Nhiều vụ đặt chất nổ để trả thù, giết người: Chế tài nhẹ, kẻ xấu càng liều

Minh Phong Thứ năm, ngày 16/11/2017 13:30 PM (GMT+7)
Vụ nổ tại phường Chùa Hang, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên sáng 13.11 một lần nữa cho thấy sự nguy hiểm và manh động của các đối tượng sử dụng mìn tấn công người khác. Tình trạng này có dấu hiệu gia tăng trong thời gian qua, vì sao?
Bình luận 0

Dùng mìn giải quyết mâu thuẫn

Ngày 14.11, thông tin từ Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết có dấu hiệu thuốc nổ ở hiện trường vụ việc xảy ra tại phường Chùa Hang, TP.Thái Nguyên, làm một người chết tại chỗ, một người bị thương. Trước đó, người nhà và các nhân chứng vụ việc cũng cho rằng vụ nổ xảy ra là do có đối tượng đặt mìn trước cửa nhà nạn nhân.

Các vụ đặt mìn, thuốc nổ “dằn mặt” hay có chủ đích tấn công nạn nhân ngày càng có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp. Những vụ nổ này nếu may mắn chưa ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân cũng gây tâm lý hoang mang, lo sợ rất lớn. Cũng tại Thái Nguyên, đầu năm 2012, có 2 đối tượng đã bị bắt và xét xử với các tội danh như trên sau khi đặt thuốc nổ làm rung chuyển nhà riêng của Giám đốc Công an tỉnh. Rất may, trong vụ việc này không có thương vong nào.

img

Hiện trường nhà số 49, khu vực tổ 8, phường Chùa Hang, TP.Thái Nguyên sau vụ nổ sáng 13.11. Ảnh: Tư liệu

Tháng 9.2015, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự “giết người”, “huỷ hoại tài sản”, “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” xảy ra tại nhà số 23, ngách 64, ngõ Thông Phong, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa.

Theo điều tra, do mâu thuẫn thù tức, đối tượng đã dùng thuốc nổ làm mìn tự tạo đặt vào bên trong cửa nhà ông Phạm Gia Hải (SN 1972), ở số nhà 23, ngách 46, ngõ Thông Phong, gây nổ. Mìn tự tạo được gài phía bên trong cửa nhà nên khi phát nổ, sức ép đã đẩy bật tung cánh cửa sắt ra phía ngoài đường và phá tan hoàn toàn tầng 1 của căn nhà. Nhận định của cơ quan công an cho thấy đây là một vụ trả thù có tính chất và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Các đối tượng gây án đã tính toán thời điểm gây nổ là khi gia đình ông Phạm Gia Hải quây quần ăn tối. Hậu quả vụ nổ làm chị Phạm Thị Phương (SN 1977, em gái ông Phạm Gia Hải) đang ở trong nhà lúc vụ nổ xảy ra, bị thương. Ông Nguyễn Đồng Đảng (SN 1956, ở ngách 25, ngõ Thông Phong), người đi qua nhà ông Hải đúng lúc vụ nổ xảy ra nên bị sức ép của vụ nổ hất văng lên bụi tre trước cửa nhà ông Hải dẫn đến tử vong.

img

  Đối tượng đặt thuốc nổ trước cổng nhà Giám đốc Công an Khánh Hòa ngày 30.7.2012. Ảnh: Internet

Ngay trong năm 2017, cũng đã có những vụ việc đặt mìn, thuốc nổ để trả thù gây chấn động dư luận địa phương. Như rạng sáng ngày 30.6, một vụ nổ xảy ra tại phường 5 TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đã khiến một người bị thương. Đây là nhà ở và trụ sở làm việc của Doanh nghiệp vận tải hàng hóa Trường Tín do ông Đặng Đức Hói (sinh năm 1964) làm chủ. Kết quả khám nghiệm hiện trường của cơ quan điều tra cho thấy đây là vụ dùng vật nổ tự tạo chứa thuốc nổ công nghiệp, có chứa vật kim loại như đinh, kích nổ bằng kíp điện. Vật gây nổ đặt ở giữa cửa, nối hai đầu dây kẽm vào hai bên cửa sắt, khi kéo cửa ra sẽ kích nổ.

Vào sáng 10.10 vừa qua, tại nhà số 127/9 đường Hoàng Văn Thụ, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng cũng xảy ra một vụ nổ do các đối tượng dùng mìn. Theo điều tra của công an, đối tượng dùng một đoạn dây điện dài hơn 10m từ ngoài hẻm 127 nối vào vị trí mìn phát nổ dùng để kích hoạt nổ. Theo Công an huyện Đức Trọng, chủ nhân của căn nhà đang nợ tiền của nhiều người chưa trả được, nên bỏ nhà đi đâu không rõ. Thời điểm xảy ra vụ nổ, trong nhà không có người nên không gây thiệt hại về người.

Còn sơ hở trong luật

Cho dù các đối tượng đặt mìn, thuốc nổ chưa gây ra thương vong nhưng các cơ quan chức năng cần xem xét hành vi theo hướng Đe dọa giết người. Bởi phương tiện, công cụ các đối tượng sử dụng có tính sát thương cao, có thể gây chết nhiều người”.
Luật sư Trần Tuấn Anh 

Theo nhận định của luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, các vụ việc đặt mìn, thuốc nổ tấn công người khác có xu hướng xảy ra nhiều có phần do việc quản lý vật liệu nổ chưa được chặt chẽ. Người ta có thể lên mạng xã hội để tìm thông tin mua bán kíp nổ, thuốc pháo phục vụ cho ý đồ xấu.

Một ví dụ đau lòng nữa của việc mua bán, vận chuyển thuốc nổ khá dễ dàng là vụ nổ xe khách trên Quốc lộ 18 đoạn qua tỉnh Bắc Ninh. Công an đã xác định dấu hiệu thuốc nổ trên chiếc xe khách bị phát nổ vào đêm 21.2 khiến 2 người chết, 12 người bị thương. Đến nay, vẫn chưa rõ ai và làm như thế nào người ta có thể đưa được thuốc nổ lên xe.

Bên cạnh đó, luật sư Tuấn Anh cũng cho rằng trong một số vụ việc, các đối tượng đặt mìn, thuốc nổ chỉ sử dụng phương tiện trên để đe dọa nạn nhân, chưa xảy ra thương vong nên chỉ bị xét xử về hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ hay hủy hoại tài sản.

“Trong khi đó, sau khi vụ nổ xảy ra, dù không có nạn nhân bị thương vong cũng mang tính chất đe dọa rất lớn đến những người xung quanh. Loại phương tiện, công cụ các đối tượng sử dụng có tính sát thương cao, phương thức có thể gây chết nhiều người, phạm vi ảnh hưởng lớn và tính chất đe dọa gây hoang mang cho nhiều người. Những điều này thường chưa được chú ý khi xem xét mức hình phạt của các đối tượng” – luật sư Tuấn Anh cho biết.

Theo Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch tính chất răn đe với các đối tượng sử dụng mìn, vật liệu nổ trái phép chưa cao. Để tăng tính răn đe, ông Tuấn Anh cho rằng cần phải xử lý các đối tượng theo hành vi giết người hoặc đe dọa giết người.

“Còn nếu xử phạt theo hành vi buôn bán, sử dụng, tàng trữ trái phép vật liệu nổ hình phạt nhẹ hơn rất nhiều. Đây là hạn chế pháp lý cần được khắc phục” – luật sư Tuấn Anh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem