Nỗi đau bên dòng sông Chảy: Dân gõ kẻng hò nhau đuổi tàu cát

Ngô Hùng Thứ sáu, ngày 08/12/2017 08:52 AM (GMT+7)
Hoạt động khai thác cát rầm rộ trên sông Chảy khiến hàng chục nghìn m2 đất ruộng “bờ xôi ruộng mật” của người dân ở xã Phong Phú và Phương Trung, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) bị sạt lở, không thể canh tác và cũng không được hỗ trợ.
Bình luận 0

Bức xúc, người dân đánh kẻng, tập trung lại với gạch đá, súng cao su để xua đuổi những tàu cát khai thác ngoài mốc giới…

img

Theo người dân việc khai thác cát rầm rộ nhiều năm qua khiến nhiều "bờ xôi ruộng mật" bị cuốn trôi nhưng đến nay vẫn chưa được hỗ trợ. (Ảnh Ngô Hùng)

Mất “bờ xôi ruộng mật”

Sau nhiều năm hoạt động khai thác cát diễn ra rầm rộ trên dòng sông Chảy đoạn qua xã Phong Phú và Phương Trung, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, dọc hai bên bờ của 2 xã này xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, đã có hàng nghìn m2 đất “bờ xôi ruộng mật” của 2 xã này bị cuốn theo dòng nước. Dù đã có nhiều ý kiến với chính quyền địa phương và các lãnh đạo cấp trên trong các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng đến bây giờ, người dân chỉ biết “ngậm đắng nuốt cay”, thôi thì ai mất ruộng thì tự chịu.

Đưa phóng viên ra bãi ruộng của gia đình đã bị sông Chảy “nuốt” từ lâu, bà Phạm Thị Phẩm trú tại thôn 3, xã Phương Trung không khỏi bức xúc: “Trước đây khu vực này là hơn 2 sào ruộng tươi tốt của gia gia đình, nhưng nay đã chìm nghỉm dưới dòng sông kia. Nhà có 4 sào để trồng ngô, trồng bưởi, giờ mất hơn 2 sào rồi, dù tôi đã có ý kiến nhiều với chính quyền, nhưng nay chưa nhận được câu trả lời gì về việc có được bồi thường hay không”.

img

Nhà bà Phạm Thị Phẩm trú tại thôn 3, xã Phương Trung có 4 sào đất bãi thì đã bị sông Chảy "nuốt" mất hơn 2 sào. (Ảnh Ngô Hùng)

Đứng bên cạnh bà Phẩm, ông Nguyễn Trọng Thê (70 tuổi) trú tại thôn 3, xã Phương Trung cũng cùng nỗi bức xúc. Theo ông Trung, việc khai thác cát của một số công ty trên dòng sông Chảy đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân nơi đây.

“Ngoài ruộng nương, một chiếc trạm bơm của xã cũng đã bị cuốn trôi khiến mất mát tài sản nhà nước và một vùng lớn diện tích lúa của xã rơi vào tình trạng thiếu nước”, ông Thê cho biết.

Dẫn phóng viên đi một vòng quanh bãi đất “bờ xôi ruộng mật”, người dân ở xã Phương Trung cho biết, trước đây ruộng nương nơi đây được phù sa của con sông Chảy “ưu ái”, trồng cây rất tươi tốt. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây khi các công ty đưa máy móc về dòng sông Chảy để “rút ruột” tài nguyên, ruộng nương bỗng bị cuốn trôi, đời sống của người dân cũng vì thế mà bấp bênh, bất ổn.

Ngoài xã Phương Trung, ngay bên bờ sông Chảy chạy qua xã Phong Phú (Đoan Hùng), một phần lớn diện tích đất ruộng của người dân nơi đây bị trôi theo nguồn nước.

img

Việc khai thác cát rầm rộ trong nhiều năm qua khiến hai bờ sông Chảy bị sạt lở nghiêm trọng. (Ảnh Ngô Hùng)

“Khai thác cát tràn lan, rầm rộ, chẳng kể ngày đêm, chỉ một thời gian ngắn, ruộng nương của người dân cứ thế bị sạt lở, trôi theo dòng sông. Dù có ý kiến nhiều, nhưng người dân chẳng được trả lời rõ ràng hay nhận được chút hỗ trợ nào. Rất bức xúc nhưng do thấp cổ bé họng, chúng tôi chỉ biết “ngậm đắng nuốt cay”, đem nỗi hậm hực trong lòng”, ông Bùi Văn Thường trú tại thôn 1, xã Phong Phú cho biết.

Cũng theo ông Thường, theo mốc giới, khu vực khai thác cát phải cách mốc giới 120m, nhưng các công ty cát vẫn ngang nhiên đưa máy hút vào gần bờ để “tận thu” khiến ruộng nương của của dân bị sạt lở.

“Là một Đảng viên, trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của lãnh đạo huyện và tỉnh, tôi và người dân đã có ý kiến về hoạt động khai thác cát ngoài mốc giới ảnh hưởng đến nghĩa trang và ruộng đất của người dân, tuy nhiên, mọi chuyện không được xử lý triệt để, tình trạng khai thác cát chỉ dừng lại một thời gian, hoặc công ty khai thác cát dịch chuyển vào đúng mốc giới một thời gian, về sau lại đâu vào đấy, khiến người dân vô cùng phẫn nộ”, ông Đỗ Xuân Đài, trú tại thôn 1, xã Phong Phú chia sẻ.

Dựng lều, gõ kẻng chống tàu cát

Qua tìm hiểu của Dân Việt, do quá bức xúc vì tình trạng khai thác cát ảnh hưởng đến đời sống, người dân của 2 xã Phương Trung và Phong Phú đã có động thái tự vệ, chuẩn bị gạch đá, súng cao su để xua đuổi tàu cát tránh xa bờ ruộng của mọi người.

“Đầu tiên, một vài người dân bức xúc ra có ý kiến, các đối tượng trên tàu cát còn hung hăng, thách thức, thậm chí tụt quần, đưa “của quý” thách thức mọi người. Về sau, để cho an toàn, tất cả những người dân tập hợp lại với gạch đá, súng cao su, chống trả tàu cát, bọn chúng mới chịu đưa tàu đi.

Nhưng khi người dân không chú ý, chúng lại đưa tàu vào, vì muốn giữ đất, mọi người đã dựng lán, cắt cử người trông coi, mỗi khi có tàu tiến vào bờ hút cát là gõ kẻng để dân làng ra xua tàu cát. Tuy nhiên, không hiểu vì có “ô dù” gì, hay vì lợi ích kinh tế cao mà những tàu cát này vẫn bất chấp “va chạm” để tiến gần vào bờ “ăn” cát”, ông Nguyễn Trọng Thê cho biết.

img

Ruộng tươi tốt bị sạt lở, ý kiến không được giải quyết khiến người dân hết sức bức xúc. (Ảnh Ngô Hùng)

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Khắc Chung - Chủ tịch UBND xã Phương Trung cho biết, trên địa bàn xã có 2 công ty khai thác cát là Công ty thương mại đầu tư phát triển Phúc Thịnh và Công ty TNHH khai thác khoáng sản Hưng Thịnh.

Việc sạt lở ruộng đất trên bờ sông Chảy có nhiều nguyên nhân, nhưng theo cảm quan thì có màu sắc của việc khai thác cát. Tổng diện tích đất ruộng của người dân bị sạt lở là hơn 38.000m2. Ngoài ra, một trạm bơm phục vụ thủy lợi của xã đã bị cuốn trôi.

Cũng theo ông Chung, hiện huyện Đoan Hùng đã có chủ trương là dùng quỹ đất công ích của xã để chia lại cho những người dân bị mất ruộng do sạt lở. Tuy nhiên, theo ông Chung, việc này là khó khả thì vì quỹ đất công ích không phải thôn nào cũng đủ để chia cho người dân.

“Việc trạm bơm thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho ruộng đồng bị cuốn trôi, giờ xã cũng chưa biết tính như thế nào. Lý do là bởi, sạt lở do nhiều nguyên nhân, giờ quy trách nhiệm rất khó”, ông Chung cho biết thêm.

img

Ông Bùi Hồng Chương, Chủ tịch UBND xã Phong Phú thừa nhận khi người dân phản ánh về việc tàu cát vi phạm mốc giới thì ông chỉ biết gọi cho doanh nghiệp di chuyển tàu đi vì không chỉ xã mà huyện cũng bé tí do doanh nghiệp được tỉnh cấp phép. (Ảnh Ngô Hùng)

“Không chỉ xã, mà ngay cả huyện cũng bó tay vì những công ty này được tỉnh Phú Thọ cấp phép. Khi thấy người dân phản ánh về việc tàu cát vi phạm mốc giới, tôi chỉ biết gọi cho đơn vị khai thác dịch chuyển đi chỗ khác, còn xã không đủ thẩm quyền để kiểm tra. Trên địa phận xã Phong Phú có khoảng 500m chiều dài dọc sông chảy bị sạt lở”, ông Bùi Hồng Chương, Chủ tịch UBND xã Phong Phú thừa nhận.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem