Nới lỏng giãn cách: Nhà đầu tư "cân não" nhiều hơn khi "rót" tiền vào chứng khoán

N.Minh Thứ bảy, ngày 18/09/2021 09:43 AM (GMT+7)
Theo giới phân tích, khi xã hội nới lỏng giãn cách cũng là lúc dòng tiền rút dần khỏi chứng khoán, và thị trường sẽ bước vào chu kỳ giảm mạnh. Vì vậy, việc “rót” tiền vào đầu tư chứng khoán không còn dễ dàng như trước đây, nhà đầu tư ngày càng "cân não" nhiều hơn.
Bình luận 0

Tiền đổ vào chứng khoán tăng vọt: Người hồ hởi xuống tiền, kẻ "thu tay" vì lỗ lớn

Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết trong tháng 8, nhà đầu tư trong nước mở mới 120.506 tài khoản chứng khoán, tăng hơn 19.000 tài khoản so với tháng trước đó. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 120.379 tài khoản và 127 tài khoản đến từ nhà đầu tư tổ chức.

Số tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới trong tháng 8 vừa qua là con số lớn thứ 2 trong lịch sử, chỉ xếp sau số tài khoản mở mới trong tháng 6 với hơn 140.000 tài khoản.

Lũy kế 8 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 842.405 tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 3 năm 2018; 2019 và 2020 cộng lại (tổng 3 năm đạt 837.345 tài khoản).

Nới lỏng giãn cách: Nhà đầu tư "cân não" nhiều hơn khi "rót" tiền vào chứng khoán - Ảnh 1.

Lũy kế 8 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 842.405 tài khoản chứng khoán. (Ảnh: LT)

Sự nhập cuộc mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong nước đã giúp thanh khoản thị trường bùng nổ mạnh mẽ và trong tháng 8, thanh khoản thị trường đã trở lại cột mốc bình quân mỗi phiên "tỷ đô".

Chị Phạm Minh Thùy - một nhà đầu tư Hà Nội cho biết, đầu tư chứng khoán ở thời điểm hiện tại sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn so với kênh đầu tư tiết kiệm.

"Cuối tháng 8 tôi rút 200 triệu đồng tiền tiết kiệm để đầu tư chứng khoán. Chỉ trong vòng 2 tuần đã thu lãi 13 triệu đồng. Trong khi đó, gửi tiền cả năm cũng chỉ nhận về hơn chục triệu tiền lãi gửi tiền", chị Thùy cho hay.

Giảm sút thu nhập từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và tiếp tục "treo xe" vì giãn cách xã hội, anh Mai Văn Dũng (Hoài Đức, Hà Nội) được bạn bè "rủ" chơi chứng khoán để kiếm tiền trả lãi vay mua nhà, mua xe trả góp.

Sau 2 tháng vừa học vừa chơi, anh Dũng nhẩm tính, anh đã có lãi 30 triệu đồng từ chứng khoán, cao hơn cả thức thu nhập chạy xe từ đầu năm đến nay. Điều này thôi thúc anh Dũng vay mượn thêm người thân, bạn bè để nạp thêm vào tài khoản.

Tuy nhiên, đầu tư chứng khoán cũng không phải là miếng bánh "ngon ăn" với tất cả các nhà đầu tư. Trường hợp của chị Nguyễn Tuyến, nhân viên một văn phòng ở Hà Nội là một ví dụ.

Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Tuyến cho biết: "Tiền tôi đầu tư từ vốn tích lũy và vay thêm ông bà nội ngoại hai bên, tổng cộng gần 500 triệu đồng. Ban đầu, tôi cũng được nhân viên công ty hướng dẫn nhưng lãi không nhiều, đã thế lại mất nhiều khoản phí, về sau tôi tự tìm hiểu và giao dịch. Mua bán theo tư vấn từ các room chứng khoán 10 lần thì 2 lần được, 8 lần mất. Tài khoản của tôi giảm chỉ còn hơn 300 triệu đồng. Thị trường càng ngày có vẻ càng khó nên tôi bỏ luôn để tập trung vào công việc chính".

Nới lỏng giãn cách: Nhà đầu tư "cân não" nhiều hơn khi "rót" tiền vào chứng khoán - Ảnh 3.

Đầu tư chứng khoán “siêu” lợi nhuận hơn vàng và USD. (Ảnh minh họa: VTC)

Từ nay đến cuối năm: Nên giữ tiền mặt hay "rót" vào chứng khoán

Trước đó, tại tọa đàm trực tuyến: "Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán cuối năm 2021", ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược đầu tư Công ty Dragon Capital chỉ ra rằng, so với hai kênh đầu tư kém nhất trên thị trường đó là vàng và USD, không phải chỉ ở thời điểm này, đầu tư chứng khoán nhìn 15 - 50 năm và 100 năm qua, vẫn là kênh đầu tư hiệu quả nhất. Một thống kê cho thấy, nếu đầu tư 1.000 USD vào thị trường chứng khoán, sau 100 năm được 21 triệu USD, đầu tư vào vàng chỉ được 100.000 USD.

Chia sẻ với PV Dân Việt, chuyên gia kinh tế - TS.Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, trong các kênh đầu tư, bất động sản cần một lượng vốn lớn, trong khi đó lãi suất tiết kiệm ngân hàng lại liên tục sụt giảm trong thời gian vừa qua vì vậy khi người dân không biết tiêu tiền vào đâu, người ta sẽ ngồi ở nhà và chơi chứng khoán.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng lưu ý, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã tăng khá nhiều trong suốt hơn một năm qua, trong khi nền kinh tế hiện giờ mới bắt đầu "ngấm đòn" vì dịch bệnh. Do vậy, diễn biến của thị trường được dự báo sẽ không mấy tích cực từ nay đến cuối năm.

"Đặc biệt, khi gỡ bỏ giãn cách cũng là lúc dòng tiền rút dần khỏi chứng khoán, và thị trường sẽ bước vào chu kỳ giảm mạnh. Sau đó, thị trường sẽ cần một thời gian để hồi phục. Nhà đầu tư lúc này phải "cân não" nhiều hơn khi xuống tiền đầu tư", ông Hiếu dự báo.

Các chuyên gia đến từ công ty chứng khoán Rồng Việt - VDSC cũng đưa ra dự báo, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể điều chỉnh nhẹ, chỉ số Vn-Index sẽ giao dịch trong khoảng 1.250 – 1.380 trong vài tháng tới.

VDSC khuyến nghị nhà đầu tư điểm mấu chốt cho khoảng thời gian này chính là việc giữ tiền mặt. Đây có thể trở thành lợi thế một lần nữa cho các nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường đang trở nên khó lường hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem