Nhớ thời mê chơi gác cúm núm

Bài, ảnh: Phúc Lộc Thứ hai, ngày 11/05/2015 15:36 PM (GMT+7)
Tôi đã say mê gác cu và gác cúm núm từ thuở nhỏ. Nên mỗi lần nghe tiếng cúm núm kêu là tôi lại nhớ về cái tuổi thần tiên của mình - cái tuổi mà chủ nhật tuần nào tôi cũng theo bạn bè ra đồng cắm câu, đặt lờ, gài chuột, bẫy chim và gác cúm núm.
Bình luận 0
Thời ấy chim trời nhiều vô số kể, nhưng trong các loài chim cảnh, tôi mê nhất là tiếng kêu của con cúm núm, còn gọi là gà nước. Cúm núm tuy thân hình mộc mạc, thiếu bộ lông sặc sỡ nhưng bù lại tiếng kêu của nó phải thuộc hạng bậc thầy của các loài chim nước. Đó là tiếng kêu vừa điệu đà thân thiết, vừa xôn xao man mác, gợi lên cả một vùng trời ký ức về tuổi thơ.

Muốn chơi cúm núm người chơi phải tự tay đi gác. Mà muốn gác trước hết phải có con mồi. Cúm núm mồi phải lấy trứng từ ngoài đồng về cho gà tre ấp, sau đó mới chọn ra những con xuất sắc để thuần dưỡng trong 2 năm mới đủ kinh nghiệm và bản lĩnh trở thành con mồi “tuyệt chiêu”.

img
Người chơi đang đang chăm sóc con cúm núm mồi.

Thường con mồi hay thì bao giờ cũng có giọng đầy kiêu hãnh, chúng kêu liên tục, kêu từng tràng dài hằng mấy phút cho đến khi nào chinh phục được con mái mới chịu thôi. Mỗi buổi sáng đẹp trời, con cúm núm rừng thường tỏ ra hưng phấn, đập cánh, nhứt là khi nó phát hiện có tiếng kêu lạ, tiếng kêu xâm lược lãnh thổ của con mồi. Hoặc trong thời điểm con mái “động tình” nó lại càng sung mãn, hiên ngang tìm đối thủ rồi lao thẳng tới, áp đảo con mồi và nó kết thúc cuộc đời tự do của mình khi đã bắt đầu chui vào lục (*).

Nhớ hồi còn nhỏ, do thiếu kinh nghiệm, tôi không tài nào bẫy được chim nên phải theo chân những bác thợ săn cúm núm để cầm lồng, cầm lục, lâu lâu họ thương tình cho mình một vài con mang về thuần dưỡng.

Hằng năm, khi trời vừa chuyển sang xuân, dòng họ nhà cúm núm bắt đầu đua nhau cất tiếng gọi tình và biểu dương sức mạnh. Con trống, con mái suốt ngày lao rao, rậm rật trong các lùm bụi, gần đầm lầy hoặc dọc theo chân đê, mé đìa, ruộng lúa, bờ ao, mương cá để bắt cặp, quầng tổ, âu yếm nhau như đôi uyên ương không rời nửa bước.
img
Con cúm núm mồi đã thuần dưỡng.
Tôi có quen một anh bạn làm nghề gác cúm núm tại quân Thốt Nốt, TP.Cần Thơ (anh gác để nuôi làm cảnh chứ không làm kinh tế). Mỗi lần đến nhà anh, tôi có cảm giác như đang đứng trước một khu vườn đầy ắp những tiếng chim và có lúc bị hốt hồn bởi dòng âm thanh kỳ thú “ Hù… hù… cúm núm… cúm  núm… cum… cum… cum… ọc… ọc…” vang lên nhịp nhàng. Âm thanh ấy có lúc trầm hùng, có lúc vút lên cao tạo thành một điệp khúc rộn ràng và êm ái, giống như nhịp chày giả gạo khiến mọi người rộn lên một niềm vui khó tả.
      
Trong ký ức tôi, hồi còn ở quê mỗi lần nghe tiếng cúm cúm rộ lên là lòng tôi cảm thấy nôn nao không sao chịu nổi. Lúc đó dù có bận trăm công nghìn chuyện tôi cũng bỏ mặc, nhứt định xách lụp và chim mồi ra đi… Cho đến bây giờ, nỗi đam mê đó vẫn cứ ám ảnh tôi.                  
     
Anh bạn tôi cho biết trong những năm gần đây nhiều tay săn đã sử dụng các phương tiện đánh bắt tinh vi như giăng lưới, cắm câu, gài bẫy, dụ bắt bằng âm thanh… khiến cho chim trời không còn chốn dung thân. Riêng anh chỉ gác theo cách truyền thống nghĩa là dùng lục để gác, không ảnh hưởng đến bầy đàn.
         

Mùa gác cúm núm hằng năm bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng Bảy âm lịch. Thời gian này lông con trống đen mượt, mòng đỏ và cất tiếng kêu vang dội khắp cánh đồng. Ngoài thiên nhiên cúm núm sống từng cặp trống mái, suốt ngày lủi thủi trong các bụi rậm, nơi ruộng lúa ken dầy. Tới mùa ái ân chúng bẻ cờ bông lúa hoặc cây cỏ làm tổ sơ sài rồi đẻ trứng. Cúm núm mỗi năm đẻ hai, ba lứa vào tháng tư, năm, sáu. Hồi còn đi học, tôi thường hay ra đồng hốt trứng cúm núm, mỗi ổ 5,6 trứng đem về bỏ vô nồi cơm...

Ngày tháng qua mau, bây giờ muốn tìm lại chút hương vị ngày xưa cũng không dễ gì!

(*) lục còn có tên là lụp, một loại bẫy dùng nhốt chim mồi để dụ bắt chim rừng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem