Những nông dân tự mày mò làm khoa học

Thanh Xuân - Minh Huệ Thứ hai, ngày 15/12/2014 06:48 AM (GMT+7)
LTS: Mặc dù không được học hành đầy đủ, không bằng cấp, song với đam mê sáng tạo và khát khao làm giàu, nhiều nông dân đã có những sáng chế độc đáo phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do không được hỗ trợ, đầu tư nên những sáng chế của họ chỉ được ứng dụng ở diện hẹp và dần bị lãng quên, gây lãng phí chất xám. 
Bình luận 0

Cầm cố đất để mở xưởng

Mặc dù chỉ học hết lớp 7, nhưng với niềm đam mê cơ khí từ nhỏ, anh Huỳnh Văn Út ngụ ở ấp An Lạc, xã An Bình, huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đã thành công trong việc cải tiến, sáng chế máy gặt đập liên hợp (GĐLH), máy cày, máy cắt lúa xếp dãy… Đầu năm 2004, anh mạnh dạn chi hơn 60 triệu đồng tích cóp được để cải tiến một số chi tiết trên máy GĐLH Sisaki của Nhật Bản như động cơ hợp chuyển động, giàn cắt lúa, lưỡi cắt, thùng đập… cho phù hợp với đặc thù miền Tây. Làm đi làm lại, thất bại nhiều lần, tốn rất nhiều tiền mua phụ tùng, đến năm 2005 anh khẳng định đã cải tiến thành công mẫu máy này. Chiếc máy GĐLH được cải tiến có chiều rộng hàm cắt 1,9m, di chuyển bằng bánh xích cao su phù hợp với mọi địa hình lún, ngập, lầy; công suất gặt từ 3,5 - 4,5ha/10 giờ; có thể hoạt động vào ban đêm với hệ thống đèn chiếu sáng tiện lợi. “Khi đưa máy đi cắt lúa thuê ở Cao Lãnh, tôi được nhiều người khen ngợi vì máy cắt được cả lúa đổ, ít hao hụt... Năm 2008, tôi đưa máy đi trình diễn tại cuộc thi máy GĐLH ở ĐBSCL và đoạt giải Nhất” – anh Út cho biết.

img
Máy gieo hạt của ông Phạm Văn Hát, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương đạt giải khuyến khích cuộc thi "Sáng tạo kỹ thuật Nhà nông" lần thứ V. Ảnh: Nguyễn Công
Mặc dù sản phẩm gây được tiếng vang, nhưng anh vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm vốn để sản xuất máy. Anh cho biết đã đi gõ cửa nhiều ngân hàng nhưng nơi nào cũng lắc đầu. Cuối cùng, anh phải cầm cố 3ha ruộng để có tiền mở cơ sở Út Máy Cày và bắt tay vào sản xuất máy GĐLH.

Mấy năm trước, ông Vũ Hồng Khánh ở TP.Hải Phòng từng gây sự chú ý của dư luận và các nhà khoa học với rất nhiều sáng chế nổi bật như máy chế biến tinh bột sắn, máy ép dầu điều, máy điều chế hydro từ nước. Thứ ông say mê và tiêu tốn nhiều thời gian, tiền bạc nhất chính là máy điều chế khí hydro từ nước. Theo đuổi công trình này từ năm 2005, qua hàng trăm lần thử nghiệm, cuối cùng ông Khánh đã thành công trong việc tách riêng hydrô và ôxy để đưa vào bình nén.

Để hoàn thành công trình, ông đã phải bán cả tài sản của gia đình, gõ cửa nhà bạn bè hỏi vay, nhưng khi nghe ông nói về sáng chế của mình, họ tỏ ra nghi ngại và từ chối, cứ như ông đang làm cái gì điên rồ lắm… Sau 5 năm, sáng chế của ông cũng được cấp bằng sáng chế độc quyền, nhưng nợ thì đã ngập đầu với con số lên tới hơn 4 tỷ đồng. Điều buồn nhất là cho đến nay, mới chỉ có vài nhà đầu tư đến hỏi han chứ chưa ai quyết tâm nhận chuyển giao toàn bộ công nghệ, khiến công trình đắp chiếu nằm im trong kho.

Tự “bơi” từ A - Z

Là một trong những nông dân có rất nhiều sáng chế được ứng dụng vào thực tế, ông Nguyễn Văn Chế ở thôn Thụy Trà, xã Nam Trung (huyện Nam Sách, Hải Dương) ngậm ngùi chia sẻ: “Tôi rất muốn mở rộng sản xuất để nhiều nông dân được sử dụng máy móc với giá rẻ, nhưng cái khó bó cái khôn, đi vay ngân hàng thì người ta đòi phải có thế chấp. Nông dân như chúng tôi thực sự đang làm khoa học theo kiểu “tay không bắt giặc”, cố gắng duy trì sản xuất theo đơn đặt hàng của bà con đã là tốt lắm rồi”.

Ông Chế cũng cho biết thêm, mặc dù các sáng chế của ông đều được công nhận, nhưng mọi khâu ông đều phải bỏ tiền túi ra chứ chưa hề nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào của ngành chức năng. Kể cả với các mặt hàng đang được ưa chuộng như máy thái nông sản, máy sấy nông sản, máy sàng, máy rửa và các loại càng, bừa, bánh lồng, bánh bám…, ông đều tự túc từ A – Z, bằng cách lấy sản phẩm này “nuôi” sáng chế kia. Hiện tại, xưởng sản xuất của ông Nguyễn Văn Chế đang giải quyết việc làm cho 8 lao động với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. “Tôi chỉ mong được hỗ trợ vay vốn để mở rộng sản xuất, vừa giải quyết thêm việc làm cho lao động địa phương, vừa để những sáng chế của mình đến được nhiều nông dân, giúp ích cho sản xuất” - ông Chế nói.

Trong khi công trình của các nhà khoa học với đủ học hàm, học vị từ lúc khởi thảo tới nghiệm thu đều có hội đồng cố vấn, có ngân sách nhà nước tài trợ nhưng sản phẩm vừa làm ra đã cất tủ, thì các sáng chế của nông dân chưa bao giờ được đưa vào các dự án nghiên cứu, dù được đông đảo bà con đón nhận. Thậm chí chỉ vì cái “mác” nông dân, mà nhiều người còn gặp phải những chuyện dở khóc dở cười, hoặc bị… cấm sáng chế, như trường hợp nông dân Bùi Văn Kiên ở xã Thái Giang (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Trao đổi với phóng viên, ông Kiên cho biết: “Sáng chế của tôi là chiếc lò đốt rác có khả năng đốt triệt để rác thải và sản sinh nhiệt lượng để phát điện. Tôi mang sáng chế của mình đi đăng ký thì Sở KHCN tỉnh Thái Bình không công nhận, nhưng Bộ KHCN lại công nhận và đánh giá rất cao sáng chế của tôi. Thậm chí, cơ quan chức năng của địa phương chưa xem xét kỹ, chưa đánh giá mặt mạnh, mặt yếu sáng chế của tôi thì đã cấm thử nghiệm tại địa bàn tỉnh vì sợ ô nhiễm môi trường. Vì thế tôi phải mang sang An Lão (Hải Phòng) thử nghiệm. Hiện lò đốt rác của tôi chạy rất ổn định nhưng vẫn phải bỏ tiền túi ra đốt rác miễn phí”.

Cũng theo ông Kiên, lý do Sở KHCN Thái Bình đưa ra lệnh cấm thử nghiệm, chế tạo chiếc lò đốt rác là bởi cho rằng ông vi phạm Luật Bảo vệ môi trường khi chuyển rác về nhà. Ngoài ra, việc đốt rác, xả khí thải, hay như việc sử dụng nồi hơi cũng phải có chứng chỉ mới được phép vận hành. “Đầu tư, chi phí xây dựng lò đốt rác của tôi rất rẻ, nhưng đem lại hiệu quả lớn cho môi trường bởi lò không có khói, chỉ cho ra xỉ và có thể tái tạo sử dụng trong nông nghiệp. Tôi muốn cải tạo chiếc lò để tận dụng tốt nguồn nhiệt tạo ra năng lượng phát điện, hoặc lấy nhiệt sạch để sấy nông- hải sản” - ông Kiên cho biết thêm.

 Năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) đã tiếp nhận 76.659 đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, đề nghị cấp bằng sáng chế các loại, trong đó có 4.169 đơn sáng chế, 331 đơn giải pháp hữu ích, 2.129 đơn kiểu dáng công nghiệp, 31.184 đơn nhãn hiệu quốc gia, 4 đơn chỉ dẫn địa lý…, tuy nhiên Cục Sở hữu trí tuệ không có thống kê chính thức xem có bao nhiêu sáng chế của nông dân.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem