Nôn nao mùa duối chín

Bài, ảnh: Thanh Ly Thứ tư, ngày 23/09/2015 14:52 PM (GMT+7)
Sớm mai, tiết trời se lạnh. Tôi ngẩng đầu nhìn lên, mặt trời lấp ló sau rặng tre, gió thoảng, khẽ lay động cành lá để lộ những giọt sương lấp lánh trên bờ duối. Nhưng đẹp nhất vẫn là đốm vàng nhỏ li ti giữa chùm lá xanh ngút. Chao ôi! những quả duối vàng, mùa duối chín đã về.
Bình luận 0

Trong khu rừng sau nhà tôi, từng gốc duối vẫn còn đấy. Hơn chục năm, cũng chừng ấy thời gian xa cách mùa duối chín, đến giờ tôi vẫn thèm được trèo lên ngọn duối kia để tận tay hái những quả đang vàng mọng, để được thêm một lần thưởng thức vị ngọt lịm như những viên kẹo thần kì mà một thời tuổi thơ cứ nhấm nháp hoài không ngán.

Ngày ấy, trên các gò đồi, trong rừng , kể cả những chỗ sỏi đá, đất bạc màu nhất duối vẫn sống xanh tốt, tán lá trổ ra xung quanh xanh ngát. Còn gì tuyệt bằng được ngồi dưới bóng duối, vi vu cùng tiếng chim véo von và hàn huyên những câu chuyện không đầu không đuôi với đám bạn cùng trang lứa? Dưới cây duối già giống như một thế giới cổ tích, là nơi chúng tôi tụm ba tụm bảy tâm tình chuyện trường lớp, kể về những ước mơ đẹp đẽ sau này hay chơi đùa, hò reo cả một góc xóm nhỏ vốn dĩ yên bình…

img

Khi tiết trời bắt đầu giêng hai, từ những tán lá rậm rạp đã thấp thoáng từng cụm hoa duối nở xoè, nổi bật và vài hôm sau nữa thì cả vòm xanh của lá đã bị che kín bởi màu vàng li ti của hoa. So với các loài hoa khác, hoa duối không đẹp quyến rũ, nhưng mang một vẻ giản dị, chúm chím như nụ cười cô thôn nữ. Nhiều đứa con gái thích thú với tay dạt ngang chùm lá xanh rì, cố tìm những đóa hoa vàng ươm, đẹp nhất rồi cài nhẹ lên mái tóc hay tết hoa chơi trò cô dâu, chú rể.

Rồi hoa duối đến mùa kết trái, bông hoa có năm cánh buồn rớt về đất mẹ, để lộ ra những trái duối xanh non, da trơn bóng. Khi hạ đã vào độ, những đợt gió Tây Nam thổi thông thốc qua cánh đồng lúa trĩu hạt, nắng vàng trải khắp làng quê ấy cũng là lúc duối chín vàng.

Làm sao quên được những mùa duối chín, những người bạn cắt cỏ, chăn bò thuở ấy. Sau khi đã thả bò ăn cỏ no nê trong rừng, cả bọn liền cột bò vào gốc cây, chạy ào đến hàng duối. Cây duối tuy rậm tán nhưng cành nhỏ lại đâm chéo nhau nên rất khó trèo. Bọn trẻ con phải chọn cành chắc nhất để có thể  hái trái chín mà không bị gãy, đôi khi lại giành nhau chí chóe. Đứa nào nhanh tay thì bẻ cả cành trĩu quả thả rơi xuống đất rồi tha hồ mà hái, mà lặt, vừa ăn vừa đùa giỡn ném hột vào nhau. Chiều về ai cũng có đầy duối trong  túi áo, túi quần, có kẻ còn nghênh ngang vác cành xum xuê cả trái lẫn lá, vượt qua những triền dốc dài để về nhà tắm rữa, ăn cơm. Tối đến lại rôm rả chia cho chị, cho anh một ít.

Lũ trẻ quê tôi ngày đó còn nghèo, nên ngay cả trái duối rừng nho nhỏ cũng có thể trở thành món quà vặt quý giá. Thậm chí những chú chim cũng rủ nhau bay về ríu rít, chọn những quả duối ngọt nhất để mổ ăn. Có lẽ cái vị thanh ngọt trong suốt đã mê hoặc cả lũ chim rừng…

Từng mùa duối chín qua đi, đám trẻ quê xưa mỗi người một ngả. Có đứa  bám trụ với ruộng đồng nghèo mưu sinh vất vả. Có đứa nhà cao cửa rộng nơi phố thị phồn hoa. Chẳng mấy khi có dịp gặp mặt nhau… Như tôi, thỉnh thoảng mới về quê một lần. Nhưng không hiểu duyên cớ gì mà lại đúng mùa duối lung linh sắc vàng như thúc dục tôi nhớ về mùa sau. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem