Nhịp trống mùa Xuân Tây Bắc

Thứ hai, ngày 10/02/2014 07:44 AM (GMT+7)
Với hơn 30 dân tộc anh em chung sống, vùng cao Tây Bắc vào Xuân với những nét riêng đầy quyến rũ.
Bình luận 0
Khi cái nắng hanh vàng nhàn nhạt cùng những lớp sương trắng mỏng tang đan xen với gió heo may đùa giỡn trên những dãy núi bao la, thúc giục hoa đào bung cánh, hoa ban trỗi mầm..., cũng là lúc nhà nông vùng Tây Bắc tạm thu xếp dụng cụ lao động để bước vào một kỳ nghỉ tết. Không khí đón xuân ngập tràn khắp các bản làng... !

Tấp nập đón tết

Đến với các bản đồng bào Mông vùng Mộc Châu (Sơn La) ngày này, thoảng nghe trong gió rậm rịch những nhịp chày đôi của tục giã bánh giầy, tiếng khèn bè réo rắt trên sườn núi. Ông Giàng A Pàng, dân tộc Mông ở bản Săn Cài, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ (Sơn La) bảo: “Ngày xưa, thấy tết đến là lo lắm.

Bởi người Mông ăn tết rất dài ngày (từ tết dương lịch qua tết âm lịch) nên ai cũng lo lấy cái gì mà ăn, lấy cái gì mà chơi? Quần áo đẹp ở đâu mà mặc ? Nhà nghèo lấy đâu ra tết lợn, tết gà ?... “. Vì thế, với ông Pàng tết đến thêm buồn. Người nghèo muốn tránh xa làng bản vào dịp tết, tìm đến khói thuốc phiện là để quên lãng, tránh xa cái nỗi cơ cực, cái tủi hổ nghèo khó của mình.

Tiếng trống khai xuân của một năm mới…
Tiếng trống khai xuân của một năm mới…

Còn bây giờ tết đến vui lắm. Người nghèo tết đến có Nhà nước lo cho, có cộng đồng hỗ trợ, bản nào cũng có nhà văn hoá bản, có loa đài, sân bóng, điểm vui chơi. Người Mông thì đẩy gậy, kéo co; người Thái, người Mường, người Khơ Mú, Sinh Mun thì ném còn, chơi tó măklẹ... “Nhà tôi cũng đã cho cái cuốc, cái xẻng nghỉ tết từ mấy hôm nay rồi, bởi theo phong tục đồng bào Mông, tết đến những dụng cụ lao động cũng được nghỉ tết, được rửa sạch và dán một mảnh giấy rồi dựng bên góc nhà”- ông Phàng nói

Bên căn nhà sàn trước bản Hua Nong, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La), chị Lò Thị Thanh đang lúi húi trải những tấm chăn, đệm, gối thổ cẩm rực rỡ sắc màu ra phơi. Chị bảo: “Nắng xuân ở vùng cao hiếm lắm nên phải tranh thủ phơi đồ đón tết.

Tết của người Thái, Mường, Sinh Mun chúng tôi trùng với tết âm lịch của người Kinh nên rất vui. Bây giờ không rượu chè dai dẳng ngày này sang ngày khác như xưa nữa, nhưng bản làng nào cũng tổ chức những trò chơi dân gian, vui xuân tập thể, giao lưu văn hoá xã, bản nên không khí tấp nập lắm”.

Rộn ràng tiếng trống vui xuân

Trong không khí tấp nập của ngày tết, chào đón mùa xuân Tây Bắc, cùng với những âm thanh đặc trưng trong văn hoá lễ hội của đồng bào các dân tộc vùng cao, với tiếng khèn bè réo rắt của người Mông, tiếng pí pặp, phí thao đong đưa của người Thái, tiếng đàn tính tẩu tưng tửng mà sâu lắng của bà con Khơ Mú, Sinh Mun, khúc đang quyến luyến tình người của đồng bào Mường... thì nhịp trống lễ hội là âm thanh sôi động nhất. Ai đã từng dự một cái tết ở vùng cao thì tiếng trống vui xuân sẽ đi theo suốt cuộc đời.

Giữa mênh mông đất trời Tây Bắc, tiếng trống vang lên đập vào vách núi, lan toả trong những cánh rừng, nhắc nhở người đang đi xa, thúc giục những người ở gần hãy nhanh chân về vui xuân với bản.

Chẳng biết tự bao giờ, đồng bào vùng cao đưa trống vào sử dụng trong văn hoá lễ hội nhưng cứ tầm 25-28 tháng Chạp là khắp các bản, làng vùng cao, trống được đưa ra nhà văn hoá (trước đây là nhà già bản, trưởng bản) và được già bản khai trống đón xuân.

Kể từ sau phát khai trống của già bản, tiếng trống hầu như không ngừng nghỉ trong suốt dịp tết. Tùng. Tùng. Tùng. Tùng... nhịp trống 4 tiếng một như mời gọi, thúc giục vang lên, dội khắp không gian như thông điệp vào xuân của Tây Bắc.

Anh Lù Văn Xuân, dân bản Panh, xã Chiềng Xôm (TP.Sơn La) bảo: “Tôi đã gần 50 tuổi rồi nhưng cứ nghe tiếng trống vui xuân là dù đang cầm chén rượu hay đang nằm trong chăn ấm cũng phải nhổm dậy ra ngoài tìm đến hội xuân”. Ở nơi có tiếng trống là nơi vui nhất của bản làng, có văn nghệ, ném còn, đẩy gậy, hát giao duyên, bắn nỏ, uống rượu cần tập thể...

Bây giờ, trong cuộc sống hiện đại, khó để thấy được những chàng trai Mông cưỡi ngựa thổi khèn bè gọi bạn như trước đây, nhưng hình ảnh vui xuân cộng đồng cùng nhịp trống là một nét đẹp lưu giữ nhiều năm của bà con các dân tộc vùng Tây Bắc. Sau nhiều trò vui, cuối cùng của mỗi ngày sẽ kết thúc bởi những vòng xoò hừng hực chất sống... Đấy là lúc nhịp trống vui xuân cất lên giòn giã nhất, nhanh nhất, cuốn hút nhất.

Những bàn chân trần với bắp chân căng tròn tràn sức sống của người vùng cao đam mê nhảy nhót quanh ngọn lửa hồng theo nhịp trống khua mỗi lúc một thêm dồn dập. Không kể già, trẻ, gái trai, người trong bản hay khách lạ đã đến vui xuân với bản là được mời vào tham dự vòng xoè. Vòng xoè ấy, nhịp trống ấy có thể nghỉ vào 12 giờ đêm nhưng cũng có thể chỉ chịu ngưng khi đã 3-4 giờ sáng để rồi một sớm mai, tiếng trống ấy lại vang lên, gọi mời, giục giã... !
Minh Ngọc (Minh Ngọc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem