Nỗi niềm nghỉ tết của người con xa quê

Thứ sáu, ngày 06/12/2013 11:22 AM (GMT+7)
Ngồi trong phòng làm việc, tôi bỗng chạnh lòng nhớ tới cha ở nhà phải một mình làm cỏ, tưới rau, quét dọn trước sau... Mẹ thì tảo tần buôn bán ngoài chợ cả ngày, chẳng ai phụ trông coi dù cửa hàng tấp nập.
Bình luận 0
Dạo này thấy mọi người hay bàn tán về thông tin cho nghỉ tết sớm, trong lòng tôi cũng chợt nao nao. Còn gần 60 ngày nữa mới đến tết nhưng không khí ấy như đang làm “xao xuyến” trái tim của những người con xa quê.
(Hình minh hoạ)
(Hình minh hoạ)

Tôi hiện là một công nhân viên chức nhà nước, nhắc đến “con nhà nước” chắc hẳn ai cũng nghĩ là sung sướng lắm. Vâng, tôi thừa nhận được làm “con nhà nước” cũng nhàn hạ thật đấy, nhưng nỗi khổ trong những ngày lễ tết của những người con xa nhà thì ai cũng giống như nhau.

Nhớ tết năm ngoái, cơ quan tôi mãi tận 28 tết mới được nghỉ. Người nào ở ngoài Bắc thì 20 tháng Chạp đã “cuốn gói” về mất, người ở miền Trung thì 25 cũng không còn ai. Khổ nỗi những người làm việc tại thành phố và những miền quê lân cận thành phố, “xa không xa mà gần cũng chẳng gần” phải mòn mỏi đợi chờ đến ngày 28, sáng 28 còn phải “lết thân” vào cơ quan mất cả buổi sáng nữa mới đau lòng.

Nói thế không phải chúng tôi biếng lười không chịu làm việc mà bởi thật sự những ngày giáp tết như thế thường chẳng có việc gì làm. Không một bóng người nào tìm đến cơ quan, còn nhân viên với nhau thì túm tụm tám chuyện, có nơi còn chơi đánh bài đãi nước, ăn vặt… Tất cả cùng động viên nhau cố gắng và đếm lùi ngày nghỉ tết.

Mà nhé, những ngày giáp tết ở cơ quan đèn vẫn phải bật sáng, máy lạnh vẫn phải mở và nước vẫn phải xài đều đặn. Trong khi đó, việc nhà cửa chẳng ai lo giúp, dọn dẹp, rồi con cái của các anh chị cùng cơ quan thì “náo loạn” hết cả lên. Suốt 8 tiếng mòn mỏi trong cơ quan ai cũng nóng cả ruột gan, nhưng biết làm sao được? Than trời trách đất hay viết quách cái lá đơn nghỉ việc để thoát khỏi cảnh chán nản này?

Người có nhà và gia đình tại thành phố còn đỡ, có thể tranh thủ đi mua sắm, dọn dẹp chút ít hoặc ít ra chẳng có sự “nôn nao” về nhà ăn tết. Buồn thay, những người nhà “xa không xa, gần cũng chẳng gần” như tôi đây là thấy khó chịu và bứt rứt không thể tả.

Ngồi trong phòng làm việc… chơi game, tôi bỗng chạnh lòng nhớ tới cha ở nhà phải một mình làm cỏ ngoài sân, giặt chăn màn, quét dọn trước sau... Mẹ thì tảo tần buôn bán ngoài chợ cả ngày, chẳng ai phụ trông coi dù cửa hàng tấp nập.

Thuê người ư? Một năm chợ quê ế ẩm, được dịp mấy ngày cận tết bà con mua sắm, kiếm đồng ra đồng vào thì ai dám bỏ tiền thuê người giúp việc? Bởi chỉ qua mùng 1/1 là thấy qua tết rồi các anh chị ạ.

Lúc ấy, chợ lại trở nên “yên ắng” lạ thường và cứ thế chúng tôi cứ lết thân ngày 8 tiếng “vật ã” chờ ngày “sổ lồng” về quê. Thời gian đâu sắm sửa chuẩn bị những ngày tết, thời gian đâu đỡ đần giúp cha mẹ, nghĩ tới đó thì đúng là chỉ muốn… nộp cái đơn xin nghỉ, liền và ngay, thế nhưng ai cũng phải kiềm chế, thời buổi này thất nghiệp đầy ra thế kia.

Đôi lúc tôi ước nhà xa lơ, xa lắc ở tận vùng miền nào đó để được nghỉ sớm về nhà vào những ngày 20, dù đi xe, đi đò mất 5 ngày đi chăng nữa thì cùng lắm ngày 25 là đã được về với cha mẹ.

Mệt mỏi và bất mãn nhất là những người giữ nhiệm vụ “canh cơ quan”, chẳng có việc để làm mà nghỉ cũng chẳng xong. Mà hễ “ý kiến ý cò” là bị xem là người ích kỷ, hẹp hòi, bời “những người ở xa” một năm mới về thăm nhà mỗi dịp tết.

Tôi chỉ mong mọi người hiểu một điều rằng “nhà” là mái ấm mà dù ở xa bao nhiêu, ở gần bao độ và thăm nom một năm mấy lần thì người ta cũng vẫn muốn tìm về xôm tụ vào mỗi dịp tết đến, xuân về.

Năm nay âm lịch có 30 ngày, vậy thì tự suy ra 29 tôi mới “lót tót” về. Thế nào mẹ tôi cũng gọi lên trách: “Công nhân người ta về hết rồi mà sao chỗ con chưa được nghỉ?”. Rồi thể nào nước mắt con cũng “lúng phúng” trào ra nghèn nghẹn: “Hết năm nay con nghỉ cho rồi. Chán, chán lắm rồi” và bà mẹ già lại xuống giọng an ủi, dỗ dành.

Điệp khúc này có ai hiểu cho chăng, những đứa con “không xa - không gần” nhưng cũng rất cần về sớm đỡ đần cha mẹ trong dịp tết cận kề. Tháng 12 rồi, ai cũng nghe lòng nôn nao để rồi bất chợt hiểu ra “giật mình chợt lại thương mình xót xa” là như vậy.
VnExpress (Theo VnExpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem