Nhói lòng những công nhân đón Tết xa quê vì dịch Covid-19

Gia Khiêm - Tạ Nguyệt Thứ hai, ngày 08/02/2021 10:14 AM (GMT+7)
Mặc dù rất nhớ quê hương sau cả năm xa cách, thế nhưng vợ chồng anh Trình Cao Kỳ (quê Nghệ An) cùng nhiều công nhân khác vẫn quyết định ở lại Hà Nội đón Tết do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bình luận 0

Đón Tết ở nhà trọ

Chiều một ngày cuối năm, vợ chồng anh Trình Cao Kỳ (32 tuổi, hiện đang làm công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội) dành thời gian đi mua một cành đào tươi về cắm ở nhà trọ. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sau nhiều ngày suy nghĩ đắn đo, cả gia đình anh Kỳ quyết định không trở về quê nhà ở xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đón Tết như mọi năm.

Khu nhà trọ anh Kỳ đang sinh sống thuộc xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Cả dãy nhà dài có hơn 10 phòng đều là người khắp các nơi đến thuê. Vợ chồng anh cũng đã gắn bó với nơi đây nhiều năm nay. Khi mọi người rục rịch chuẩn bị đồ đạc về quê, anh Kỳ cùng vợ con không tránh khỏi bùi ngùi.

Nhói lòng những công nhân đón Tết xa quê: ‘Trông chờ cả năm để về nhưng vì dịch Covid-19 nên phải ở lại’ - Ảnh 1.

Tết năm nay vợ chồng anh Kỳ cùng các con ở lại nhà trọ đón Tết.

Nhói lòng những công nhân đón Tết xa quê: ‘Trông chờ cả năm để về nhưng vì dịch Covid-19 nên phải ở lại’ - Ảnh 3.

Khu nhà trọ nơi nhiều công nhân sinh sống.

"Làm cả năm rồi, Tết ai ai cũng muốn về quê hương, sum vầy bên gia đình. Nhưng gần Tết rồi mà dịch căng thẳng quá nên gia đình tôi quyết định ở lại Hà Nội ăn Tết, vì sự an toàn của cộng đồng, và cũng sợ hàng xóm ở quê lo ngại vì mình ở khu vực có dịch. Hơn nữa, quãng đường đi xe khách gần 400km, chúng tôi lo cho hai con nhỏ. Tôi nghĩ  năm nay ai ở đâu thì hãy ở yên ở đấy chứ về quê tầm này vui đâu chẳng thấy, chỉ thấy lo nên năm nay đành thất hứa với hai bên nội ngoại", anh Kỳ nói.

Tiếp lời chồng, chị Phan Thị Ngọc (27 tuổi) chia sẻ, hai bên nội ngoại luôn trông chờ ngày Tết để được đón con cháu về quê. Thế nhưng, diễn biến dịch bệnh phức tạp nên năm nay vợ chồng chị chỉ biết động viên, chúc Tết người thân qua điện thoại.

Nhói lòng những công nhân đón Tết xa quê: ‘Trông chờ cả năm để về nhưng vì dịch Covid-19 nên phải ở lại’ - Ảnh 5.

Cành đào anh Kỳ mua để đón Tết tại phòng trọ.

Nhói lòng những công nhân đón Tết xa quê: ‘Trông chờ cả năm để về nhưng vì dịch Covid-19 nên phải ở lại’ - Ảnh 6.

Dù rất nhớ quê hương nhưng theo anh việc ở lại là cách tốt nhất.

Chị Ngọc kể, năm nào hai vợ chồng cũng rục rịch ngày cận Tết để được về quê đón Tết. Năm nay, khu nhà trọ chỉ còn nhà chị cùng một nam thanh niên ở Đại Từ, Thái Nguyên ở lại.

"Vợ chồng tôi tính Tết năm nay chắc chỉ cùng các con ăn, ngủ, nghỉ tại phòng chứ dịch bệnh vẫn có nguy cơ bất cứ lúc nào nên cũng không yên tâm khi ra ngoài. Đây cũng là lúc hai vợ chồng có thời gian chăm lo, quan tâm các con hơn", chị nói.

Anh Kỳ cho biết, hai vợ chồng làm công nhân với các ca khác nhau nên dù chung một nhà nhưng ít có thời gian ở cùng nhau. "Ở khu trọ nhiều lúc vợ chồng đi làm không có thời gian đón con phải nhờ mọi người giúp. Có lúc tôi bị phân công làm ca ngày còn vợ làm ca đêm, cuối tuần tăng ca nên cả tháng chẳng gặp nhau. Có lúc nhớ nhau nhưng vì cuộc sống, con cái nên cả hai động viên nhau cùng cố gắng", anh Kỳ nói rồi nhìn vợ cười.

"Chỉ khi nào dịch bệnh được kiểm soát, lúc đó mới là Tết thật sự" 

Làm công nhân công việc bận rộn với mức lương không cao nhưng vì cuộc sống ở quê khó khăn, không có công ăn việc làm nên vợ chồng anh Kỳ cùng hàng vạn lao động khác vẫn đổ về Khu công nghiệp để tìm kiếm việc làm. 

Nhói lòng những công nhân đón Tết xa quê: ‘Trông chờ cả năm để về nhưng vì dịch Covid-19 nên phải ở lại’ - Ảnh 7.

Hai con của anh Kỳ sẽ cùng bố mẹ đón Tết xa quê

"Đợt dịch trước, có tuần tôi chỉ làm 2,3 ngày rồi lại nghỉ. Tháng nhận 70% trợ cấp thất nghiệp. Chi phí gửi hai con cũng mất hơn 3 triệu/tháng, tiền nhà trọ có tháng hơn 2 triệu đồng. Có thời gian, tôi tranh thủ chạy Grab để kiếm thêm thu nhập. Làm công nhân cuộc sống khó khăn nên vợ chồng cứ phải động viên nhau cố gắng, mong dịch bệnh đẩy lùi để chúng tôi có thêm công việc, tăng ca", chị Ngọc cho biết thêm.

Cách phòng trọ vợ chồng anh Kỳ không xa có bạn Tuân (23 tuổi, ở xã Lục Ba, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) quyết định năm nay ở lại phòng trọ đón Tết một mình. Đây cũng là cái Tết đầu tiên Tuân xa quê.

Nhói lòng những công nhân đón Tết xa quê: ‘Trông chờ cả năm để về nhưng vì dịch Covid-19 nên phải ở lại’ - Ảnh 10.

Tuân quyết định ở lại nhà trọ đón Tết thay vì về quê.

Phòng trọ của Tuân ở ghép cùng một nam thanh niên ở Thái Bình nhưng người này về quê đón Tết còn cậu thì quyết định ở lại. "Tôi trọ ở Đông Anh có ca bệnh nên quyết định năm nay ở lại đây đón Tết một mình vì không muốn mọi người ở quê lo lắng nếu mình về. Mặc dù rất nhớ con nhưng bố mẹ tôi cùng đành chấp thuận".

Tết năm nay Tuân không sắm sửa gì và cũng chưa có dự định sẽ làm gì 3 ngày Tết. "Mọi năm ở nhà bố mẹ lo sắm sửa từng đồ đạc, vật dụng ngày Tết. Tôi cũng chẳng phải đụng tay làm việc gì. Năm nay ở đây đón Tết một mình có chút bùi ngùi nhưng tôi nghĩ việc ở lại cũng là cách tốt để phòng tránh dịch bệnh. Nhiều anh chị, bạn bè làm cùng tôi, họ cũng quyết định ở lại đón Tết xa quê", Tuân cho hay.

Theo Tuân, Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng hướng về nguồn cội, hướng về đoàn viên. Đối với những người tha hương, Tết càng khiến ai ai cũng khao khát được sum họp với gia đình. Nếu như những người ở nước ngoài đang gặp khó khăn để thực hiện ước mơ về quê ăn Tết, thì năm nay những người đang làm việc ở trong nước việc về quê đón Tết cũng không dễ dàng gì.

Tuân chia sẻ thêm, có thể không về quê ăn Tết, nhưng hãy giữ gìn sức khỏe, hẹn ngày đoàn viên vào dịp khác. Dù có thể xuân này con không về, dù có thể Tết này không đoàn viên với người thân ở quê, nhưng Tết vui hay buồn là do lòng người cảm nhận.

"Xa quê hương những ngày này thật sự rất buồn, nhưng mọi người hãy tạm thời quên Tết đi. Chỉ khi nào mọi thứ thật bình ổn, dịch bệnh được kiểm soát thì lúc đó mới là Tết thật sự", Tuân chia sẻ thêm.

Cả nước có hơn 1 triệu công nhân không về quê ăn Tết vì dịch Covid-19

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã kêu gọi công nhân hạn chế đi lại, cân nhắc kỹ về quê ăn Tết.

Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khuyến cáo công nhân hợp tác khai báo y tế, giúp lực lượng chức năng truy vết, xử lý kịp thời các ca nghi nhiễm; đồng thời yêu cầu các cấp công đoàn tổ chức thăm hỏi, tặng quà trực tiếp cho công nhân trong doanh nghiệp, khu nhà trọ, thay vì tổ chức các sự kiện bề nổi, tập trung đông người.

Theo thống kê ban đầu của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, TP.HCM có hơn 219.000 công nhân ở lại ăn Tết, tỉnh Bình Dương có 500.000 công nhân, Bình Dương; Đồng Nai có hơn 200.000, Hải Phòng – Quảng Ninh có gần 20.000 công nhân, Trong đó, riêng Hải Dương có tới 4.000 công nhân đang bị cách ly. 

Qua thống kê sơ bộ cả nước có hơn 1 triệu công nhân không về quê ăn Tết vì dịch Covid-19. Để chuẩn bị cho công nhân vui tết, các cấp công đoàn đã tổ chức nhiều đoàn chăm lo vui chơi, chuẩn bị bánh chưng quà vui chơi, hỗ trợ người lao động.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự kiến tổng mức hỗ trợ dịp Tết khoảng 500 tỷ đồng, chủ yếu giúp công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, trung bình một triệu đồng mỗi người.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem