Nhìn lại ba lần Thủ tướng đối thoại với nông dân

K.Nguyên Thứ sáu, ngày 28/01/2022 11:25 AM (GMT+7)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng ý việc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022.
Bình luận 0

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng ý việc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022.

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân là hoạt động thường niên do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì (Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt là đơn vị tổ chức thực hiện). 

Đến nay, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân đã qua 3 lần tổ chức vào các năm 2018, 2019, 2020.

Tại Hội nghị, đại diện nông dân trên khắp cả nước trực tiếp đặt những câu hỏi đến người đứng đầu Chính phủ và sẽ được Thủ tướng, đại diện các bộ, ngành giải đáp các kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng ngay tại cuộc đối thoại.

Nhìn lại ba lần Thủ tướng đối thoại với nông dân - Ảnh 1.

Năm 2018, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần đầu tiên được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức tại Hải Dương. Thời điểm đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đã trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành gỡ khó nhiều kiến nghị của nông dân. Ảnh: D.V

 Thủ tướng đối thoại với nông dân lần đầu tiên tại Hải Dương để trả lời những câu hỏi "nóng" 

Năm 2018, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần đầu tiên được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức tại Hải Dương. 

Tại Hội nghị lần đầu tiên được tổ chức, người đứng đầu Chính phủ (thời điểm đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nay là Chủ tịch nước) nêu rõ, điều quan trọng nhất của cuộc đối thoại là tháo gỡ trực tiếp những vấn đề khó khăn cho nông dân. Thủ tướng cho rằng còn nhiều vấn đề đặt ra trong ngành nông nghiệp như thị trường, vốn và đất đai, công nghệ, đầu vào cho nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới...

Thời điểm đó, vấn đề dư thừa, ùn ứ nông sản cũng đã được nông dân đặt câu hỏi, Thủ tướng cho rằng nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành quả lớn, tuy nhiên ở một số thời điểm, một số nơi vẫn xuất hiện tình trạng được mùa mất giá nông sản và chúng ta phải tìm cách khắc phục.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu “không phải chỉ sản xuất cái đã có mà phải sản xuất cái thị trường cần” và cho rằng, hàng triệu hộ dân mà tự sản, tự tiêu, tự tìm thị trường thì khó, cho nên, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã cùng tham gia với bà con là rất quan trọng. 

Thủ tướng cũng nêu rõ tầm nhìn xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài.

Bên cạnh đó, cần tập trung quyết liệt triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển chế biến sâu, sản phẩm mới, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm.

Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển doanh nghiệp ở khu vực nông thôn. Tăng cường liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.

Nhấn mạnh việc giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tối đa tình trạng bị động, dư thừa sản phẩm, phải giải cứu như thời gian qua, Thủ tướng cho rằng, trong quá trình tổ chức sản xuất, ngay người nông dân “phải đặt vấn đề tiêu thụ ở đâu, tiêu thụ bao nhiêu, chất lượng thế nào, bao bì, mẫu mã làm sao?”.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm sâu sắc hơn nữa đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhìn lại ba lần Thủ tướng đối thoại với nông dân - Ảnh 2.

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 2 được tổ chức ngày 10/12/2019 tại TP.Cần Thơ. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi đó làm Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp giải đáp nhiều câu hỏi của nông dân cùng đại diện các bộ, ngành. Ảnh: VGP.

Năm 2019, Thủ tướng đối thoại với nông dân tại Cần Thơ, tìm câu trả lời cho phát triển bền vững ngành nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 2 được tổ chức ngày 10/12/2019 tại TP.Cần Thơ, tại đây nhiều vấn đề được nông dân đưa ra “chất vấn” người đứng đầu Chính phủ, nhưng trong đó nóng nhất là vấn đề chế biến và tiêu thụ nông sản.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi đó làm Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp giải đáp nhiều câu hỏi của nông dân cùng đại diện các bộ, ngành.

