Nói và làm quanh Hồ Gươm

Thứ ba, ngày 27/04/2010 10:51 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau một chuỗi kiến trúc xấu xí như nhà “Hàm cá mập”, nhà Bưu điện, Rạp Kim Đồng, Khách sạn Vàng v.v, có lẽ giờ đây Hồ Gươm đã chịu số phận của con gà đẻ trứng vàng bị giết thịt.
Bình luận 0

Cả nước có một thắng cảnh độc nhất vô nhị, đó là Hồ Gươm! Khu vực quanh Hồ Gươm của Thủ đô không chỉ là danh lam mà còn là đất thiêng lịch sử, không chỉ gắn liền với Vua Lê Thái Tổ cùng câu chuyện “trả gươm” mà còn là nơi lịch sử ngàn năm từng trải qua.

Nhưng từ ngày đất trung tâm thành “vàng”, khu vực xung quanh Hồ Gươm bỗng trở thành nơi đua nhau xâu xé tranh giành lợi nhuận. Nếu không có lương tri của xã hội, và sự lắng nghe của một số nhà lãnh đạo Hà Nội trước đây, sau một chuỗi kiến trúc xấu xí như nhà “Hàm cá mập”, nhà Bưu điện, Rạp Kim Đồng, Khách sạn Vàng, có lẽ giờ đây Hồ Gươm đã chịu số phận của con gà đẻ trứng vàng bị giết thịt.

Lãnh đạo Hà Nội đã hơn một lần khẳng định bảo vệ vẻ đẹp và chứng tích lịch sử vô giá của Hồ Gươm. Họ cũng nhận ra và cam kết tìm mọi biện pháp để không làm ùn tắc khu vực “nhạy cảm” Hồ Gươm. Cuộc thi quy hoạch khu vực Hồ Gươm có nhiều kiến trúc sư (KTS) nổi tiếng tham gia đã cho ra đời những ý tưởng bảo vệ và tôn vinh vùng đất thiêng này.

Thế nhưng nói và làm rất khác nhau. Phải chăng vì lợi ích thực dụng của nhóm này hay người kia mà khu đất thuộc quyền sử dụng của điện lực đã được chấp nhận biến thành một khu thương mại khổng lồ?

Trước đây, dự án này – dù đã được Bộ Xây dựng đồng ý – đã bị phá sản vì sự phản đối gay gắt của công luận và giới KTS. Hôm nay, như có phép lạ, dự án này đã “sống lại” dưới một cái vỏ khác, nhưng thực chất vẫn là xây dựng quy mô lớn quanh Hồ Gươm.

“Với khu vực quanh Hồ Gươm, có lẽ chỉ nên bớt chứ không nên thêm công trình nào nữa”. Đó là ý kiến khá phổ biến của giới KTS và công luận. Người ta nhận thấy rằng, với trình độ thẩm mỹ cao và công phu nghiên cứu, những KTS Pháp trước đây đã chỉnh trang lại Hồ Gươm sau khi người Pháp chiếm đóng Hà Nội và “đó là một quy hoạch hợp lý, có tính bền vững cao, đã được thử thách hàng thế kỷ nay” (ý của KTS Trần Huy Ánh).

Ông Chủ tịch UBND TP.Hà Nội hiện nay là một KTS. Ông đã dùng quyền lực và hiểu biết của mình để bác bỏ một số công trình “phản kiến trúc” như khách sạn ở công viên, siêu thị ở đường 19/12. Đó là những đóng góp mà người Hà Nội cần ghi nhận.

Mong rằng, ông Chủ tịch cũng như lãnh đạo Hà Nội một lần nữa suy nghĩ thật kỹ, thật chín chắn, lắng nghe ý kiến của giới kiến trúc và nhân dân thực hiện lời hứa bảo tồn khu Hồ Gươm, xem xét và dẹp bỏ mọi ý đồ kiếm lợi nhuận từ vùng đất thiêng này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem