Nông dân Hà Tĩnh gói hơn 1.800 chiếc bánh chưng tham gia hội thi dâng lên "vua Đen"
Nông dân Hà Tĩnh thi gói hơn 1.800 chiếc bánh chưng dâng vua "Đen"
Tập Thoả
Thứ năm, ngày 02/02/2023 19:00 PM (GMT+7)
Những ngày đầu xuân Quý Mão, nhiều nông dân xã Mai Phụ gói hơn 1.8000 chiếc bánh chưng để tham gia hội thi, tổ chức lễ giỗ “vua Đen” Mai Hắc Đế. Những chiếc bánh chưng ngon, đẹp nhất được lựa chọn để cung tiến lễ giỗ vua Mai Hắc Đế.
Theo thông lệ hằng năm, trong các ngày 12, 13 tháng Giêng, người dân xã Mai Phụ, Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) long trọng tổ chức giỗ vua Mai Hắc Đế. Năm nay, người dân toàn xã đã gói hơn 1.800 chiếc bánh chưng để dâng "vua Đen".
Mai Hắc Đế, tên thật là Mai Thúc Loan (dân gian gọi là vua Đen), vị vua người Việt thời Bắc thuộc, ông là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại sự chiếm đóng của nhà Đường ở Việt Nam vào thế kỷ thứ VIII.
Theo truyền thuyết, mẹ ông vốn là người làng ven biển Mai Phụ, thuộc Hoan Châu (nay là xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) không chồng mà tự nhiên có bầu. Bị dân làng cười chê, bà xấu hổ nuốt nước mắt bỏ làng trốn đi, phiêu bạt tới thôn Ngọc Trừng, xã Nam Thái, huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An). Ông mang họ mẹ.
Ngay từ nhỏ, Mai Thúc Loan một cậu bé hiếu động, nhanh nhẹn, có sức khỏe hơn người. Sinh thời, Mai Thúc Loan vốn rất khỏe mạnh, giỏi đô vật, học rất giỏi, có chí lớn. Ông mở lò vật, lập phường săn, chiêu mộ trai tráng trong vùng mưu việc lớn.
Chứng kiến cảnh người dân cực khổ dưới ách thống trị của nhà Đường, ông đã nhen nhóm ý tưởng đánh đuổi ngoại xâm. Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo diễn ra vào năm 713 đã giải phóng vùng đất rộng lớn ở Nghệ An. Sau sự kiện này, ông được suy tôn làm hoàng đế.
Đền thờ Mai Hắc Đế được xây năm 2010 trên diện tích 5.000 m2 ở thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà. Công trình được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh Hà Tĩnh năm 2011.
Năm nay, lễ giỗ vua Mai được diễn ra từ ngày 2/2 đến ngày 3//2023 (tức 12 và ngày 13 tháng Giêng năm Qúy Mão). Các hoạt động chính của lễ hội gồm: Hội thi gói bánh chưng dâng vua và ngâm thơ đầu xuân (diễn ra ngày 2/2; lê giỗ chính vào ngày 3/2.
Hội thi gói bánh chưng dâng "vua đen" năm nay thu hút đông đảo bà con nhân dân trong xã tham gia. Nguyên liệu gói bánh chứng bao gồm: Nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong, lạt buộc, gia vị các loại, bếp nấu, củi nấu đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tại buổi lễ, ban tổ chức sẽ chấm điểm dựa trên các tiêu chí như: Chất lượng bánh, tính thẩm mỹ, an toàn vệ sinh, đúng thời gian quy định để quyết định đội chiến thắng. Những chiếc bánh chưng ngon, đẹp nhất được lựa chọn để cung tiến lễ giỗ vua Mai Hắc Đế.
Vào dịp giỗ Mai Hắc Đế hoặc các ngày lễ, Tết, người dân, du khách thập phương thường đến đây dự lễ, dâng hương tưởng nhớ ông.
Đang vớt bánh chưng để dâng vua, ông Nguyễn Tiến Tân (trú tại thôn Hợp Tiến, xã Mai Phụ), cho biết: "Tôi rất vinh dự khi được nhiều năm tham gia gói bánh chưng nhân dịp giỗ vua Mai. Chúng tôi cố gắng chọn lựa nguyên liệu cẩn thận dâng lên vua những chiếc bánh chưng ngon nhất để cảm ơn ngài đã luôn bảo vệ dân làng, giúp mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu".
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Bắc – Chủ tịch UBND xã Mai Phụ, cho biết: "Từ lâu lễ giỗ Vua Mai là nét đẹp truyền thống của người dân tại xã Mai Phụ vào dịp tháng Giêng. Ngoài việc tưởng nhớ công ơn đối với các bậc hiền nhân, dịp lễ còn là nơi giáo dục truyền thống thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ. Các năm trước do ảnh hưởng của Covid-19 diễn biến phức tạp nên địa phương đã làm giỗ của cụ đơn giản, ấm cúng".
"Năm nay, các thôn trong xã đều tự nguyện tham gia giỗ của ngài rất nhiệt tình, cùng nhau gói hơn 1.800 chiếc bánh chưng tham gia hội thi dâng lên vua. Những chiếc bánh chưng ngon, đẹp nhất được lựa chọn để lên vua. Kết thúc lễ giỗ, bánh chưng, các lễ vật sẽ được tặng cho quan khách và người dân trong xã, đây có nghĩa là hưởng lộc vua ban" - ông Nguyễn Xuân Bắc – Chủ tịch UBND xã Mai Phụ, nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.