Theo Thủ tướng, tại hội nghị này, không chỉ có Thủ tướng và các bộ, các cơ quan liên quan sản xuất tiêu thụ đều phải chủ động. Hiện nay, chưa kể biến đổi khí hậu đang diễn ra rất nặng nề, nhất là ở 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, những giải pháp nào có thể phát huy lợi thế của bà con nông dân, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long

“Không có khoa học công nghệ, đổi mới giống chịu hạn, chịu mặn, không thay đổi cơ cấu mùa vụ thì làm sao giúp bà con nông dân tháo gỡ khó khăn. Nhà nước quan tâm rồi, nhưng người nông dân phải tự đổi mới. Người nông dân Việt Nam phải đổi mới trong thời kỳ đổi mới đất nước. HTX phải liên kết kết để chiến đấu trên thị trường; người nông dân phải tự đổi mới trong tình hình đất nước, thị trường thay đổi. Tính chủ động của bà con rất quan trọng, phải chủ động hơn nữa, người nông dân phải tự tái cơ cấu ở từng nơi, từng xã. Trên tình thần cởi mở, thẳng thắn đó, chúng tôi mong muốn nghe những ý kiến sâu sát, thiết thực của nông dân, các bộ phải trả lời thẳng thắn cho nông dân, để đạt kết quả tốt nhất”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhìn lại ba lần Thủ tướng đối thoại với nông dân - Ảnh 3.

Sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân tại TP.Cần Thơ năm 2019, Thủ tướng Chính phủ cũng có kết luận, giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành giải đáp, tháo gỡ từng kiến nghị của nông dân. Ảnh: D.V

Sau Hội nghị này, Thủ tướng cũng có kết luận, giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành giải đáp, tháo gỡ từng kiến nghị của nông dân.

Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ NNPTNT phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thương mại, thị trường nông sản; kế hoạch, chương trình xúc tiến thương mại; chương trình thương hiệu quốc gia về nông, lâm, thủy sản và muối.

Chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện các hoạt động phân tích, dự báo thị trường, xúc tiến thương mại và các hoạt động liên quan đến chương trình thương hiệu quốc gia về nông, lâm, thủy sản và muối thuộc phạm vi quản lý của bộ.

Rà roát danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ theo quy định của pháp luật.

Phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại và các biện pháp tự vệ đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài, hàng nông sản nhập khẩu của nước ngoài vào Việt Nam.

Phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đưa các thông tin về giá cả nông sản hàng ngày, các dự báo, tính toán ngắn hạn và dài hạn đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm chủ lực đến các hội viên nông dân trên tờ báo điện tử chính thức của Hội Nông dân- Báo điện tử Dân Việt- danviet.vn.

Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản; mục tiêu giảm thiểu khâu trung gian trong tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân nông thôn.

Củng cố mô hình chợ đầu mối nông sản, các chợ truyền thống, hình thành các kênh phân phối bán buôn, bán lẻ phù hợp với thực tiễn; rà soát, tháo gỡ vướng mắc cơ chế chính sách nhằm tổ chức quản lý hệ thống thương lái, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ưu tiên tập trung nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Nhìn lại ba lần Thủ tướng đối thoại với nông dân - Ảnh 4.

Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 năm 2020 tại Đăk Lăk, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) mong muốn hình thành một tầng lớp nông dân mới. Ảnh: D.V

Thủ tướng đối thoại với nông dân để mong hình thành tầng lớp nông dân mới

Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 năm 2020 tại Đăk Lăk, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) mong muốn hình thành một tầng lớp nông dân mới, hiểu biết về thị trường, quy luật thị trường, để biết cách sản xuất. 

"Sản xuất nông nghiệp phải thắng ngay từ khi gieo hạt. Nhà nước sẽ hỗ trợ tốt hơn nữa cho nông nghiệp, nông dân, nhưng tự lực, tự cường đối với nông dân rất cần thiết, nhất là nông dân trẻ, phải tự vươn lên để làm giàu", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nói rằng một trong những yếu tố quyết định chính là khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh của ngành nông nghiệp thời 4.0 để nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo Thủ tướng, học tập chính là cửa vào tự do hạnh phúc của người dân.

"Vì vậy, bà con nên dành dụm tạo điều kiện cho con cháu chúng ta học hành đến nơi đến chốn. Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa đến y tế, giáo dục, các vấn đề xã hội. Nhà nước nâng tỉ lệ đầu tư cho giáo dục, để miền Trung - Tây Nguyên không phải là vùng trũng, mà là vùng phát triển ngang bằng các vùng khác" - Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng cũng nói còn nhiều trăn trở mà Chính phủ, các bộ ngành qua đối thoại lần này cần quan tâm xử lý, tạo điều kiện cho nông dân nâng cao thu nhập, phát triển sản xuất, làm giàu. Về vốn, cần giảm, hoãn cho những hộ nông dân khi thiên tai, bệnh tật xảy ra để bà con có cách giải quyết và chính sách tín dụng phải đẩy mạnh.

Trong thời hội nhập, cần có thông tin thị trường để bà con yên tâm đầu tư có định hướng, nhất là những nước, khu vực mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an và công an các địa phương xử lý kiên quyết nạn phân bón giả, giống kém chất lượng; nạn tín dụng đen. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem