Nhớ thương mắm cáy quê mình

Thứ bảy, ngày 27/09/2014 07:00 AM (GMT+7)
Cứ vào mùa lũ, mẹ tôi lại tay cầm cần câu, lưng đeo giỏ đi câu cáy. Ở xung quanh những bụi tre chắn sóng trước mỗi con đê thường có rất nhiều lỗ cáy. Mùa nước lên, cáy sặc nước chui ra khỏi lỗ đen đặc. Mẹ dùng cần câu để câu, mươi mười lăm phút đã được đầy một giỏ rồi.
Bình luận 0
Mồi câu thường là sâu khoai, hoặc ốc. Nhưng cáy chỉ "nghiện" nhất là mồi sâu khoai xanh. Thế nên lũ trẻ chúng tôi dù có đi chơi hay la cà ở đâu nhưng thấy khóm khoai xanh là phải đến tìm sâu bắt về để mẹ làm mồi câu cáy. Có thể bắt cáy bằng cách dùng cần câu như câu cá hoặc dùng thuổng để đào.
img Ảnh minh hoạ (Nguồn amthuc365)

Cáy được mẹ đem về rửa sạch, bóc mai, bóc yếm cho hết hôi. Dưới lớp yếm của cáy cái có rất nhiều trứng, trứng này được để riêng, phi với hành mỡ thì ngon hết chê. Chẳng thế mà ngày xưa trứng cáy từng là nguyên liệu để làm nên thứ bánh cáy đặc sản nổi tiếng quê tôi. Phần thịt cáy được mẹ bỏ vào cối đá giã cho thật nhuyễn. Nếu nấu canh thì chỉ cần lọc lấy nước là dùng được rồi. Canh cáy không ngọt đậm đà như canh cua nhưng lại có hương vị riêng rất đặc biệt bởi nó có vị thơm nồng của phù sa sông, vị hăng hắc đặc trưng của giống loài và rất lành bụng. Vì thế ở quê tôi, đàn bà ở cữ, phải kiêng khem đủ thứ nhưng canh cáy thì vẫn là món ăn không thể thiếu, vừa cung cấp đủ chất can-xi cho mẹ và bé, vừa là thứ canh mát, bổ, dễ hấp thụ của sản phụ.

Cáy dùng để làm mắm thì đòi hỏi người chế biến phải kỳ công hơn nhiều. Thịt cáy được bóp thật kỹ với muối, rồi cho vào vại hoặc chum sành ủ kín. Miệng vại được quấn rất nhiều lớp ni-lông bảo đảm trong lọ kín hơi, phía ngoài được đậy bằng một chiếc gáo dừa, rồi phủ kín bằng lớp đất bùn. Làm như vậy là để cho mắm được ủ trong lọ kín hơi. Khoảng mươi ngày sau, người ta đem lọ mắm ra phơi. Ban ngày phơi nắng, ban đêm phơi sương, phơi chừng một tuần thì ngấu. Khi ngấu, mẹ trộn thêm thính gạo và một ít men rượu loại ngon. Men rượu có tác dụng khử mùi hôi của cáy và tạo mùi thơm cho mắm. Hai tháng sau là có món mắm cáy nâu vàng sóng sánh để dùng rồi.

Vào quân ngũ, tôi không còn thường xuyên được cùng mẹ làm món mắm cáy. Nhưng lần nào về phép mẹ cũng xếp vào ba lô cho tôi vài lọ mắm cáy vừa làm quà cho đồng đội, vừa cho tôi thưởng thức để đỡ nhớ hương vị quê nhà. Lên đơn vị, vừa nhác thấy bóng tôi, đằng nào cũng có hai, ba đồng chí nhắc: “Bữa này có mắm cáy Thái Bình không?”, “Nước cáy mà chấm với rau muống, rau lang thì ngon phải biết. Chao ơi, nhắc đến mà thèm...!”.

Tôi lớn lên từ những thìa mắm cáy trong bữa ăn mỗi ngày. Hương vị mắm cáy với tôi còn là sự chắt lọc từ nỗi nhọc nhằn sớm hôm của mẹ. Bởi thế với tôi, mắm cáy không chỉ là món ăn bình thường, mà chứa đựng trong đó cả hương vị của quê hương; là công sinh thành, giáo dưỡng của cha mẹ...
(Theo QĐND)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem