Từ bèo lục bình dại phá không xuể, chị giám đốc HTX ở Cần Thơ biến thành tiền, cả làng phục lăn
Từ một loài cây dại phá không xuể, chị giám đốc HTX ở Cần Thơ biến thành tiền, tạo việc làm cho vô số người
Huỳnh Xây
Thứ tư, ngày 01/11/2023 06:06 AM (GMT+7)
Chị Sơn Thị Lang - Giám đốc Hợp tác xã Làng nghề ở ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ liên kết với trên 100 phụ nữ đan lục bình cung ứng khoảng 3.000 sản phẩm/tháng cho doanh nghiệp.
Chị Lang kể, trước đây, chị không có nghề nghiệp ổn định. Rất may, sau khi được học nghề đan lục bình do Hội phụ nữ thị trấn Cờ Đỏ tổ chức cho phụ nữ đồng bào dân tộc, chị làm rất thạo nghề và kết nối với doanh nghiệp thu mua sản phẩm gia công.
Do nhu cầu doanh nghiệp mua nhiều sản phẩm gia công nên chị dần mở rộng quy mô và thành lập hợp tác xã Làng nghề. Hiện nay, hợp tác xã Làng nghề do chị Lang làm chủ tịch đã có 38 thành viên tham gia.
Để có sản phẩm đẹp, chị Lang phải thường xuyên đứng lớp, làm giáo viên bất đắc dĩ dạy nghề lại cho xã viên là chị em phụ nữ trong thị trấn Cờ Đỏ.
Những người tham gia lớp dạy nghề đan lục bình của chị Lang rất đặc biệt, bởi có những người hơn 50 tuổi. "Nhiều người lớn tuổi ở nông thôn, không có việc làm thường xuyên nên theo học để đan lục bình, kiếm thêm thu nhập" - chị Lang cho hay.
Theo chị Lang, công việc đan lục bình đòi hỏi phải kiên nhẫn, chịu khó. Mỗi người đan lục bình tốt, có thể đạt mức thu nhập 150.000 đồng/ngày.
Để vừa chủ động nguồn nguyên liệu, vừa đảm bảo có cọng lục bình đẹp, không bị đen, thay vì phải đi mua như trước đây, chị Lang còn vận động xã viên vớt lục bình trôi trên sông, kênh rạch địa phương đem về cắt, phơi.
Với những nỗ lực nêu trên, đầu năm 2023, sản phẩm đan lục bình của Hợp tác xã Làng nghề ở ấp Thới Hòa B đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 4.
Liên kết với trên 100 phụ nữ đan lục bình giao cho doanh nghiệp
Ngoài xã viên của hợp tác xã, chị Lang còn liên kết với trên 100 phụ nữ khắp huyện nhà trong việc gia công sản phẩm đan lục bình, cung ứng cho doanh nghiệp khoảng 3.000 sản phẩm/tháng. Nhờ vậy, phong trào phát triển kinh tế từ nghề đan lục bình gia công đã lan rộng từng ngày.
Chị Lang nói thêm: "Những năm đầu vận động chị em phụ nữ học nghề đan lục bình rất khó khăn, ai cũng cho rằng nghề này không được bao nhiêu tiền nên số lượng tham gia không nhiều. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, nhiều chị em lại đam mê và mong muốn gắn bó lâu dài. Một người đi học về, hướng dẫn nhiều người khác làm theo. Vì vậy, mô hình lan tỏa nhanh".
Hiện nay, ngoài việc quản trị hợp tác xã, mở lớp dạy đan lục bình cho phụ nữ địa phương, chị Lang còn đi thu mua sản phẩm từ các hộ dân, rồi vận chuyển hàng giao cho doanh nghiệp.
Theo tìm hiểu, những năm đầu thành lập, xã viên hợp tác xã Làng nghề phần lớn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, phải lao động xa nhà. Đến nay, ngoài làm công việc chính là sản xuất nông nghiệp (trồng lúa, cây ăn trái), chị em còn kiếm thêm từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng nhờ đan lục bình.
Ngoài ra, thông qua các chương trình vay vốn hộ nghèo, cận nghèo, nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, quỹ hỗ trợ phụ nữ,… nhiều xã viên có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, vượt qua khó khăn, có cuộc sống ổn định và không còn hộ thuộc diện khó khăn.
Ngoài gia công cho doanh nghiệp, hợp tác xã Làng nghề của chị Lang còn làm các sản phẩm khác, nhằm tạo sự đa dạng cho sản phẩm đan lục bình, cụ thể như giỏ xách, vỏ bình hoa, nón,...
Theo bà Nguyễn Ngọc Thẩm - Phó Trưởng ban Ban Dân vận Huyện ủy Cờ Đỏ, mô hình đan lục bình gia công cho doanh nghiệp không chỉ phát huy hiệu quả việc chuyển đổi ngành nghề mà còn giúp phụ nữ địa phương cải thiện cuộc sống gia đình.
Được biết, huyện Cờ Đỏ (TP.Cần Thơ) có trên 30 nghìn hộ dân, trong đó hơn 7% là người dân tộc Khmer. Để phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc Khmer, ngành chức năng huyện đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó có việc phát triển các mô hình kinh tế tập thể.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.