Nhớ món cơm cháy chà bông!

Ba Cần Thơ Thứ bảy, ngày 02/05/2015 14:28 PM (GMT+7)
Ngày xưa, dụng cụ bếp núc của người dân ĐBSCL là cái cà ràng, và nấu cơm bằng nồi đất nung. Đối với nhà khá giả, nồi nấu cơm thường là nồi đồng hay nồi nhôm. Còn chất đốt, đa phần là củi (những phế phẩm từ cây cối trong vườn). Vì dùng củi để nấu, nên việc điều chỉnh củi lửa rất khó và nồi cơm nào khi nấu xong cũng có phần cháy dưới đáy nồi.
Bình luận 0

Cháy cơm là phần gạo sau khi đã đun gần chín, bị "quá lửa" nên khô cứng, màu vàng, có mùi thơm hơi khét. Những người già răng yếu không thích, nhưng đối với tuổi thơ chúng tôi, cháy cơm là món ăn khó quên!.

Mỗi khi bữa ăn gần xong, má tôi thường dùng đũa bếp nạy giề cơm cháy dưới đáy nồi lên, gọi vui là món tráng miệng. Thế là, anh em chúng tôi liền tranh nhau những miếng cơm cháy giòn, thơm để ăn với đường thẻ (loại đường mía có màu vàng sậm, được đổ vào khuôn hình chữ nhật) như một món “quà vặt”, thật ngon lành!..

img
Cơm cháy chà bông đã chiên xong. (Ảnh: BCT)

Những kỷ niệm ấu thơ tưởng chừng như rơi vào quên lãng, vì ở thành phố ngày nay, người ta dùng bếp gas thay củi, và nấu cơm bằng nồi điện. Do vậy, miếng cơm cháy hầu như hiếm gặp. Nhưng một hôm, vào nhà hàng, tôi chợt nhìn thấy tấm thực đơn có món “Cơm cháy chà bông”. Ngạc nhiên, tôi thầm nghĩ phải chăng món ăn dân dã xưa, nay đã được các “nghệ nhân ẩm thực” nâng lên “tầm cao mới” len vào các nhà hàng và quán ăn sang trọng?.

Tôi gọi người phục vụ lại xin mua một hộp về ăn thử, cũng không quên tìm địa chỉ nơi sản xuất. Gia chủ vui vẻ tiếp chúng tôi và cho biết những công đoạn chế biến món này.

Nguyên liệu chính để làm món cơm cháy chà bông là nếp (làm cơm cháy gạo khi chiên rất cứng, ăn không ”phao” trong miệng!), nhưng phải kỹ trong khâu chọn lựa nếp. Nếp mua phải lựa nếp rặt, hạt dài và đều, màu trắng đục, không pha lẫn gạo và tạp chất.

Đổ nếp vào thau ngâm khoảng 6 tiếng cho nếp mềm. Sau đó, sang nếp ra rổ, gút nước vài lần cho sạch và để ráo. Bắc xửng lên bếp, cho nếp vào chưng cách thủy (như đồ xôi) cho chín. Nhớ rắc ít muối tiêu vào cho nếp có mùi thơm và hương vị đậm đà. Đổ nếp chín ra khuôn phẳng, san đều ngay lúc còn nóng, và dùng ống tròn cán thật mỏng (tránh bị rách) để phơi mau khô, chiên dễ ngấm dầu và giòn.

Đợi nếp nguội, dùng dao cắt thành từng miếng theo kích thước phù hợp (cũng có khi kích cỡ lớn hơn do khách hàng đặt). Gỡ ra cho vào mâm đem phơi nắng. Nếu nắng tốt chỉ 1,5 ngày là cơm cháy khô. Vào mùa mưa thì phải dùng lò sấy, vì nếp không khô sẽ bị mốc. Sau đó, đổ dầu vào chảo đun với ngọn lửa riu riu, thả những miếng cơm cháy khô vào ngập trong dầu, cho tới khi chín vàng, vớt ra rổ để ráo…

img
Cơm cháy chà bông cho vào hộp xốp bán cho khách hàng. (Ảnh: BCT)
Mỡ, hành phi thơm để sẵn ra tô. Thịt chà bông, đậu phộng rang giả giập để sẵn ra dĩa. Gắp miếng cơm cháy cho vào dĩa (hoặc hộp xốp), rưới ít mỡ hành lên và cho nhúm thịt chà bông, đậu phộng rang vào, là xong!...
                          
Còn gì thú vị cho bằng giữa buổi trưa hè oi ả, bụng đã đói mềm mà được thưởng thức món cơm cháy chà bông thơm lừng hấp dẫn với một ly trà đá mát lạnh. Cầm miếng cơm cháy chà bông đưa vào miệng nhai chậm chậm. Vị béo, ngọt, giòn của cơm cháy hòa lẫn mùi thơm của thịt chà bông thấm đẫm vào mọi giác quan. Nhắp một ngụm trà đá vào nữa thật là sảng khoái khiến cái nóng ngày hè như xua tan đi lúc nào không hay biết!...
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem