Chiều 25.2, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức buổi họp báo về phương án tổ chức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí BOT Cai Lậy để hoàn vốn đầu tư dự án xây dựng công trình QL1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường KM1987+560 – Km2014+000.
Toàn cảnh buổi họp báo.
Đây là dự án BOT, đã tạm dừng thu phí một năm do gặp phải sự phản ứng gay gắt từ phía người dân phản đối hoạt động thu phí với lý do trạm thu phí BOT Cai Lậy đặt sai vị trí và phí dịch vụ sử dụng đường bộ quá cao.
Ngày 4.12.2017, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định dừng thu phí BOT Cai Lậy để Bộ GTVT trình phương án xử lý, Bộ GTVT và tỉnh Tiền Giang đã bàn bạc, thống nhất chọn phương án giữ nguyên vị trí trạm BOT hiện hữu và giảm giá vé cho các phương tiện qua trạm, mở rộng đối tượng được miễn, đồng thời kéo dài thêm thời gian thu phí.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết: “Trạm BOT Cai Lậy đã dừng thu phí hơn 1 năm nay, Thường trực Chính phủ đã họp 2 lần, 2 Phó Thủ tướng đã họp 4 lần về dự án này. Sau 1 năm rà soát, xin ý kiến các bộ ngành, địa phương và người dân Bộ GTVT đã đưa ra phương án thu phí. Thủ tướng đã đồng ý giữ nguyên trạm thu phí và yêu cầu nhà đầu tư, tỉnh Tiền Giang rà soát lại dự án, phân luồng và xem lại lưu lượng xe để điều chỉnh”.
“Ngoài ra, cho nhà đầu tư mở rộng khu vực giảm phí và lắng nghe thêm những ý kiến của người dân, chính quyền địa phương và nhà đầu tư để tiếp tục đưa ra phương án đảm bảo nhất”, Thứ trưởng Nhật khẳng định.
Trạm BOT Cai Lậy.
Trả lời câu hỏi của PV Dân Việt về phương án đảm bảo an ninh trật tự sau khi thu phí trở lại, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết: “Bộ GTVT đã thống nhất với tỉnh tiền giang và được Chính phủ đồng ý giữ nguyên trạm và giảm giá vé tối đa cho các phương tiện như xe nhóm 1 giảm từ 35.000 đồng xuống còn 15.000 đồng/lượt. Ngoài ra, miễn giảm thu phí cho các phương tiện xung quanh trạm thu phí với bán hính từ 5 – 10Km”.
Ông Huy cho rằng: “Thời gian qua, Bộ GTVT chỉ đầu tư các dự án BOT trên tuyến đường mới và không làm BOT trên tuyến đường hiện hữu. Hiện nay, dự án BOT Cai Lậy sẽ không hồi tố và vẫn giữ nguyên trạm. Bộ GTVT đã nhiều lần làm việc với chính quyền và nhà đầu tư nêu rõ các nhược điểm của 5 phương án thu phí, và phương án được chọn là đảm bảo nhất. Phương án này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý”.
Ông Hoàng văn Cường - Phó Giám đốc, Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang.
Cũng trong buổi họp báo ông Hoàng văn Cường - Phó Giám đốc, Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang (chủ đầu tư BOT Cai Lậy) cho rằng: “Hiện nay, chúng tôi chẳng còn giải giải pháp nào để giải quyết ùn tắc chúng tôi đã đi vào ngõ cụt. Chúng tôi hoàn toàn phải nhờ vào cơ quan chức năng, cơ quan báo chí tuyên truyền để người dân hiểu được hoạt động thu phí dựa trên pháp luật”.
“Trong hơn 1 năm qua, chúng tôi dừng thu phí và phải trả lãi tới 120 tỷ đồng khiến cho chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Hiện chúng tôi thực hiện giải pháp đã được Thủ tướng đồng ý là giữ trạm và giảm phí cho các phương tiện. Chúng tôi mong rằng, các cơ quan truyền thông cùng chính quyền giúp đỡ chúng tôi vì chúng tôi chỉ là nhà đầu tư không có quyền xử lý các phương tiện”, ông Hoàng trả lời.
Đề cập tới việc tài xế sử dụng tiền lẻ, ông Hoàng cho biết: “Đối với việc tiền lẻ, chúng tôi sẽ dành riêng 1 làn để cho các phương tiện sử dụng tiền lẻ đi vào, còn kẹt xe thì chúng tôi bắt buộc phải xả trạm và nhờ cáo cơ quan chức năng đảm bảo an ninh trật tự”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.