Gia vị là những loại thực phẩm, rau thơm (thường có tinh dầu) hoặc các hợp chất hóa học cho thêm vào món ăn, có thể tạo những kích thích tích cực nhất định lên cơ quan vị giác, khứu giác và thị giác. Gia vị làm cho thức ăn có cảm giác ngon hơn, kích thích hệ thống tiêu hóa của người ăn khiến thực phẩm dễ tiêu hóa, một số gia vị có tác dụng trừ khử những tiêu cực của thực phẩm (khử mùi hôi, tanh, làm mất độc tính…).
|
Gia vị không chỉ làm cho người ăn ngon miệng mà còn giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh |
Trong tự nhiên, gia vị vô cùng đa dạng và phong phú, chúng có thể là thảo mộc, động vật, vi sinh hay hợp chất vô cơ, hữu cơ. Các loại gia vị được sử dụng trong bữa ăn hằng ngày không những đem lại vị thơm ngon hấp dẫn cho món ăn mà còn có nhiều lợi ích với sức khỏe.
- Chống ôxy hóa: Chất chống ôxy hóa trong các loại gia vị giúp trung hòa các gốc tự do. Gốc tự do là nguyên nhân gây tổn thương tế bào, tạo nên bệnh tật và lão hóa ở cơ thể. Cách tốt nhất cung cấp chất chống ôxy hóa cho cơ thể là sử dụng các gia vị giàu chất chống ôxy hóa.
- Kháng viêm: Rất nhiều viêm nhiễm của cơ thể xuất hiện dưới dạng bệnh mãn tính gây tổn thương cho các bộ phận trên cơ thể. Loại viêm nhiễm này gây ra bởi một số yếu tố như béo phì, nhiễm trùng, các bệnh răng miệng, ngộ độc và các bệnh giảm khả năng miễn dịch.
Chất phyto trong các loại gia vị có tác dụng kháng viêm mạnh. Những gia vị có khả năng chống viêm nhiễm như lá nguyệt quế, tỏi, gừng, hương thảo, húng tây và nghệ.
- Tăng cường miễn dịch: Giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh ngăn ngừa bệnh ung thư, nhiễm trùng và các bệnh nguy hiểm khác do hệ miễn dịch suy giảm. Gia vị giúp tăng khả năng miễn dịch của cơ thể là tỏi và hạt tiêu đen.
- Giải độc: Môi trường ô nhiễm và các chất hóa học có hại có nhiều trong các loại thực phẩm sử dụng hằng ngày gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người. Sự có mặt của các gia vị trong bữa ăn hằng ngày đóng vai trò quan trọng giúp tăng cường sức khỏe.
Gia vị có khả năng giúp cơ thể giảm độc tố như mù tạt, các loại quả thuộc họ cam quýt, nghệ, hương thảo, rau mùi…
- Chống ung thư: Nguyên nhân chính gây ung thư là sự biến đổi ADN, đẩy nhanh quá trình lão hóa và gây đảo lộn gien.
Có nhiều hợp chất trong các loại gia vị như hồi, rau húng quế, hạt tiêu đen, lá đinh hương, thìa là, tỏi, gừng, trà xanh, hương thảo, mù tạt và nghệ có khả năng bảo vệ gien khỏi ảnh hưởng của các độc tố và các gốc tự do.
- Giảm bệnh đái tháo đường: Các chất phyto có trong các loại gia vị giúp điều chỉnh cơ chế bệnh lý, giảm bệnh đái tháo đường và rối loạn trong trao đổi chất.
Quế, cỏ cà ri, tỏi, gừng, rau mùi là những gia vị rất hiệu quả trong việc giảm lượng đường và mỡ máu. Vô số hợp chất chống ôxy hóa trong các loại gia vị giúp bảo vệ cơ thể khỏi quá trình ôxy hóa nên rất tốt cho bệnh nhân đái tháo đường.
- Phòng bệnh tim mạch: Các bệnh liên quan đến tim mạch thường đi kèm với lượng cholesterol và triglyceride cao, huyết áp cao, béo phì, hay hút thuốc lá, đái tháo đường và bệnh viêm nhiễm mãn tính.
Các loại gia vị giúp chống lại các bệnh về tim mạch như quế, rau mùi, cỏ cà ri, tỏi, gừng, mù tạt, lá hương thảo, húng tây giúp ngăn các bệnh tim mạch và chứng đột quỵ.
- Tăng cường thị lực: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có chế độ ăn giàu gia vị có khả năng chống lại quá trình ôxy hóa giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt và tăng thị lực lên 35%.
- Chậm lão hóa: Môi trường ô nhiễm, cuộc sống căng thẳng là nguyên nhân gây lão hóa nhanh kéo theo nhiều bệnh liên quan đến tuổi tác.
Ăn những gia vị chứa nhiều chất chống ôxy hóa và chống viêm nhiễm giúp giảm quá trình lão hóa của cơ thể, bảo vệ cơ thể khỏi tác động xấu từ môi trường bên ngoài.
Theo NLĐ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.