Ở miền quê, cứ mỗi buổi chiều tà, đám trẻ con thường rủ nhau năm bảy đứa chạy ra đồng đùa giỡn. Tóp nhảy dây, tóp bắt chuồn chuồn, trong khi có nhiều em lại thích tìm cỏ gà để … đá!
Cỏ gà còn được gọi là cỏ chỉ, cỏ ống, sống dai và mọc hoang ở những vùng đất ẩm thấp ven bờ sông, dọc theo các bờ ranh ruộng mà dân gian miệt Cửu Long hay gọi là bờ mẫu. Loại cỏ này có bông mọc trên nhánh, các em kêu đó là “gà” và hái nó đem về để … đá!
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/3-2015/images/2015-08-18/1439895828-co1.jpg)
Cây cỏ gà (ảnh Minh Khuyên)
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/3-2015/images/2015-08-18/1439895828-co2.jpg)
Đá gà cỏ (ảnh sưu tầm; nguồn: Internet)
Có được mớ cỏ gà, các em tụm lại dưới gốc ổi, gốc me, hay núp dưới tán trâm bầu, bình bát… bắt đầu đá gà. Tùy theo quy ước, mỗi bên chọn số lượng con gà bằng nhau, hay bên nào tự tin thì chấp bên kia nhiều hơn… Bắt đầu đá, mỗi bên sẽ được “chém” gà đối phương một cái, cứ như vậy, đến khi có gà nào bị “đứt” thì bên ấy phải thay bằng gà khác. Ai hết gà trước, người đó sẽ thua cuộc. Xem ra, đá gà cũng lắm công phu. Khi “chém” phải dứt khoát, miết cổ tay về phía đầu gà của đối phương. Ngước lại bên có gà bị đá phải cầm cỏ một cách vừa phải, không quá cứng để khi đối phương chém đứt. Khi tay đối phương vừa chém xuống phải biết nương xuôi theo nhát chém của đối thủ, tránh gây thương tích cho gà của mình, nhưng cũng không được cầm quá lỏng, bởi nếu gà bị rớt, đối phương sẽ được chém lại lần nữa!
Những em thắng cuộc thường được bè bạn tung hô, đặc biệt là chủ nhân của nó tự hào vì tìm được gà hay, biết cách đá nên… giành lấy vinh quang!
Thú vui đồng quê đơn giản chỉ có vậy nhưng nó ẩn chứa biết bao kỷ niệm. Sự khéo léo, lòng quả cảm, tình thân ái… được vun bồi từ những trò chơi – thú vui đồng ruộng miền sông nước!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.