm giữ nhiều tiền mặt sẽ làm chủ thị trường. Người giữ tiền mặt có cơ hội ép giá đối với những tài sản cần bán gấp, mức giá có thể đàm phán giảm trong ngưỡng 20 – 30%.
Thời điểm này, thị trường bất động sản xuất hiện ngày càng rõ cực thái: nhà đầu tư "vốn mỏng" phải bán lỗ, mong sớm "thoát hàng" nhưng khó tìm được đầu ra. Còn nhà đầu tư "mạnh về gạo, bạo về tiền" lại tích cực săn lùng, thu gom những "món hời" này.
Chia sẻ kinh nghiệm săn hàng "ngộp", chị Phạm Thuỳ Linh (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết mình từng làm truyền thông cho các công ty bất động sản, nên hiểu việc cuối năm hoặc khi thị trường đứng thì các nhà đầu tư buộc phải thoát hàng, thu nguồn tiền. Nắm bắt được tâm lý này, chị Linh và một vài người bạn cùng hùn vốn với nhau, tìm mua các sản phẩm ngộp. Chủ yếu là mua đất nền, có sổ sách, giá cả lại thấp, chỉ cần một thời gian là có thể tăng giá rồi bán".
Ông Lê Tứ - Giám đốc một môi giới bất động sản tại TP.HCM cho rằng thị trường bất động sản đang trong kẹt vòng xoáy tín dụng, nhà đầu tư thường hướng về dòng vốn trung – dài hạn. Khi tín dụng bị co lại, tâm lý nhà đầu tư sẽ chi "tiền tươi thóc thật" nhiều hơn sử dụng các đòn bẩy. Đây chính là cơ hội cho những người đang có sẵn 1 lượng tiền mặt nhất định"
Cũng theo ông Tứ, vào thời điểm thị trường bất động sản khó khăn, những người môi giới, những người có tiềm lực tài chính họ thường chuẩn bị tâm lý để "săn" những bất động sản bán ra vì "ngộp".
"Đa phần những khu đất nền, căn hộ mà bán rao bán với giá thấp hơn thị trường, hoặc chiết khấu, hoặc bao thuế… thường là những nhà đầu tư đang cần thu hồi vốn. Thậm chí họ chịu cắt lỗ từ 20 - 30% chỉ để thu được dòng tiền. Vì bán được hàng, cầm được tiền trong tay mới có thể xoay xở ở đầu khác. Chính vì vậy, nhiều người luôn trong tâm thế chuẩn bị sẵn tiền để mua sản phẩm bất động sản này", vị giám đốc nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.